Người dân ngửi mùi hôi, hít khí độc cả ngày
Hai cơ sở này là xưởng sản xuất bánh cuốn Gia An của Cty CP Toàn Phong (15/15/121 Kim Ngưu, Thanh Lương, Hà Nội) và xưởng sản xuất đậu phụ (12/121 Kim Ngưu, Hà Nội) do ông Phạm Văn Bái làm chủ. Liên tục 3 năm nay, hai “lò” sản xuất thức ăn này luôn hoạt động hết công suất từ 1-2 giờ sáng cho đến tận đêm khuya khiến hàng chục hộ dân ở đây mất ăn, mất ngủ.
“Khí C02 từ khói than đá; mùi chua nồng do gạo lên men, mùi hành mỡ xào nấu rồi mùi hôi thối của nước thải… phát ra từ hai cơ sở này bủa vây chúng tôi gần như 24/24 giờ”, ông Dương Văn Mỹ (13B/57/121 Kim Ngưu, Hà Nội) nói.
Theo đó, để giải phóng khí thải ra bên ngoài, một trong hai cơ sở này đã cho thiết kế, lắp đặt bên hông nhà một dàn thiết bị với hàng chục ống thu và xả khí, quạt thoát mùi… chĩa thẳng vào nhà dân. Chưa kể mỗi ngày, hàng đoàn xe máy rầm rập ra, vào vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu y như hoạt động của một… “khu công nghiệp” mi ni giữa lòng thành phố.
Theo các hộ dân, hoạt động của cơ sở sản xuất bánh cuốn Gia An và thực phẩm chín thuộc Cty CP Toàn Phong có quy mô rất lớn, sản phẩm làm ra cung cấp cho một chuỗi nhà hàng trên địa bàn Hà Nội, vì thế mỗi ngày “lò” này phải nung đốt từ 400 - 500 viên than tổ ong và ngâm ủ hàng trăm ki lô gam gạo lên men bốc mùi chua nồng gây ngạt thở cho người già và trẻ nhỏ…
“Liên tục bị “tra tấn” như vậy nên Tổ dân phố, Chi bộ Đảng cơ sở và nhân dân đã nhiều lần họp đề xuất lên ủy ban nhân dân (UBND) phường Thanh Lương, UBND quận Hai Bà Trưng với mong muốn di dời khẩn cấp hai cơ sở này ra khỏi khu dân cư. Thậm chí, trong các buổi tiếp xúc cử tri, tôi đã nhắc lại vấn đề này nhưng đến nay họ vẫn sản xuất và vẫn không ngừng phả mùi và khí độc…”, ông Nguyễn Văn Lập, cựu sĩ quan Công an nghỉ hưu tại phường này bức xúc.
Nghiêm trọng hơn, cuối tháng 11 vừa qua, trong một lần nạo vét, làm vệ sinh hệ thông cống rãnh của khu dân cư, nhân dân ở đây bất ngờ phát hiện các cơ sở này có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường gây đóng kết một lớp cặn thải dày chừng 30-40cm dưới đáy cống. Đại diện tổ dân phố và bà con ở đây đã lập biên bản, chụp ảnh hiện trường để trình báo lên trên.
Chất thải đóng kết dày 30-40cm dưới cống thoát nước |
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Lập cho biết thêm, trong 3 năm qua, có nhiều đoàn liên ngành của phường và quận về đây làm việc; chủ các cơ sở sau đó cam kết sẽ khắc phục nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Đến nay biện pháp xứ lý cao nhất mà chính quyền áp dụng đối với 2 cơ sở này là lập biên bản, đình chỉ hoạt động với lý do “không có giấy phép kinh doanh” hoặc “chưa tuân thủ quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm”, nhưng sau đó lại tiếp tục được sản xuất…
“Trả lời cử tri quận Hai Bà Trưng, ông Bùi Quang Khải - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương không những không quan tâm nhiều tới những kiến nghị của bà con mà còn ca ngợi “bánh cuốn Gia An rất ngon, họ có giấy phép kinh doanh rồi nên được quyền tồn tại, sản xuất”, trong khi chúng tôi thì đang từng giờ sống trong khổ sở. Các ông phải ăn, ở trong hoàn cảnh như dân thì mới hiểu tại sao dân kêu”, ông Lập nói.
Theo phản ánh, để đối phó với dư luận và chính quyền, cơ sở sản xuất bánh cuốn Gia An trước đây có khoảng 40 ô cửa sổ, quạt gió, ống xả khí thải…, thì nay số này đã được bít bớt, nhưng chủ cơ sở lại đưa ống thải lên sân thượng rồi dùng nhiều tấm chắn quây lại nhằm che mắt người dân.
“Và hễ có đoàn nào đến kiểm tra là dường như có ai đó “xi nhan” trước cho chủ cơ sở nên từ đêm hôm trước, họ đã cho “sơ tán” bớt thiết bị, máy móc, đồ đạc đi nơi khác để giảm ồn ào, ô nhiễm trước khi lực lượng chức năng xuất hiện?” - nhân dân ở đây nghi ngờ.
Rõ ràng sự đối phó của DN cộng với sự thiếu kiên quyết của chính quyền đang khiến cho dư luận ở đây khá bức xúc. Vì vậy, rất cần một cơ quan độc lập khẩn trương vào kiểm tra 2 địa chỉ nói trên, tránh tình trạng “bụt chùa nhà không thiêng”.
Thách thức công an, công luận
Ngoài PLVN, đến thời điểm này đã có gần chục tờ báo lên tiếng phản ánh việc ô nhiễm tại 2 cơ sở thức ăn trên địa bàn phường Thanh Lương nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Các hộ dân cho biết, cơ sở gây ô nhiễm không những không thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường mà còn lớn tiếng thách thức: “Thích thì gọi công an, gọi chính quyền, báo chí vào đây”. Thậm chí họ còn có những lời lẽ đe dọa sẵn sàng sống, chết với người dân gây mất đoàn kết và an ninh trật tự khu phố.