Thành lập Bộ Tư pháp
Sau khi cách mạng thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra lời Tuyên cáo thành lập Chính phủ, trong Tuyên cáo nêu rõ: “Nhiệm vụ của Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được Mặt trận dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ.
Bởi vậy… Uỷ ban Dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó. Chính phủ lâm thời… là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hoà chính thức”.
Trong Chính phủ lâm thời có Bộ Tư pháp do ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng.
Nguồn: Việt Nam Dân quốc Công báo, số 1, năm 1945, tr. 2
Nghị định đặt cơ sở đầu tiên về việc tổ chức Bộ Tư pháp
Ngày 01/12/1945, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Nghị định số 37 về tổ chức Bộ Tư pháp. Nghị định gồm 4 điều, theo đó, tổ chức của Bộ Tư pháp gồm có một văn phòng và năm phòng sự vụ (Phòng sự vụ nội bộ, Phòng viên chức và kế toán, Phòng giám đốc hộ vụ, Phòng giám đốc hình vụ và Phòng giám đốc quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân) để đảm nhiệm những chức năng rất cơ bản về bảo đảm quyền dân chủ của con người, thông qua những quy định về thẩm quyền trong việc bắt, điều tra, truy tố, xét xử, giam, tha phạm nhân, thẩm quyền tổ chức các toà án dân sự, thương sự, hình sự, công việc thực hiện các hiệp định tương trợ và uỷ thác tư pháp với nước ngoài, thẩm quyền tổ chức và quản lý các chức danh tư pháp.
Nguồn: Việt Nam Dân quốc Công báo, số 14, năm 1945, tr. 111
Sắc lệnh đầu tiên về tổ chức Tòa án và các ngạch thẩm phán do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo
Ngày 03/12/1945, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Nghị định về việc thành lập một Hội đồng để nghiên cứu cách tổ chức các Toà án và ngạch Thẩm phán. Hội đồng gồm có nhiều luật gia, thân sỹ và nhân viên cao cấp trong Bộ. Trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 24/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Toà án và các ngạch Thẩm phán.
Sắc lệnh gồm 2 chương với 114 điều quy định về tổ chức của Ban tư pháp xã, Toà án sơ cấp, Toà án đệ nhị cấp, Toà thượng thẩm và các ngạch Thẩm phán, việc tuyển bố các thẩm phán, đặc quyền và nghĩa vụ của các thẩm phán, tạm quyền, đổi chức vị, y phục các thẩm phán.
Sắc lệnh 13 và các Sắc lệnh bổ khuyết đã quy định việc tổ chức nền tư pháp mới của nước ta trên hai nguyên tắc căn bản:
1. Tư pháp độc lập với hành chính: theo nguyên tắc này, tại Điều 47 Sắc lệnh đã quy định: “Toà án tư pháp sẽ độc lập với các cơ quan hành chính. Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào công việc tư pháp”. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946.
2. Nhân dân tham gia việc xét xử: nguyên tắc này được thể hiện ở cấp xã, nhân viên phụ trách công việc tư pháp đều do Hội đồng nhân dân xã trực tiếp bầu ra. ở cấp tỉnh và kỳ, dưới danh nghĩa phụ thẩm nhân dân, nhân dân được tham dự vào việc xử án kể cả tiểu hình và đại hình. Đối với các vụ đại hình, phụ thẩm nhân dân không những quyết đoán về tội trạng mà còn quyết đoán cả về hình phạt.
Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 về tổ chức các Toà án và các ngạch Thẩm phán cũng là Sắc lệnh đầu tiên quy định một cách đầy đủ về việc tổ chức giải quyết các tranh chấp, xử phạt các việc vi cảnh ở cơ sở cũng như tổ chức các Toà án và quy định một cách cụ thể về tiêu chuẩn của Thẩm phán, cách tuyển chọn và đối tượng được tuyển chọn, quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán.
Nguồn: Việt Nam Dân quốc Công báo, số 7, năm 1946, tr. 64 - 71;
Báo cáo của Bộ Tư pháp từ ngày thành lập chính quyền nhân dân nhân dịp đại hội Việt Minh năm 1949 - Phông PTT, Trung tâm LTQG III
Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến
Ngày 02/3/1946, tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, toàn thể đại biểu toàn quốc được trúng cử trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 23/12/1945 và ngày 06/01/1946 đã họp kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá I.
Tại cuộc họp này, Quốc hội đã bầu ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến thay cho Chính phủ liên hiệp lâm thời, bao gồm các thành phần thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân. Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong thành phần Chính phủ liên hiệp kháng chiến là ông Vũ Đình Hoè.
Biên bản buổi họp toàn thể đại hội lần thứ nhất Quốc hội khoá I ngày 02/3/1946, Phông PTT, Trung tâm LTQG III
Việc tuyển chọn đội ngũ thẩm phán đầu tiên
Cuối năm 1946, Thi hành Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 về tổ chức các Toà án và các ngạch Thẩm phán, Bộ Tư pháp đã bắt tay vào việc kiến thiết nền tư pháp mới, trong đó có việc tuyển chọn đội ngũ Thẩm phán đầu tiên thuộc Toà Thượng thẩm Hà Nội. Kết quả đã tuyển chọn được 38 Thẩm phán, bao gồm một số người đã học qua hay đã tốt nghiệp ở các trường pháp lý hoặc đã làm việc lâu năm ở các Toà án có kinh nghiệm về việc tư pháp, có bảo đảm về tư cách hạnh kiểm…
Buổi lễ tuyên thệ cho lớp Thẩm phán đầu tiên được long trọng tổ chức tại Phòng xử án của Toà Thượng thẩm. Các Thẩm phán đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự buổi lễ tuyên thệ. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hoè đọc diễn văn khai mạc, phân tích đặc điểm của chế độ tư pháp nhân dân, nói rõ nhiệm vụ và nghĩa vụ của người Thẩm phán nhân dân là phải bảo vệ nền độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ của nhân dân, các Thẩm phán đã được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật dặn dò: “Các ông là thẩm phán của dân, xử án vì dân, hãy luôn luôn làm đúng những khẩu hiệu mà mình đã viết: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Nguồn: Hồi ký Vũ Đình Hoè, Nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2004, tr. 743-744
Văn bản đầu tiên quy định về tổ chức luật sư
Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46 quy định tổ chức các đoàn thể luật sư. Sắc lệnh gồm 7 điều, theo đó quy định tổ chức các đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn tạm giữ như cũ và tổ chức hoạt động theo Sắc lệnh ngày 25/5/1930. Tuy nhiên, có một số quy định sửa đổi như sau:
- Các luật sư có quyền bào chữa ở trước tất cả các Toà án hàng tỉnh trở lên và trước các Toà án Quân sự.
“Điều kiện để làm luật sư tại Toà Thượng thẩm Hà Nội hay Sài Gòn:
1. Nam hay nữ có quốc tịch Việt Nam;
2. Có bằng cử nhân luật;
3. Đã làm luật sư tập sự trong ba năm (kể từ ngày tuyên thệ) ở một Văn phòng luật sư thực thụ trong nước Việt Nam;
4. Có hạnh kiểm tốt;
5. Được bằng chứng rằng đã hết hạn tập sự và đủ tư cách làm luật sư thực thụ”.
- Những luật sư đã tập sự được 18 tháng thì Hội đồng luật sư có thể cho phép tạm quản lý một Văn phòng.
Nguồn: Việt Nam Dân quốc Công báo, số 4, năm 1945, tr. 36
Hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ I và lần thứ II
Trong khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 8 năm 1947, Bộ Tư pháp đã tiến hành tổ chức Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần I và lần II. Tham dự Hội nghị có các Giám đốc tư pháp, đại biểu Thẩm phán các cấp, luật sư và đại diện của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Uỷ ban kháng chiến hành chính địa phương. Thông qua các Hội nghị này, giúp cho Bộ Tư pháp nắm sát hơn tình hình tư pháp ở các khu cũng như hiểu rõ hơn tình hình tư pháp chung trong nước, trên cơ sở đó đưa ra các ý kiến để giải quyết nhiều vấn đề pháp lý chuyên môn. Đồng thời, các Giám đốc tư pháp cũng có dịp gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Có thể nói, các buổi Hội nghị là những buổi huấn luyện thêm cho các cấp tư pháp về lý thuyết chuyên môn cũng như về kinh nghiệm thực hành.
Nguồn: Báo cáo về hoạt động của Bộ Tư pháp từ ngày thành lập chính quyền nhân dân nhân dịp đại hội Việt Minh năm 1949, Trung tâm LTQG III
Hội nghị Tư pháp lần thứ X
Hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ X đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện. Trong bài nói của mình, Chủ tịch nhấn mạnh:
“Khó khăn của Ngành Tư pháp là công tác chưa ổn định thiếu thốn mặt này mặt khác. Công việc nhiều và mới, cán bộ ít. Nhiệm vụ và quyền hạn Hiến pháp cũ đã quy định nhưng tình hình hiện nay đã khác, cho nên có chỗ không thích hợp.
Cán bộ tư pháp còn gặp khó khăn nữa là ít được học tập, do đó, đường lối, phương pháp công tác và tư tưởng bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, trong thời gian kháng chiến và hơn 2 năm hoà bình, cán bộ tư pháp có cố gắng nhiều và có thành tích.
Trung ương Đảng và Chính phủ rất cảm thông những khó khăn của cán bộ tư pháp, nhưng phải giải quyết dần dần.
Một mặt cán bộ tư pháp phải cố gắng, một mặt Đảng và Chính phủ cần chú ý hơn. Bây giờ cả nước ta có nhiệm vụ chung cho các ngành là đấu tranh thống nhất nước nhà, khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Trong nhiệm vụ chung đó, tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Đó là nhiệm vụ tích cực. Đồng thời có một nhiệm vụ nữa là ngăn ngừa trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ ta, phá hoại lợi ích của nhân dân.
Muốn thực hiện nhiệm vụ ấy, cần chú ý mấy điểm:
Nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân. Đoàn kết tức là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết. Cho nên Ngành Tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết nhất trí thật sự, muốn đoàn kết thật sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình tự phê bình.
Luật pháp của ta có cái mới và cũ. Có cái cũ không thích dụng nữa. Cái mới thì chưa đầy đủ. Hiến pháp cũ có chỗ không thích hợp với tình hình và hoàn cảnh hiện nay. Vì vậy, khoá họp Quốc hội thứ 6 đã quyết định sửa đổi lại Hiến pháp. Trong việc sửa đổi Hiến pháp, cán bộ tư pháp cũng cần góp phần của mình”.
Nguồn: Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1957, Hồ Chí Minh Nhà nước và pháp luật, Nxb. Pháp lý, 1985
Thành lập Hội luật gia Việt Nam
Chiểu theo Sắc lệnh số 52 ngày 22/4/1946 quy định việc thành lập Hội và Đơn số 5-LG ngày 10/3/1955 của Hội Luật gia Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 130 NV/ĐC/NĐ thành lập Hội Luật gia Việt Nam. Hội Luật gia Việt Nam được phép thành lập và hoạt động trong phạm vi luật lệ hiện hành và điều lệ của Hội.
Chủ tịch Hội luật gia là ông Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Kinh tế (sau là Bộ Ngoại thương). Ba Phó Chủ tịch là Phạm Văn Bạch, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; ông Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và ông Vũ Đình Hoè, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường - Tổ trưởng Tổ thư ký.
Nguồn: Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, số 6, năm 1955, tr. 104
Hội nghị học tập tư pháp trung ương
Hội nghị được tổ chức trong 3 tháng (tháng 5, 6 và 7 năm 1950) với sự tham gia của gần 60 đại biểu của các liên khu Việt Bắc, III, IV và miền Nam Trung Bộ. Mục đích của Hội nghị học tập là để các Thẩm phán hiểu biết chế độ dân chủ nhân dân và nhiệt thành xây dựng một nền tư pháp nhân dân, đồng thời để cải tạo tư tưởng và bổ túc về phương diện chuyên môn.
Hội nghị được tổ chức dưới sự điều khiển trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường và dựa trên các nguyên tắc dân chủ, tập thể, thân ái, tương trợ, phát triển tác phong phê bình và tự phê bình. Hội nghị cũng đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện.
Chương trình học tập tại Hội nghị gồm:
- Phần thứ nhất: là phần chính trị, có các đề tài về duy vật luận, tư bản chủ nghĩa, cách mạng Việt Nam, tình hình thế giới sau đại chiến thứ 2;
- Phần thứ hai: là phần pháp lý chính trị với các đề tài về chính quyền dân chủ nhân dân chuyên chính, Nhà nước trong chế độ dân chủ nhân dân, quan niệm pháp lý mới về chế độ gia đình, quyền sở hữu, khế ước, hình phạt.
- Phần thứ ba: nhiệm vụ tư pháp trong giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công, tác phong người Thẩm phán trong chế độ dân chủ nhân dân, sửa đổi lối làm việc.
- Phần thứ tư: pháp lý thực định, có mục đích áp dụng lý luận tư pháp dân chủ nhân dân vào luật hộ và hình.
Qua Hội nghị các đại biểu đã có một khái niệm rõ rệt hơn về khả năng của giai cấp công nhân và sự lãnh đạo của giai cấp đó; đã nhận thấy sự sai lầm của tư tưởng pháp lý tư sản và công lý trừu tượng trên giai cấp.
Hội nghị đã góp phần vào công việc xây dựng cơ sở lý luận pháp lý mới, tìm hướng mới của luật pháp Việt Nam.
Sau khi trở về địa phương các cán bộ tham dự Hội nghị thi hành Chỉ thị của Bộ Tư pháp đã mở tại địa phương những Hội nghị phổ biến để truyền đạt lý luận tư pháp nhân dân cho các cán bộ tư pháp và cho cả cán bộ các ngành khác.
Trong bài nói của mình tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nêu nguyên lý Mác-Lênin: Luật pháp là vũ khí của một giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình, sau đó Chủ tịch nhấn mạnh: Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Nhân dân ta hiện nay có tự do, tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình, nhưng phải tôn trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do của mình quá mức mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp... Chúng ta cũng thấy luật pháp của ta hiện nay chưa đầy đủ. Chính các chú có trách nhiệm phải góp phần làm cho luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn. Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.
Đề cập đến trách nhiệm của cán bộ tư pháp, Chủ tịch nói: “Vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người. ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ. Như vậy, thì phải đấu tranh cách mạng, trước mắt phải đánh đuổi bọn thực dân xâm lược, đánh đổ bọn Việt gian phản quốc, bọn bù nhìn tay sai của đế quốc thực dân. Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung tòa án. Phải gần dân, hiểu dân , giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ…
Tóm lại, các chú phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Hội nghị đã vận dụng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thảo luận về cuốn Nhà nước và cách mạng của Lênin và đề xuất các vấn đề cần cải cách.
Nguồn: “Hồ Chí Minh - Nhà nước và pháp luật”, Nxb. Pháp lý, 1985
Báo cáo kiểm thảo công tác tư pháp năm 1950, Phông PTT, Trung tâm LTQG III
Địa điểm Bộ Tư pháp (1949-1950) được xếp hạng di tích quốc gia
Ngày 12/7/2005, Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin ban hành Quyết định số 24/2005/QĐ-BVHTT về việc xếp hạng di tích lịch sử địa điểm Bộ Tư pháp (1949 - 1950).
Căn cứ Tờ trình số 1140/UBND-VX ngày 14/6/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang và hồ sơ di tích, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định xếp hạng Di tích lịch sử địa điểm Bộ Tư pháp (1949 - 1950) xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là di tích quốc gia.
Tư liệu lưu trữ Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp