Ngôi nhà đang xảy ra tranh chấp |
Nội dung vụ án
Theo Bản án phúc thẩm số 07/2015/DS-PT ngày 13/1/2015 của TAND TP Hà Nội, vợ chồng cụ Nguyễn Tiến Thịnh (chết năm 2004) và cụ Vũ Thị Chắt (chết năm 2013) có 6 người con, gồm các ông, bà: Nguyễn Thế Cường, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Tuyết Diễm, Nguyễn Minh Anh, Nguyễn Trí Dũng và Nguyễn Mạnh Đức. Tài sản hai cụ để lại là ngôi nhà có diện tích 50,68m2 trên thửa đất tại 39 Hàng Thùng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội…
Sau khi hai cụ mất, các con của hai cụ bàn bạc về việc phân chia di sản thừa kế, nhưng không thống nhất được. Theo đó, ông Cường, bà Mai Anh và ông Dũng đã khởi kiện đề nghị được chia bằng hiện vật và chia chung vào một khối tài sản và xem xét di chúc của cụ Thịnh và cụ Chắt do ông Đức (bị đơn-PV) xuất trình và văn bản thỏa thuận lập giữa cụ Chắt và ông Đức tháng 6/2012…
Theo đó, cả hai cấp xét xử đều chấp nhận yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà số 39 phố Hàng Thùng của nguyên đơn là các ông, bà: Cường, Dung, Minh Anh và Dũng (ông Dũng do ông Cường đại diện). Xác nhận thời điểm mở thừa kế của cụ Thịnh là ngày 30/1/2004 (ngày cụ Thịnh mất), thời điểm mở thừa kế của cụ Chắt là ngày 13/3/2013 (ngày cụ Chắt mất). Không công nhận di chúc do cụ Thịnh và cụ Chắt lập ngày 30/1/2004 là di chúc hợp pháp.
Tòa cũng xác nhận hàng thừa kế của hai cụ Thịnh và Chắt gồm 6 người con đẻ là các ông, bà: Nguyễn Thế Cường (SN 1956), Nguyễn Kim Dung (SN 1958), Nguyễn Tuyết Diễm (SN 1960), Nguyễn Minh Anh (SN 1962), Nguyễn Trí Dũng (SN 1963) và Nguyễn Mạnh Đức (SN 1974).
Bên cạnh đó, ngoài việc tính công sức đóng góp của vợ chồng ông Cường, bà Thanh là 2.046.854.000đ; công sức đóng góp của vợ chồng ông Đức, bà Liên là 182.296.000đ; cụ Thịnh và cụ Chắt còn nợ thuế trước bạ 16.499.794đ.
Theo đó, tài sản của hai cụ còn lại là 15.641.334.600đ. Năm 2004, cụ Thịnh mất, chia tài sản chung là 7.820.677.300đ và được chia thành 7 kỷ phần cho cụ Chắt và 6 người con, mỗi kỷ phần 1.117.238/185đ. Năm 2013, cụ Chắt mất, di sản của cụ Chắt là 8.937.904.485đ, chia thành 7 kỷ phần, trong đó 6 kỷ phần cho 6 người con, 1 kỷ phần công duy trì di sản chia cho ông Cường, ông Dũng mỗi người một nửa...
TAND Cấp cao kháng nghị
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Đức (bị đơn) không tự nguyện thi hành án, các nguyên đơn đã có đơn yêu cầu và trong khi Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm đang chuẩn bị kế hoạch cưỡng chế, thì ngày 12/7/2016 TAND Cấp cao tại Hà Nội “bất ngờ” có Kháng nghị giám đốc thẩm số 33/2016/KN-DS đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 07/2015/DS-PT ngày 13/1/2015 của TAND TP Hà Nội.
Không chấp nhận kháng nghị, các nguyên đơn đồng loạt có đơn kêu cứu, cho rằng việc TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng: “Cần xác minh thu thập chứng cứ để xác định tình trạng sức khỏe của cụ Thịnh khi ký di chúc có còn minh mẫn hay không, từ đó mới có căn cứ xác định ý chí đích thực của cụ Thịnh khi ký vào bản di chúc” là không thể chấp nhận được.
Bởi lẽ, di chúc ngày 30/01/2004 do Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc xác nhận: “Ông Nguyễn Tiến Thịnh và bà Vũ Thị Chắt có HKTT tại 39 phố Hàng Thùng đã có chữ vào bản di chúc này tại UBND phường là đúng” là không hợp pháp vì không tuân thủ về trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 661 Bộ luật Dân sự 1995 và quy định tại Điều 50 khoản 3 Nghị định 75/2000/NĐ-CP quy định về công chứng, chứng thực di chúc.
Thứ hai, Tòa Cấp cao cho rằng, cấp sơ và phúc thẩm chưa lấy lời khai của cán bộ UBND phường để làm rõ vì sao ngày UBND phường Hàng Bạc xác nhận trong bản di chúc là ngày 30/1/2004, nhưng ngày ghi trong sổ lưu lại là ngày 29/1/2004, trong khi lời khai của cán bộ phường Hàng Bạc đều có lời khai ngày 30/1/2004 là ngày đến nhà cụ Thịnh và cụ Chắt để xác nhận di chúc là không cẩn thiết. Bởi lẽ, cán bộ phường Hàng Bạc (ông Nguyễn Tiến Quang) có lời khai khẳng định ngày xác nhận di chúc là ngày 30/1/2004, phù hợp với ngày xác nhận trong di chúc.
Thứ ba, kháng nghị cho rằng, ngày 13/1/2008, cụ Chắt lập “Bản cam kết về phân chia lợi ích” có nội dung chia cho ông Đức được 1/2 giá tiền ngôi nhà, còn 1/2 thì cụ Chắt phân chia cụ thể phần của mọi người được như trong bản cam kết. Đến ngày 22/6/2012 cụ Chắt ký “văn bản thỏa thuận” nội dung định đoạt tài sản nhà 39 Hàng Thùng cho ông Đức.
Như vậy, kể từ khi cụ Chắt ký di chúc ngày 30/1/2004, đến khi cụ Chắt chết thì cụ Chắt đã ký nhiều văn bản định đoạt tài sản cho ông Đức. Các nguyên đơn cho rằng, đối với “Bản cam kết phân chia lợi ích” ngày 13/01/2008, không phải do cụ Chắt lập như nhận định của kháng nghị. Sau khi cụ Thịnh mất, ông Cường lo lắng cho người em út là Đức không có nghề nghiệp và người em thứ 5 là Dũng bị bệnh tâm thần, nên đã tổ chức họp gia đình vài lần bàn về việc phân chia thừa kế trong có có buổi họp ngày 13/01/2008.
Do đó, nội dung trong bản thoả thuận do ông Cường thảo và đi thuê đánh máy, dòng chữ “Bản cam kết phân chia lợi ích” ở đầu trang là do chính tay ông Cường viết. Bản cam kết có cả chữ ký của cụ Chắt, duy chỉ có bà Diễm không tham gia họp, nên được mang đến nhà để đọc và ký, bà Diễm không ký. Do đó, “Bản cam kết phân chia lợi ích” ngày 13/01/2008 là nguyện vọng của các con cụ Thịnh, cụ Chắt chứ không phải do cụ Chắt lập như nhận định của bản kháng nghị.
Và tại các buổi họp gia đình, tại sao bà Diễm và ông Đức không hề thông báo đến việc có di chúc do bố mẹ để lại, chỉ sau khi ra Toà mới xuất trình? Lúc này các nguyên đơn mới biết?
Còn đối với “Văn bản thoả thuận” lập ngày 22/6/2012, các nguyên đơn cũng cho rằng, Toà án Cấp cao chưa xem kỹ văn bản này, nên mới đưa ra nhận định “cụ Chắt định đoạt tài sản nhà 39 Hàng Thùng cho ông Đức”? Vì đây là văn bản thoả thuận trái với đạo lý, khi vào năm 2012 cụ Chắt đã gần 80 tuổi, già yếu, tại sao ông Đức phải đưa cụ Chắt đi gần 40km đến Văn phòng công chứng Độc Lập ở huyện Thanh Oai để chứng nhận văn bản thoả thuận này?
Nội dung “văn bản thoả thuận” như sau: Nhà 39 Hàng Thùng là tài sản chung của vợ chồng cụ Thịnh, cụ Chắt. Do cụ Thịnh đã mất nên trong thời hạn 07 ngày cụ Chắt phải hoàn tất thủ tục phân chia tài sản vợ chồng để tặng cho Đức phần quyền của cụ Chắt. Kể từ ngày ký văn bản thảo thuận giữa cụ Chắt và Đức, cụ Chắt không được lập thêm bất cứ bản di chúc, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho (trừ tặng cho Đức), thế chấp, uỷ quyền… dưới bất kỳ hình thức nào liên quan đến phần quyền tài sản của cụ Chắt. Nếu cụ Chắt từ chối hoặc vi phạm cam kết thì cụ Chắt bị phạt số tiền tương đương 50% giá trị nhà đất 39 Hàng Thùng cho Đức tính theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán tiền phạt vi phạm.
Văn bản thỏa thuận với nội dung như trên có được xem là cụ Chắt định đoạt tài sản cho ông Đức như nhận định của kháng nghị không?... Cũng cần lưu ý thêm, văn bản thỏa thuận này không phải do ông Đức xuất trình mà Toà án tiến hành xác minh theo yêu cầu của nguyên đơn khi có thông tin từ Sở Tư pháp, nên nguyên đơn mới biết được ông Đức đã có hành động ép cụ Chắt ký trái với luân thường đạo lý. Do đó, ông Đức mới đề nghị Toà án không xem xét giải quyết văn bản thỏa thuận này.
Chính vì vậy, các nguyên đơn cho rằng kháng nghị của TAND Cấp cao tại Hà Nội không có căn cứ, không thuyết phục, nếu được chấp nhận sẽ càng làm phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ gia đình và không biết đến bao giờ mới giải quyết được. Do đó, các nguyên đơn đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án Cấp cao tại Hà Nội xem xét thấu tình, đạt lý đối với quyết định kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội.