Mấy năm trở lại đây, ở các thành phố, thị trấn đã xây dựng được nhiều bể bơi nhằm phục vụ nhu cầu tập bơi cho trẻ. Ngược lại, do nước ao, hồ, sông ngòi đang bị ô nhiễm nặng nên trẻ ở nông thôn ít được tiếp xúc với nước, gây nên nhiều cái chết thương tâm.
“Ước một lần được… cởi chuồng tắm sông”
Chia sẻ với người viết, em Trần Đoàn, 11 tuổi, ở Tiên Lữ, Hưng Yên nói: “Cháu xem phim trên ti vi, thấy các bạn nhỏ vừa chăn trâu, vừa tắm sông. Cháu cũng muốn cởi chuồng tắm sông như các bạn nhưng mẹ cháu không cho”.
Ao hồ ở nông thôn đang bị thu hẹp và ô nhiễm trầm trọng |
Theo khảo sát một vài vùng quê như Tiên Lữ (Hưng Yên), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Duy Tiên (Hà Nam), rất nhiều em nhỏ không biết bơi và có tình trạng sợ nước. Nguyên nhân là do không có nơi nào cho các em tập bơi.
Dân số đông, việc san lấp ao, lấn chiếm sông hồ để làm nhà cửa, lấy đất canh tác diễn ra thường xuyên. Cùng với đó là sự ô nhiễm nguồn nước trầm trọng: Màu nước ao hồ chuyển xanh đen, bốc mùi, chỉ dùng để chăn nuôi vịt ngan và tưới rau; sông ngòi cũng không kém, lổm ngổm những bao tải rác thải và xác chết động vật thối rữa…
Bác Trần Văn Hưng, người thôn Đặng Xá, Tiên Lữ, từng bơi lội rất giỏi, ngán ngẩm: “Nhìn lũ trẻ trong thôn chỉ biết tắm dưới vòi sen, không có sân chơi, bể bơi thì bao giờ mới biết bơi. Ao chuôm thì có nhưng bẩn lắm, xuống bơi một lúc thì đêm về tha hồ gãi ngứa”.
Cũng vì lẽ đó mà nhiều gia đình ở nông thôn không dám cho con đi tập bơi. Trẻ em từ lớn đến nhỏ, khi được hỏi biết bơi hay không đều lắc đầu nguầy nguậy. Em Ngọc Long, năm nay 15 tuổi, ở huyện Duy Tiên (Hà Nam) vô tư nói: “Em rất thích đi bơi, nhiều lần em trốn bố mẹ theo các bạn ra những ao nước trong làng tắm. Có hôm sợ bị bố mẹ phát hiện, cả bọn rủ nhau ra con mương tít cánh đồng để tập bơi. Cả lớp em chỉ có khoảng 3 – 4 đứa biết bơi thôi”.
15 tuổi, lớp 9 mà cả lớp mới có khoảng 3 – 4 đứa biết bơi, thử hỏi khi gặp sự cố trượt chân rơi xuống nước thì tỉ lệ đuối nước của các em sẽ là bao nhiêu?. Đó là chưa tính cả những lứa tuổi còn nhỏ hơn.
Chính quyền địa phương lên tiếng
Ông Trần Hữu Huê, ủy viên Hội đồng xã Cương Chính, Tiên Lữ chia sẻ: “Tôi đã sớm nhìn ra thảm họa đang rình rập con em mình từ các ao, hồ, sông ngòi. Vì vậy, trong các cuộc họp Hội đồng, tôi đã mấy lần đề xuất tới UBND xã nên xây dựng một vài bể bơi giúp các cháu vừa có sân chơi bổ ích, vừa giảm thiểu sự cố đuối nước.
Trong thôn xóm, tôi cũng đã đi vận động mấy nhà có ao rộng nên cải tạo, làm thành những bể bơi để kinh doanh, lợi cả đôi đường. Tuy nhiên, họ coi lời tôi nói như chuyện trên mây, lấp hết ao và đi mở sân trượt patin”.
Những người có quan điểm tiến bộ như ông Huê không nhiều nên đâu vẫn hoàn đấy, ở nông thôn vẫn chưa có bể bơi nào cho trẻ. Họa hoằn lắm mới có vài địa phương trên cả nước nhen nhúm dịch vụ này. Giờ đang vào mùa nóng bức, mưa bão diễn ra thường xuyên, việc trẻ con lỡ bước dạo chơi gần ao hồ mà sơ ý sảy chân rơi xuống nước rất có thể xảy ra.
Theo con số thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã có trên 200 trẻ em bị chết đuối. Tai nạn đuối nước trẻ em trong một vài năm gần đây rơi vào mức đáng báo động.
Thầy Phan Quang Nam Dương, hiện là Võ sư của môn phái Ngũ Lộ Quyền cho hay: Hè này thầy được Hiệu trưởng trường cấp II ở quận Long Biên (Hà Nội) mời kí văn bản dạy môn bơi lội cho các em học sinh.
Đó cũng là một cách hay để giúp các em có thể tiếp xúc mà không sợ nước. Tuy nhiên, việc đưa môn học bơi lội vào các trường học ở nông thôn lại khá khó khăn và phức tạp. Từ chuyện xây dựng bể bơi, sắm dụng cụ, trang bị đồ cứu hộ cho đến tìm thầy dạy bơi đúng cách là cả một vấn đề. Vậy nên, các em vẫn chưa thể tiếp xúc với môn học này.
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em ở nông thôn, chính quyền địa phương cùng với gia đình và nhà trường phải kết hợp chặt chẽ với nhau, đưa ra các phương án khả thi để trẻ sớm có những bể bơi được trang bị đầy đủ dụng cụ cứu hộ, không bị sợ hãi trước sông nước và tăng cường khả năng tự vệ cho các em.
Tố Uyên