Sẵn sàng chia sẻ những bài thuốc hay với mong muốn mang lại sức khỏe cho mọi người, ông Bùi Hồng Minh (SN 1948, số nhà 66, phố Đốc Ngữ, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ bài thuốc chữa bệnh sởi và phong tê thấp với bạn đọc...
Một số vị trong bài thuốc chữa bệnh sởi |
Bài thuốc “đánh bay” nốt sởi
Theo lương y Bùi Hồng Minh, sởi là căn bệnh cấp tính truyền nhiễm, thường những trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi hay mắc phải. Nguyên nhân là do cơ thể bị thấp nhiệt, nhiệt độc tích tụ bên trong gây nên cảm, mọc sởi. Bệnh sởi có hai dạng là sởi thuận và sởi nghịch, tùy vào mỗi loại có cách chữa trị khác nhau.
Trước tiên là với bệnh sởi thuận. Phát bệnh qua 3 giai đoạn, tùy vào từng giai đoạn mà có những triệu chứng, bài thuốc khác nhau. Giai đoạn sơ khởi (từ 3 - 5 ngày): Bệnh nhân bị sốt đột ngột rồi tăng dần, ngạt mũi, ho, mắt đỏ, sợ ánh sáng, rêu lưỡi trắng mỏng, đi ngoài phân lỏng, chảy nước mắt nước mũi, dưới dái tai có nhiều mụn nhỏ màu đỏ nhạt.
Bài thuốc nam chữa bệnh sởi giai đoạn này được lương y Minh chia sẻ như sau: Cát căn (sắn dây) 12g, lá tre (12g), Kinh giới (10g), Ké đầu ngựa (10g), Cam thảo đất (10g), Kim ngân hoa (8g), rau Diếp cá (10g), cây rau mùi đã có hoa (10g).
Giai đoạn thứ hai là khi sởi mọc sẽ theo một chu trình: Sau khi sởi mọc bắt đầu từ sau tai, gáy, đến phần đầu, mặt, lưng, ngực, bụng và tay chân. Lúc này sởi có màu hồng nhạt, bắt đầu rời rạc sau đó tụ thành từng đám, hơi nổi trên bề mặt da. Kèm theo đó bệnh nhân có những biểu hiện như sốt cao, khát nước, ho suyễn nặng lên, buồn phiền, lưỡi đỏ, trẻ em có thể làm cho co giật.
Bài thuốc chữa bệnh sởi giai đoạn hai này bao gồm các vị như: Lá tre (20g), Sài đất (16g), Sắn dây (12g), Kim ngân hoa (16g), Sa sâm (12g), Cam thảo đất (12g), Mạch môn (16g). Ngoài ra, lấy cây hạt rau mùi, hoặc nước lá kinh giới để tắm cho bệnh nhân, giúp những nốt sởi phát nhanh hơn đến hết.
Giai đoạn 3 là giai đoạn sởi bay. Nếu không có biến chứng gì, thường 3 - 5 ngày sởi sẽ nhạt dần rồi chuyển sang màu thẫm, tuần tự những nốt sởi sẽ mất như khi mọc, để lại vảy trắng nhỏ, không thành sẹo. Trẻ sẽ đỡ sốt dần, tinh thần và ăn uống khá lên, sau đó một tuần sẽ trở lại bình thường.
Giai đoạn này, bệnh nhân dùng những vị thuốc như: Sa sâm (12g), Ngọc trúc (12g), Mạch môn (12g), Cam thảo (4g), Lá dâu (8g), Thiên hoa phấn (6g), Bạch biển đậu (hạt đậu trắng) (6g).
Còn với dạng sởi nghịch, nguyên nhân do các nhiệt độc tích bên trong không phát được ra ngoài, mà tấn công vào lục phủ ngũ tạng. Lúc này bệnh nhân thường có những biểu hiện như: Sởi mọc không theo trình tự thông thường, chưa mọc đầy đã lặn, thời gian mọc sởi thất thường, sắc mặt tái nhợt, chân tay lạnh, sốt kéo dài. Ngoài ra, có thể sốt kéo dài mà sởi vẫn chưa mọc, hay sởi mọc dày mà vẫn còn sốt cao, quanh môi tím tái. Lúc này bài thuốc chữa sởi nghịch bao gồm: Ma hoàng (8g), Hoàng cầm (12g), Hạnh nhân (8g), Thạch cao (12g), Sắn dây (10g), lá Diếp cá (12g), Cam thảo (4g).
Công thức chung để sắc bài thuốc trên là rửa sạch, đem thuốc bỏ vào nồi, đổ 3 bát nước, đun cạn lại còn một bát. Ba lần sắc như vậy sẽ được 3 bát thuốc, hòa chung số thuốc này vào rồi chia làm 3 lần uống trong ngày. Với trẻ em liều lượng uống ít hơn, mỗi lần chỉ khoảng 15 - 20ml. Mỗi lần uống trước hoặc sau khi ăn khoảng nửa tiếng đồng hồ, uống khi thuốc còn ấm. Để đem lại hiệu quả cao, bệnh nhân: Tránh ra gió, không tắm nước lạnh, không ăn hạt tiêu, mít, dứa, thịt bò, thịt gà, tránh ăn những thứ có dầu mỡ… Tốt nhất sau khi sởi bay, bệnh nhân nên ăn cá trê, bệnh sẽ khỏi nhanh hơn.
Lương y Bùi Hồng Minh |
Bài thuốc chữa phong tê thấp
Lương y Minh tiếp tục chia sẻ bài thuốc chữa bệnh phong tê thấp đem lại hiệu quả cao. Theo ông, nguyên nhân của bệnh phong tê thấp là do phong tà, nhiệt tà, thấp tà, thoái hóa xương khớp, gai đôi xương khớp, lắng đọng các uric và thấp nhiệt gây nên. Với phong hàn thấp (đau cố định) chiếm 80%, còn phong nhiệt thấp (sưng nóng đỏ đau) chiếm từ 10 - 20%. Bệnh có những biểu hiện như: Sưng nóng đỏ đau ở các khớp xương, đầu gối, đau ở những nơi như lưng, ngón tay chân, vai gáy. Có nhiều trường hợp không sưng nóng đỏ đau nhưng đi lại khó khăn.
Ông Minh chia sẻ bài thuốc chữa phong tê thấp này gồm những vị như: Thiên niên kiện (12g), Thổ phục linh (10g), Dây đau xương (12g), Tang ký sinh (15g), Ngũ gia bì (12g), Trạch tả (10g), Thục địa (12g), Đỗ trọng (10g), Bắc kì tử (10g)… Nếu đau từ thắt lưng xuống thì thêm 12g Độc hoạt, còn nếu đau vai gáy thì thêm 10g Khương hoạt.
Bài thuốc trên tạo thành một thang thuốc hoàn chỉnh, bệnh nhân sắc lên uống. Mỗi lần sắc đổ 3 bát nước, cô cạn lại còn một bát. Mỗi thang thuốc có thể sắc 3 - 4 lần, sau đó hòa chung số thuốc đã sắc để chất lượng thuốc đều nhau. Số thuốc này uống trong ngày khi còn ấm, sau khi ăn khoảng một tiếng đồng hồ. Lần sắc cuối cùng, bệnh nhân có thể dùng để ngâm chân tay, cũng là một phương pháp hiệu quả để chữa căn bệnh phong tê thấp.
Từ bài thuốc trên, bệnh nhân cũng có thể dùng để nấu cao, tuy nhiên liều lượng thuốc phải tăng lên khoảng 10 lần. Theo phương pháp nấu cao đơn giản nhất thì chỉ cần: Sắc bốn lần, mỗi lần 3 bát nước, còn một bát thuốc, rồi số thuốc này hòa chung, tiếp tục cô cạn thành dạng cao. Chú ý đun nhỏ lửa, không để trào thuốc ra ngoài. Với những bệnh nhân bị bệnh phong tê thấp, cần kiêng những thực phẩm như: Thịt bò, thịt gà, chuối tiêu, bia, rượu, cà phê, rau rút, cà pháo, cá mè…
Thầy thuốc mê làm từ thiện
Gia đình có truyền thống theo nghề y học cổ truyền, ông Minh mang sở thích với những vị thuốc ngay từ nhỏ. Tuy nhiên, đi theo tiếng gọi của tổ quốc, ông đã gác lại những đam mê ấy lên đường nhập ngũ. Từng là chiến sĩ ở binh đoàn Trường Sơn, rồi công tác ở bộ tham mưu Bộ Tư lệnh công binh. Khi về hưu ông mới nghĩ đến việc theo đuổi nghề gia truyền.
Sau nhiều năm tìm hiểu những bài thuốc gia truyền, học hỏi thêm trên sách vở, lương y Minh đã tìm ra được nhiều bài thuốc mang lại hiệu quả cao. Không chỉ vậy, ông còn thường xuyên tham gia các chương trình từ thiện giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, tàn tật, cấp thuốc miễn phí. Ngoài ra, ông còn vận động những lương y trong quận tổ chức các đợt khám bệnh miễn phí cho những thương binh, người cao tuổi. Là Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, ông Minh luôn đi đầu trong các phong trào, cũng như vận động các thành viên cùng góp sức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Gần đây nhất, ông cùng một số lương y trong quận Ba Đình đến khám bệnh miễn phí cho các em nhỏ tại chùa Bồ Đề (Hà Nội). Ông chia sẻ: “Giờ tôi cảm thấy cuộc sống của mình đã ổn, con cái thành đạt, nhà nước cấp lương hưu, nhưng nhìn ra ngoài cuộc sống thấy những mảnh đời bất hạnh còn bị bệnh tật đeo bám nên tôi muốn góp chút sức lực của mình để giúp đỡ họ”. Đến chùa Bồ Đề, ông mới thấy hết được hoàn cảnh của các cháu, nhiều cháu không được bố mẹ thừa nhận, sống trong sự mặc cảm. Ông Minh lại là người chăm chút cho các cháu, những công việc như tắm, khám, chữa bệnh cho các cháu được ông làm tỉ mỉ. Toàn bộ chi phí này đều do ông và các lương y tự bỏ tiền, thậm chí mang thuốc của gia đình đến. “Lá lành đùm lá rách, đó còn là đạo lý của người Việt Nam”, ông chia sẻ.
Hà Bắc