Tôn giả Bát Nhã Đa La sinh sau đức Phật nhập Niết bàn 981 năm. Ngài người nước Đông Ấn, dòng Bà La Môn, cha tên là Bát Phạt Phi, mẹ là Uất Phương Huyền, cha mẹ ngài bị chết sau một trận động đất, khi ngài mới 15 tuổi...
Vì cha mẹ không còn nên đến ở đậu với nhà người dì, ai mượn gì ngài cũng làm mà không nhận tiền công. Tổ Bất Như Mật Đa nhớ lại tiền kiếp Tổ và ngài có duyên thầy trò, nên Tổ tìm đến gặp ngài kể chuyện xưa và nhận ngài làm đồ đệ. Tổ Bát Nhã Đa La cũng chính là người truyền thiền cho Bồ Đề Đạt Ma.
Hành trình ngộ thiền
Ngài theo Tổ học đạo Thiền tông được 8 năm, một hôm tổ nói: Trong Huyền ký của Như Lai có đề cập đến tên ông, vậy ông hãy trình chỗ hiểu biết cao sâu của pháp môn Thiền học này coi, xem có đúng với những gì trong huyền ký đã ghi không? Nghe lời Tổ Bất Như Mật Đa nói vậy, nên Ngài Bát Nhã Đa La trình bài kệ:
Cha mẹ từ giã cõi trần/ Để con ở lại tu phần Thiền tông: Nhờ thầy chỉ dạy rất thông/ Thiền tông tuyệt diệu ở trong cõi này; Ơn thầy dạy bảo con đây/ Đã lâu nhận được định trình Thầy xem. Nhưng sợ Thầy la con bèn/ Cứ để yên vậy sang hèn tự minh (tức tự nó); Hôm nay Thầy bảo con trình/ Mấy lời bộc bạch, xin thầy kiểm cho.
Nhờ Thầy nuôi dạy ấm no/ Không khổ không sợ, không lo thứ gì; Thiền tông tâm con thường ghi/ Chỉ cần thanh tịnh, tìm chi trong trần. Thiền Thanh lúc nào cũng cần/ Việc làm chỉ một chẳng cần thứ hai; Đã lâu con làm không hai/ Ngày ngày thanh tịnh thấy hai đôi bờ.
Bên trong tuyệt diệu như mơ/ Bên ngoài sinh tử đôi bờ rõ thông; Thiền tông không phải cầu mong/ Mà tâm thanh tịnh, không mong không cầu. Rơi vào Bể tánh nhận Châu/ Không hề diễn tả vì đâu có hình; Con vào cứ vậy lặng thinh/ Khi nói ra tiếng, tiếng mình vang xa.
Lời vàng của Phật Thích Ca/ Con nay nhận được ý đà thiền Thanh; Nhìn ra tam giới như tranh/ Chỉ cần vui thích, tử sanh luân hồi. Nghe lời Phật dạy con “Thôi”/ Luân hồi sinh tử con thôi không tìm; Hôm nay Thầy hỏi con riêng/ Xin trình mật ý, chỉ riêng mình thầy. Ý riêng con trình thầy đây/ Xin thầy kiểm chứng con đây rất mừng.
Tổ Bất Như Mật Đa nghe Bát Nhã Ba La trinh bài kệ 36 câu trên, biết ngài đã đạt được “Bí mật Thiền tông” nên dạy rằng: Ngươi nay đã đạt được “Bí mật Thiền tông”, ba tháng sau ta sẽ truyền bí mật Thiền này cho ngươi. Đúng ba tháng sau buổi lễ truyền “Bí mật Thiền tông” do Tổ Bất Như Mật Đa tức tổ thứ 26 truyền cho ngài diễn ra.
Gặp đức Bồ Đề Đạt Ma
Sau khi được truyền thiền, Ngài thống lãnh đồ chúng sang Nam Ấn hoằng hóa. Vua nước nầy hiệu Hương Chí hết lòng sùng kính Phật pháp. Vua sinh được ba người con trai đều kính tin Phật pháp. Người con lớn tên Nguyệt Tịnh Đa La thích tu pháp niệm Phật tam muội. Người thứ hai tên Công Đức Đa La thích tu bố thí làm phước. Người thứ ba tên Bồ Đề La thích thông lý Phật, lấy việc xuất thế làm trên.
Vua thỉnh Ngài về cung cúng dường, bảo ba vị Thái tử ra đảnh lễ Ngài. Ngài biết ba vị Thái tử đều ham tu, muốn nghiệm thử trí mỗi người thế nào. Sẵn nhà vua cúng dường hạt châu quý vô giá, Ngài lấy ra hỏi: Ở đời còn có vật gì quý báu bằng hạt châu này chăng?
Nguyệt Tịnh thưa: Hạt châu này quý tột cùng, ở đời không có gì hơn nó, chẳng phải trong nhà vua thì làm gì có hạt châu này. Công Đức Đa La cũng đồng ý như vậy. Trong khi đó, Bồ Đề Đa La thưa: Châu này là của báu thế gian chưa đủ làm tột cùng, trong các thứ báu chỉ có pháp bảo là tột. Đây là ánh sáng của thế gian, trong các thứ ánh sáng chỉ có ánh sáng trí tuệ là tột. Đây là trong sạch của thế gian, trong các thứ trong sạch, chỉ tâm trong sạch là trên hết. Nhưng ánh sáng của hạt châu này không thể tự chiếu, cần nhờ ánh sáng trí tuệ mới biện biệt được nó.
Đã biện rõ mới biết là châu, đã biết là châu mới hiểu cái quý báu của nó. Nếu hiểu cái quý báu của nó, thì nó báu mà không biết báu. Nếu biện rõ nó là châu, thì nó châu mà chẳng tự biết châu. Châu mà chẳng tự biết châu, cần nhờ trí châu mới biện được thế châu. Báu mà chẳng tự biết báu, cần nhờ trí bảo mới rõ pháp bảo. Song mà, thầy tôi có đạo thì báu kia liền hiện. Chúng sanh có đạo thì tâm báu cũng thế.
Ngài khen ngợi tài biện luận của Bồ Đề Đa La. Lại hỏi thêm: Trong các vật, vật gì không tướng? Trong các vật, chẳng khởi là không tướng. Trong các vật, vật gì là tối cao? Trong các vật, nhân ngã là tối cao. Trong các vật, vật gì là tối đại ? Trong các vật, pháp tánh là tối đại. Ngài thầm vui biết là đại pháp khí sẽ nối dõi cho Ngài sau này.
Một hôm, vua Hương Chí hỏi Ngài: Tôi thấy các thầy đều tụng kinh, tại sao Tôn giả không tụng kinh? Ngài đáp: Tôi hơi thở ra chẳng tiếp các duyên, hít vào chẳng ở trong ấm giới, thường tụng thứ kinh này trăm ngàn muôn ức quyển.
Vua Hương Chí băng, hai hoàng tử lớn và hoàng thân đều kêu khóc, duy Bồ Đề Đa La ngồi nhập định chỗ hoàn linh cữu suốt bảy ngày. An táng nhà vua xong, Bồ Đề Đa La xin phép mẹ và hai anh theo Ngài Bát Nhã Đa La xuất gia. Ngài thấy cơ duyên đã thuần thục nên nhận cho, rồi thỉnh thánh tăng làm lễ xuất gia thọ giới cho Bồ Đề Đa La.
Một ngày nọ, Ngài Bát Nhã Đa La gọi Bồ Đề Đa La đến dặn dò: Đại pháp nhãn tạng của Như Lai lần lượt truyền trao, nay ta trao cho ngươi, ngươi khéo truyền bá chớ cho đoạn dứt. Nghe ta nói kệ: Tâm địa sanh chư chủng, Nhơn sự phục sanh lý, Quả mãn bồ đề viên, Hoa khai thế giới khởi. Dịch: Đất tâm sanh các giống, Nhơn sự lại sanh lý, Quả đầy bồ đề tròn, Hoa nở thế giới sanh. Truyền pháp xong cho Bồ Đề Đa La, Ngài hiện các thứ thần biến, rồi thị tịch.
Như chúng ta đã biết, dòng Thiền tông này còn có tên khác là Như Lai Thanh tịnh thiền, hoặc thiền Thanh tịnh. Qua tài liệu cho hay dòng thiền tông này gồm có 36 tổ vị. Trong đó có 28 Tổ sư Thiền Ấn Độ, 5 tổ thiền Trung Hoa và 3 tổ Việt Nam.