Nhiều biến chứng nặng, dịch Sởi vì sao vẫn chưa được công bố?

Nhiều biến chứng nặng, dịch Sởi vì sao vẫn chưa được công bố?
Tuần qua, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương đã phải “cầu cứu” Bộ Y tế vì sự quá tải đã lên đỉnh điểm. Số lượng bệnh nhi nội trú của BV này tăng vọt từ 1.400-1.700 cháu, phải nằm ghép 3-4 cháu/giường và “tranh nhau” một cái máy thở ôxy. Đáng lo ngại nhất là số bệnh nhi mắc sởi tăng cao bất thường với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp nặng, trong đó nhiều trẻ tử vong.
Trao đổi tại hội nghị “nóng” về tình trạng quá tải BV ở Hà Nội, lãnh đạo BV Nhi Trung ương đã không giấu sự lo lắng: “Chưa năm nào thấy dịch sởi nặng nề như năm nay. Bệnh diễn biến rất lạ khi gây biến chứng viêm phổi nặng. Bệnh nhi nhập viện bình thường, được điều trị ngay nhưng diễn biến nặng lên trông thấy và nhiều cháu tử vong rất nhanh”.
BV Nhi Trung ương đã dành riêng một khoa chỉ điều trị bệnh nhân sởi mà vẫn quá tải. Hiện có hơn 200 bệnh nhân biến chứng sởi đang phải điều trị, phải nằm ghép 3-4 cháu/giường, trong đó nhiều cháu phải thở máy. Thậm chí, đã có gia đình bệnh nhi gửi đơn kiện BV vì cho rằng con của họ tử vong do nhiễm sởi tại BV khi đang điều trị một bệnh lý khác.
“Bệnh sởi năm nay diễn biến không bình thường như mọi năm” là nhận định chung của nhiều bác sĩ điều trị nhưng đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa có giải pháp cụ thể để ngăn chặn. Từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ Y tế luôn nhấn mạnh số ca mắc sởi diễn ra rải rác tại các địa phương, không bùng phát thành dịch lớn và nguyên nhân là do người dân chưa cho con trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi. 
Thông báo mới nhất của Bộ Y tế cũng chỉ nói rằng đã ghi nhận trên 5.000 trường hợp nghi mắc sởi tại 59 tỉnh, thành phố nhưng không cho biết số ca tử vong do bệnh này.
Từ thực tiễn, một số bác sĩ cho rằng dịch sởi diễn biến rất phức tạp và ngành y tế cần tính đến việc công nhận có dịch sởi. Bởi lẽ, bệnh sởi không chỉ tấn công những trẻ chưa tiêm đủ vắc-xin mà ngay cả các bé dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm phòng) cũng bị virus sởi tấn công với những biến chứng nặng, tử vong nhanh chóng.
Cuối tuần qua, Bộ Y tế đã có công điện gửi các địa phương yêu cầu tăng cường đối phó với bệnh sởi, tổ chức tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ 9-24 tháng tuổi. Tuy nhiên, để đối phó với tình hình bệnh sởi phức tạp và biến chứng khó lường như hiện nay, các động thái trên của Bộ Y tế vẫn chưa đủ.
Đã đến lúc cần phải công bố dịch sởi, với những thông điệp mạnh mẽ hơn, để ngành y tế nhìn nhận đúng dịch bệnh và người dân nâng cao cảnh giác trước một căn bệnh dễ lây lan và nhiều biến chứng nguy hiểm./.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.