Số lượng nhiều, chất lượng đáng bao nhiêu?
Tính đến hết năm 2012, Việt Nam có 289 khu công nhiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) với diện tích hơn 80 ngàn ha. Các KCN, KCX này đã thu hút trên 4,3 ngàn dự án FDI với tổng số vốn đăng ký lên tới 65 tỷ USD. Ngoài ra, cả nước hiện có gần 900 cụm công nghiệp, thu hút trên 7 ngàn dự án với tổng vốn đầu tư trên 112 ngàn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần nửa triệu lao động…
Ô nhiễm môi trường luôn là nỗi ám ảnh của mọi người |
Hiệu quả từ các KCN, KCX và cụm công nghiệp thì đã rõ, nhưng mặt trái ô nhiễm môi trường thì dường như chưa được đề cập nhiều. Mới đây, mới có một hội thảo chuyên đề về bảo vệ môi trường trong hệ thống các KCN ở Việt Nam được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh.
GS-TS Võ Thanh Thu - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách thương mại quốc tế, VCCI – nói thẳng: Hiện nay các KCN của Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề lớn làm hạn chế đến sự phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.
Thứ nhất là thiếu chiến lược nên bất chấp. “Do chúng ta đi lên từ một nước nghèo, bằng mọi cách thu hút vốn đầu tư nên giờ đây các KCN, KCX mọc tràn lan. Hình như không có thủ đô của nước nào lại có tới 19 KCN, KCX tập trung với diện tích lên tới gần 8 ngàn ha như ở ta (chưa kể 40 KCN nhỏ và cụm công nghiệp). Hay như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có tới gần 300 KCN và cụm công nhiệp với diện tích lên đến 43 ngàn ha, nhưng mới chỉ có 14 ngàn ha là thu hút được đầu tư, còn lại vẫn bỏ hoang…
Trung bình mỗi hécta đất sạch chi phí đầu khoảng 4 tỷ đồng, vậy mà hiện cả nước đang có hàng chục ngàn hécta KCN, KCX bị bỏ hoang, lãng phí tiền của lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng trăm ngàn nông dân bị ảnh hưởng bởi không còn đất sản xuất…” – vị này bức xúc.
Thứ hai và quan trọng nhất chính là đã quên đi yếu tố bảo vệ môi trường, khiến cho tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nước và khí thải. Hiện còn khảng 75% KCN và 85% cụm công nghiệp ở khu vực ĐBSCL chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên trung bình mỗi năm các KCN, cụm công nghiệp vùng này thải ra môi trường gần 50 triệu m3. Ước tính trên cả nước, tỷ lệ nước thải không qua xử lý xả thẳng ra môi trường chiếm trên 70%...
Nhiều lỗ hổng pháp lý
Theo các đại biểu, trong thời gian gần đây Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Trong đó, phải kể đến Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn và các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường… Nhưng xem ra, vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập bởi sự thiếu đồng bộ, chặt chẽ giữa các quy phạm này.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Hội Luật gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện còn nhiều thách thức tư pháp đối với việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Cụ thể là việc tranh chấp môi trường ngày càng gia tăng với rất nhiều vụ nghiêm trọng. điển hình như: Tranh chấp giữa người dân Đồng Nai và Công ty Sonadezi vào tháng 8/2011 do công ty này xả thải không qua xử lý.
Gần đây nhất là tranh chấp giữa người dân huyện Cẩm Thủy, Thanh Hoá và Công ty Nicotex Thanh Thái do việc công ty này chôn thuốc bảo vệ thực vật, chất thải xuống lòng đất, gây ô nhiễm môi trường xung quanh... Bên cạnh đó, việc nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể.
Vấn đề quan trọng là hệ thống pháp luật về khiếu kiện môi trường và công tác thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực môi trường còn nhiều bất cập như các quy định về quyền khởi kiện tập thể của người dân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường; thời hiệu khởi kiện trong lĩnh vực môi trường; xác định thiệt hại đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường, cũng như việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực môi trường hay việc cưỡng chế thi hành thỏa thuận trong trường hợp một bên không thi hành thỏa thuận cam kết… Rất khó với cả người gây ảnh hưởng lẫn người bị ảnh hưởng.
Để khắc phục những hạn chế trên, các đại biểu cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải gấp rút có chiến lược phát triển bền vững, phải kiên định phương châm “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” trong thu hút đầu tư. Việc quy hoạch phải phù hợp với từng vùng, từng địa phương, chứ không nên tràn lan.
Mặt khác cũng phải minh bạch thông tin, sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ và đồng bộ nhằm giải quyết nghiêm minh, thuận lợi nhất khi có xung đột trong lĩnh vực môi trường xảy ra.