Con đường kháng chiến gian nguy
Vào cuối thế kỷ 19, sau khi chiếm xong một phần Bắc kỳ, tháng 8/1883, thực dân Pháp tấn công cửa biển Thuận An để buộc triều đình Huế phải ký các hiệp ước bán nước. Trong bối cảnh đó, nội bộ nhà Nguyễn chia làm hai phe, phe thân Pháp và phe chủ chiến kiên quyết đánh đuổi quân thực dân Pháp xâm lược.
Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường là hai đại thần có tư tưởng chống Pháp. Nguyễn Văn Tường có tư tưởng ôn hoà hơn và sau này ông không theo Vua Hàm Nghi tham gia phong trào Cần Vương mà chủ trương hoà đàm với người Pháp sau khi kinh thành Huế thất thủ vào năm 1885. Tôn Thất Thuyết mạnh mẽ hơn đã cùng Vua Hàm Nghi kêu gọi phong trào kháng chiến toàn quốc nơi rừng rậm Quảng Trị dưới dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Cuộc mai phục quân Pháp ở đồn Mang Cá đêm 4/7/1885 không thành. Tôn Thất Thuyết đã bàn với nhà vua rời bỏ kinh thành. Cuộc ra đi lúc mờ sáng 5/7/1885 đó đã mở đầu một cuộc trường chinh kéo dài của dân tộc và Tôn Thất Thuyết là người có ảnh hưởng lớn lúc đó trong phong trào chống Pháp rộng khắp đất nước.
Với tư cách Phụ chánh, đại thần đương triều, Tôn Thất Thuyết truyền hịch kêu gọi chống Pháp, với một phong trào Cần Vương rộng khắp đất nước kéo dài tới 28 năm, ngay cả sau khi Vua Hàm Nghi bị bắt. “Khắp chốn vương triều, tất cả phải lo toan vì chính nghĩa của đức vua. Chúng ta hãy tin cậy vào trời đất chỉ mong điều tốt lành cho xứ sở. Tất cả chúng ta phải nỗ lực để giành lấy xã tắc từ tay quân thù” (Trích “Chiếu Cần Vương”).
Hưởng ứng lời kêu gọi của nhà vua, các văn thân và chí sĩ yêu nước lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa rộng khắp. Rất nhiều nhà nho yêu nước đã tự nguyện bỏ quan cổ vũ cho phong trào kháng chiến. Các cuộc nổi dậy trong năm 1885 và 1886 có ảnh hưởng lớn như cuộc khởi nghĩa của Phạm Bành, Đinh Công Tráng và Hà Văn Mao tại Thanh Hoá; khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nha tại Nghệ An; Lê Ninh và Ấm Võ tại Hà Tĩnh; Trương Đình Hội và Nguyễn Tử Nha tại Quảng Trị; Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu ở Quảng Nam; Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền và Nguyễn Đức Nhuận tại Bình Định... Người Pháp đã đóng quân tại Đồng Hới nhằm ngăn chặn con đường ra Bắc của nghĩa quân Vua Hàm Nghi, sau đó chiếm đóng cả Vinh. Nhưng họ không thể ngăn cấm nổi của vùng Thanh - Nghệ dấy lên một phong trào kháng chiến rầm rộ. Tháng 2/1913, khi đầu của lãnh đạo khởi nghĩa Yên Thế Hoàng Hoa Thám bị thực dân Pháp treo lên để thị uy dân chúng, thì phong trào mới tạm lắng xuống.
Kể từ khi Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi phát phong trào Cần Vương và người Pháp dựng lên vị vua mới niên hiệu Đồng Khánh, “người Pháp dùng từ “phản nghịch” để chỉ những ai nổi loạn, kể cả Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, là những kẻ thù của nhà vua mới do họ lập nên và là ông vua duy nhất hợp pháp, trước con mắt của họ, Đồng Khánh ra lệnh gạch tên Tôn Thất Thuyết và gia đình ông khỏi danh sách hoàng gia. Ông cựu Phụ Chánh cận thần ấy, từ đây, sẽ gọi theo tên họ: Lê Thuyết” (theo “Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam” của tác giả TS. Nguyễn Xuân Thọ, NXB Hồng Đức).
Vua Hàm Nghi khi ẩn trú ở dãy Trường Sơn vẫn có cựu Thượng thư Nguyễn Phạm Tuân và ba con trai của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm, con trai cả, 23 tuổi; Tôn Thất Thiệp, 19 tuổi và con trai thứ ba lúc Vua Hàm Nghi bị bắt khoảng 8 tuổi. Hai con trai đầu của Tôn Thất Thuyết đều bỏ mạng vì Vua Hàm Nghi. Bảo vệ Vua Hàm Nghi lúc bị bắt, Tôn Thất Thiệp bị đâm chết bởi một mũi lao, còn Tôn Thất Đạm tự tử khi nghe tin vua bị bắt.
Chuyến đi phương Bắc và sống đời lưu vong
Bản Dụ Cần vương trong Châu bản triều Nguyễn đề ngày 12 tháng 6 năm Hàm Nghi nguyên niên (1885). (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Châu bản triều Nguyễn) |
Tôn Thất Thuyết thuộc dòng dõi hoàng tộc. Tôn Thất Thuyết sinh tại làng Phú Mộng, bên bờ sông Bạch Yến, thuộc kinh thành Huế, nay là thôn Phú Mộng, phường Kim Long, thành phố Huế. Ông là con thứ hai của Đề đốc Tôn Thất Đính và bà Văn Thị Thu và là cháu 5 đời của Hiền vương Nguyễn Phúc Tần.
Theo nhiều sử gia ghi nhận lại thì Tôn Thất Thuyết có tính cách bốc đồng, nhưng là người giỏi thao lược dụng binh. Ông giải quyết mâu thuẫn với tính bộc phát theo cách ông đã chỉ huy quân lính của mình. Ông ra Bắc khi xảy ra vụ thương nhân Dupuis đòi buôn bán trên sông Hồng để qua Trung Quốc mà không cần xin phép triều đình Huế. Ông phụ trách các tỉnh Sơn Tây và Bắc Ninh. Vào năm 1883 ông được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Binh, rồi tham gia Viện Cơ Mật vào tháng 6/1883.
Nói về vóc dáng của ông, sử gia Francois Thierry viết: “Hình dáng bên ngoài phần nào thể hiện tính cách của ông: thân hình trông vạm vỡ, chắc nịch, thậm chí gần như thừa cân. Không theo truyền thống người thời đó với người có búi tóc, ông để tóc ngắn, theo đó khăn đóng thường đội lệch đi, ông chẳng lấy đó làm phiền vì tự thân chẳng hề quan tâm đến vẻ bề ngoài” (theo “Kho báu kinh thành Huế” của tác giả Francois Thierry, NXB Hà Nội).
Cũng theo cuốn “Kho báu kinh thành Huế”, từ cuối tháng Giêng 1886, Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn đi ra hướng Bắc. Ông đã quyết định sang Trung Hoa để cầu viện và ký kết một hiệp ước liên minh quân sự, trong khi đó các cơ quan dưới quyền tướng De Courcy đã thông báo một khoản tiền thưởng hấp dẫn đối với đám thủ hạ của ông Thuyết nếu nộp ông cho người Pháp.
Tôn Thất Thuyết đến Thanh Hóa, ở đây ông đã cẩn thận gửi mười nén vàng cho một trong số anh em của ông, rồi đi ngược sông Đà đến Lai Châu vào khoảng tháng 6 để đến nhà ông Đèo Văn Trí, một tộc trưởng người Thái vốn đã thiết lập ở vùng này một lãnh địa tự trị. Ông ngã bệnh và lưu lại đây 5 tháng, để rồi chứng kiến sự tan rã của phong trào Cần Vương.
Tôn Thất Thuyết cũng đa nghi, đã cho giết nhiều thân cận xung quanh mình. Sử gia Trần Trọng Kim viết về Phụ chánh Tôn Thất Thuyết cho biết: “Khi Tôn Thất Thuyết đến Lai Châu còn có mấy chục người đi theo. Lên đấy ở một độ, chém giết gần hết. Xem như thế thì ông Thuyết là một người cuồng dại mà lại nhát gan. Một người như thế mà làm đại tướng để giữ nước, thì tài gì mà nước không nguy được” (theo “Việt Nam sử lược” của tác giả Trần Trọng Kim).
“Vào tháng 2/1887, Tôn Thất Thuyết sang Trung Hoa, đặt chân đến đất Vân Nam, cùng đi có Đèo Văn Trí và khoảng 20 người. Thuyết được giới thiệu với Phiên Vương của Vân Nam - Quý Châu, Sầm Dục Anh, nhưng không có cam kết gì cụ thể từ cuộc gặp này, dù Tôn Thất Thuyết trao cho Phiên Vương Trung Hoa 500 lạng và 50 xâu tiền từ kho báu triều đình Huế. Ông được đưa đi Quảng Đông, nơi ông muốn gặp Trương Chi Động, Tổng đốc Lưỡng Quảng, nhưng Thuyết đã không sao thu xếp được một buổi tiếp kiến ngắn ngủi… Thực tế người Trung Hoa không còn quan tâm đến vấn đề Bắc Kỳ và căn cứ vào những hiệp ước đã ký với Pháp, nước Trung Hoa từ khước mọi can thiệp” (theo “Kho báu kinh thành Huế” của tác giả Francois Thierry, NXB Hà Nội).
Không còn đường lùi, Tôn Thất Thuyết ở lại Trung Quốc và sống bằng trợ cấp và bị quản thúc nghiêm ngặt. Vào tháng 2/1891, ông được đưa đi Thiều Quan, khu vực giáp với tỉnh Hồ Nam. Ông mất tại đây vào ngày 28/6/1913. Kết thúc cuộc đời của đại thần có nhiều công trạng, uy lực trong triều đình, nhưng cũng đầy tranh cãi.
Những nhân sĩ Trung Hoa cảm phục nghĩa khí của ông đã đến phúng điếu rất đông, họ có câu đối viếng: "Thù nhung bất cộng đái thiên, vạn cổ phương danh lưu Tượng Quận/Hộ giá biệt tầm tĩnh địa, bách niên tàn cốt ký Long Châu". Nghĩa là: "Thù Tây không đội trời chung, muôn thuở danh thơm lưu đất Việt/Giúp vua riêng tìm cõi thác, trăm năm cốt rụi gởi Long Châu".
Tôn Thất Thuyết được phối thờ tại Phủ thờ của dòng họ. Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Phước, cũng là hậu duệ của Tôn Thất Thuyết, Phủ thờ này được chính Tôn Thất Thuyết cho xây dựng khoảng năm Tự Đức thứ 19 (1866) với ý nghĩa phụng thờ tổ tiên. Sau ngày Tôn Thất Thuyết mất, dòng họ lấy Phủ này làm nơi thờ ông.
Với triều đình nhà Nguyễn, Tôn Thất Thuyết là bậc tôi trung, là quan Phụ chính đại thần yêu nước. Với dòng họ và con cháu, ông là một tấm gương xứng đáng cho đời sau ngưỡng mộ. Nhưng vẫn còn một niềm mong mỏi đau đáu với các con cháu trong dòng họ, đó là làm sao tìm được nhiều thư vật, kỷ vật của cụ cũng như đưa hài cốt của cụ về quê hương.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, phong trào Cần Vương là một cuộc đấu tranh do các sĩ phu văn thân yêu nước, có mục tiêu rõ ràng là đấu tranh giành chủ quyền, có lãnh đạo cấp cao là quan đầu triều và cả Hoàng đế Hàm Nghi nhưng còn thiếu nhiều điều kiện về phương pháp chính trị cũng như kinh nghiệm chiến đấu, dẫn tới sự thất bại. Dù không giành lại được độc lập dân tộc từ tay thực dân Pháp cuối thế kỷ 19, nhưng phong trào Cần Vương cũng để lại những bài học giá trị trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta như phải xây dựng được sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, phải có một ngọn cờ lãnh đạo thống nhất, có lực lượng và đường lối chính trị để đi tới thắng lợi cuối cùng.