Giới hạn mong manh giữa phá hủy và bảo tồn
Những năm gần đây, việc trùng tu các di tích văn hóa, lịch sử đang được nhiều tỉnh, địa phương quan tâm, chú ý. Nhưng một số nơi vì nhiều lý do đã biến các di tích trở thành “thảm họa” trùng tu. Như vào năm 2019, hình ảnh cánh cổng đền An Liệt (tỉnh Hải Dương), bị “xóa sổ” sau trùng tu khiến nhiều người xót xa. Từ một cánh cổng cổ kính, rêu phong mang đậm kiến trúc nghệ thuật thời nhà Lê, di tích đã được làm mới hoàn toàn, mất đi giá trị văn hóa, lịch sử đến nay vẫn chưa thể phục dựng lại.
Hay vài năm trước đây, trường hợp đình Trùng Thượng và đình Trùng Hạ, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình được địa phương “thay áo mới” với hai màu đỏ và vàng gây nhiều tranh cãi. Được biết, ngôi đình được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, kiến trúc của đình được các chuyên gia đánh giá cao về độ tỉ mỉ, yếu tố văn hóa, thẩm mỹ. Việc ngôi đình được “sơn son thếp vàng” mặc dù nhìn khang trang, lộng lẫy hơn, nhưng làm mất đi giá trị điêu khắc, kiến trúc, lịch sử.
Hiện nay, có rất nhiều di tích cấp quốc gia mặc dù được trùng tu bài bản, bảo đảm được các yếu tố về kỹ thuật, vật lý, kết cấu, nhưng về giá trị thẩm mỹ công trình sau trùng tu lại gặp nhiều vấn đề. Mới gần đây nhất, hình ảnh di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều), một biểu tượng của di sản văn hóa thế giới Hội An, tỉnh Quảng Nam đã “lộ diện” sau hơn 1,5 năm được tu bổ. Cầu được làm mới với mái ngói đỏ tươi, bên trong di tích, một số khung gỗ hư hỏng, mục ruỗng trước đó đã được thay mới hoàn toàn. Văn bia và ký tự được sơn quét lại. Kết cấu mặt sàn được làm nhô cong hình vòng cung. Nhìn tổng thể, di tích Chùa Cầu có vẻ sáng sủa, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, diện mạo mới có phần “hiện đại” đã làm nhiều người tiếc nuối vẻ đẹp đài các, cổ kính xưa kia của cây cầu.
Từ khi được xây dựng cho đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã qua ít nhất 7 lần tu bổ. PGS.TS. KTS Nguyên Hạnh Nguyên, một trong những chuyên gia về bảo tồn di tích, nhận xét lần trùng tu này, công trình đã thực hiện đúng quy trình và nguyên tắc trùng tu di tích. Tuy nhiên, KTS Nguyên Hạnh Nguyên cũng đưa ra nhận định, Chùa Cầu là biểu tượng nhận diện của Hội An, vì vậy, về màu sắc, công trình Chùa Cầu sau trùng tu có những sắc độ quá khác biệt, tạo ra các phân vị ngang quá mạnh, mặt đứng bị rời rạc. Điều này, tạo nên nhiều ý kiến trái chiều.
Nguyên tắc trùng tu là giữ được tính nguyên bản
Việc bảo tồn, trùng tu di tích đúng thời điểm là rất quan trọng. Bởi nếu không kịp thời, các tỉnh địa phương sẽ không có cơ hội để bảo tồn, lưu giữ. Nhiều di tích chậm được trùng tu, tôn tạo dẫn đến xuống cấp. Hơn nữa, nếu để di tích xuống cấp trầm trọng thì khi trùng tu sẽ vấp phải nhiều khó khăn, thậm chí bắt buộc phải “mặc một chiếc áo mới” lên di tích.
Tuy nhiên, trùng tu di tích sao cho đúng, hợp lý vẫn là một bài toán không dễ dàng. Như GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị - Trường ĐH Xây dựng Hà Nội nhận định, một trong những vấn đề cốt lõi trong việc bảo tồn là bảo vệ các yếu tố gốc của di tích. Nguyên tắc của trùng tu là phải giữ được tính nguyên bản, tính chân xác của di sản. Muốn vậy, phải nắm bắt rõ lý lịch của di sản cùng sự biến đổi của nó theo thời gian; đồng thời phải xác định được nhiệm vụ của trùng tu làm sao vừa phải bảo đảm được yếu tố kỹ thuật, vừa bảo đảm yếu tố nghệ thuật. Cũng theo GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi, sở dĩ nhiều người dân phản ứng trước sự thay đổi của các di tích lịch sử sau trùng tu là do họ chưa được thông tin một cách kịp thời, đầy đủ về phương án tôn tạo di tích.
Ngoài vấn đề cần phải trùng tu, làm mới các di tích bảo đảm theo đúng nguyên tắc. Hiện nay, việc tôn tạo, sửa chữa các di tích cần có khung khổ pháp lý chặt chẽ. Mới gần đây nhất, trong Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, một số đại biểu đã cho ý kiến cần xem xét bổ sung di sản địa chất vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Hiện nay, còn một số quy định khiến các tỉnh, địa phương gặp khó khăn trong việc xác định, đề xuất di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm đến các quy định về trùng tu, tu bổ, tôn tạo di sản, di tích, trong quy định của luật. Bà nhận định việc trùng tu phải bảo đảm làm sao di tích giữ nguyên được giá trị kiến trúc, giá trị thẩm mỹ. Đồng thời, tăng khả năng chống đỡ lại trước tác động của môi trường. Mặc dù, hiện nay, Việt Nam đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ nhưng trong thời gian qua việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích vẫn gây ra những xôn xao trong dư luận. Vì vậy, cần có những nguyên tắc, các văn bản hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ hơn nữa và các chế tài xử phạt quyết liệt nếu xảy ra những việc xâm phạm làm ảnh hưởng đến di tích.