Đây là một trong những điểm đột phá, thể hiện giá trị nhân văn trong lĩnh vực dân sự, tố tụng dân sự (TTDS), nhưng vì thế mà cũng không ít băn khoăn, lo ngại về tính khả thi trong điều kiện của nước ta.
Không để dân phải “tự xử” tranh chấp
Theo Hiến pháp, Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì đối với những tranh chấp dân sự mà luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giải quyết thì Tòa án phải giải quyết. Nhưng pháp luật không thể qui định được hết những vấn đề phát sinh trong thực tế nên cần có căn cứ để các mâu thuẫn được giải quyết “hợp tình, hợp lý”.
Vì vậy, TANDTC cho rằng, việc bổ sung quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp.
Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì Tòa án áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, áp dụng nguyên tắc chung của luật, áp dụng án lệ, áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án.
Nếu Tòa án từ chối giải quyết các tranh chấp dân sự vì lý do chưa có điều luật cụ thể thì không có cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Việc Tòa án từ chối thụ lý, giải quyết sẽ không bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng của mình theo quy định của Hiến pháp 2013. Nếu không có sự tham gia của Tòa án, để dân tự giải quyết có thể xảy ra những hậu quả không tốt cho sự ổn định của xã hội.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh còn cho rằng, qui định này không chỉ đáp ứng được yêu cầu Nhà nước phải phục vụ nhân dân, đáp ứng được quyền của người dân, buộc tất cả các cơ quan Nhà nước phải có tinh thần phục vụ nhân dân mà còn tránh Tòa án lợi dụng quyền được từ chối giải quyết các vụ việc của người dân vì lý do không có qui định của pháp luật để từ chối cả những vụ việc đã được luật quy định.
Vấn đề đặt ra là liệu qui định có mâu thuẫn với qui định của Hiến pháp về nguyên tắc “Tòa án và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” hay không? Theo giải thích của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Tòa án phải tuân theo tinh thần của Hiến pháp, nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự (BLDS), Bộ luật TTDS, lẽ công bằng và ý thức, niềm tin nội tâm của người thẩm phán, đạo lý để vận dụng, xem xét ra phán quyết.
Cùng với đó, qui định này được đánh giá là sẽ góp phần “thúc” sự hoàn thiện ngay từ bên trong của hoạt động xét xử, buộc các thẩm phán phải tự hoàn thiện năng lực để có thể giải quyết hết các yêu cầu của người dân. Như nhận định của Đại biểu (ĐB) Đặng Thuần Phong (Bến Tre):
“Không có lý do nào để Tòa án từ chối thụ lý các yêu cầu của người dân, còn rào cản thì phải tính toán để giải quyết. Đảm bảo thực hiện qui định này cần năng lực của Tòa án nên sẽ giúp tăng cường năng lực cho ngành Tòa án như việc tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện thời gian qua đã tăng đáng kể năng lực của đội ngũ thẩm phán, cán bộ tòa án ở cấp này”.
“Thương dân kiểu tùy tiện”, được chăng?
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến không tán thành vì cho rằng không có điều luật để áp dụng qui định “nguyên tắc Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự” tại Điều 4 Dự thảo Bộ luật TTDS (sửa đổi). Không có điều luật thì Tòa án không có căn cứ để xét xử, trong khi đó án lệ chưa phải là một nguồn luật chính thức. Việc áp dụng nguyên tắc tương tự và theo lẽ công bằng sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện.
Bên cạnh lo ngại về bảo đảm tính khả thi, nhiều ý kiến còn thấy qui định như vậy sẽ tạo gánh nặng cho cơ quan xét xử. Không những thế, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phân tích, xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước và công dân phải tuân thủ theo pháp luật, xử lý vụ việc đúng, sai vẫn phải căn cứ vào pháp luật, giờ một vụ việc phát sinh nhưng điều luật chưa có quy định mà tòa xử theo cách áp dụng tương tự hay theo nguyên tắc công bằng hay theo án lệ thì nó vẫn không hợp lý.
Cũng lý do đó, ĐB Phương lo ngại “dễ dẫn đến sự tùy tiện hoặc cách hiểu khác nhau, cách vận dụng khác nhau dẫn đến cách xét xử khác nhau, khiến người được thì phấn khởi, người thua thì không chịu, gây ra khiếu kiện, khiếu nại, xử đi xử lại nhiều lần, gây tốn kém”.
Thậm chí, ĐB Phương lo ngại các cơ quan làm luật sẽ không thật tập trung cao độ vào việc xây dựng pháp luật bởi Tòa án có thể áp dụng những qui định khác ngoài luật để xét xử trong TTDS. Nhìn nhận vấn đề nghiêm trọng hơn, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng “thương dân theo kiểu này rất là tuỳ tiện” và đề nghị nếu pháp luật chưa có quy định thì không có căn cứ để toà thụ lý giải quyết.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhận thấy đây là vấn đề mới, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu hết sức thận trọng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước theo hệ thống án lệ, nơi mà Tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật.
Còn ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, TAND xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp đề nghị bỏ quy định này vì không phù hợp với thực tiễn nước ta.
Quan tâm đến tính khả thi của qui định “Tòa án không được từ chối yêu cầu của người dân”, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đặt vấn đề phải “làm sao để người dân thực hiện được quyền được bảo vệ trong lĩnh vực dân sự thì cần phải quan tâm ngay trong Dự thảo”. Một số ý kiến đã đề cập đến giải pháp cho trường hợp này để đảm bảo Tòa án vẫn xử theo pháp luật và những yêu cầu của người dân không bị từ chối, trong đó “phải bổ sung, sửa luật để đáp ứng những vấn đề cuộc sống đặt ra. Đó là công việc của Quốc hội” – ĐB Bùi Văn Phương kiến nghị.
Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - không yên tâm khi thấy Tòa án không căn cứ vào pháp luật mà chỉ căn cứ vào lẽ công bằng để giải quyết yêu cầu của người dân. “Nhưng lẽ công bằng ở đây là gì? Qua nhiều năm làm công tác xét xử và căn cứ vào tình hình thực tế, tôi thấy phải có qui định cụ thể, nếu không sẽ rất tuỳ nghi thì còn khó giải quyết hậu quả hơn”./.