Số phận của anh chính là em
“Những lúc ốm đau, bệnh tật” của người vợ mà anh Hoàng Trung Khánh (sinh năm 1959, ở đường Chi Lăng, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) nói tới không hề dễ dàng như bất kỳ một sự hình dung nào. Năm 1988, anh Khánh và vợ là chị Đặng Thị Kim Lan (sinh năm 1964) kết hôn. Sau khi cưới ít lâu, để cải thiện kinh tế gia đình anh xin đi xuất khẩu lao động ở Irắc.
Năm 1990, một ngày đang làm việc, chị Lan bỗng thấy chân mình đau nhức tưởng như không thể nào nhấc lên được nữa. Đi khám, chị mới biết mình mắc bệnh viêm đa khớp, phải nhập viện. Đúng vào thời điểm này, chiến sự Irắc nổ ra, anh Khánh phải về nước sớm. Ngày trở về, thay vì nhận được vòng tay ôm của người vợ hiền như những bạn bè khác, anh Khánh đi thẳng từ sân bay vào bệnh viện chăm vợ, bắt đầu những tháng ngày dài của một người chồng tràn yêu thương và nghị lực phi thường.
20 năm nay, anh Hoàng Trung Khánh tự tay chăm vợ liệt toàn thân. |
Năm 1994, anh chị quyết định vay mượn nội ngoại để xuống Hà Nội mổ với hy vọng đôi chân chị sẽ trở lại bình thường. Nhưng ca mổ không thành công khiến chị Lan không bao giờ có thể bước đi được nữa. Cùng với đó, bệnh phong khớp khiến đôi bàn tay tảo tần của chị bị co quắp biến dạng theo.
“Lúc đó, tôi tưởng như mình đã đi đến đường cùng khi hàng ngày nhìn vợ rơi vào trạng thái trầm cảm từ chối mọi sự chăm sóc, không uống thuốc vì không chịu nổi cú sốc tinh thần, món nợ nội ngoại cho ca mổ chưa thể trả, bản thân tôi cũng phải nghỉ làm theo chế độ 176 do công ty hết việc…”, anh Khánh trầm ngâm nhớ lại. Việc đầu tiên mà anh Khánh làm trong giai đoạn khủng hoảng đó là nghiên cứu thiết kế cho vợ một chiếc xe lăn đặc biệt (vì chị chỉ có thể nằm do cơ chân bị rút cứng không thể co duỗi được), để chị không thấy mặc cảm với tình trạng tàn phế của mình.
Không đầu hàng trước số phận, để vực dậy kinh tế gia đình, hai vợ chồng anh Khánh chị Lan nghĩ nát óc mọi phương án, vì anh Khánh muốn tự tay chăm sóc vợ, không nhờ người thân. Vợ chồng anh dựng biển thu mua sắt vụn tại nhà. Mọi việc từ chợ búa, cơm nước tới tắm rửa cho vợ anh Khánh đều đảm nhiệm không một lời ca thán.
“Đang khỏe mạnh, bỗng dưng nằm một chỗ bất lực, mọi thứ đều phải nhờ, tôi đau buồn và khủng hoảng tâm lý ghê gớm. Không ít lần tôi buông lời dằn vặt anh, hay nước mắt ngắn dài bảo anh bỏ mình đi để lấy vợ khác sinh con đẻ cái. Nhưng anh đều không giận, mà càng thương tôi hơn”, chị Lan cho biết.
Đối diện với những cơn trái nắng trở trời của vợ, anh Khánh luôn tự nhủ rằng mỗi người ai cũng có một số phận, số phận của vợ là vậy, còn số phận của anh chính là chị nên anh cần phải yêu chị nhiều hơn nữa.
Trời chẳng nỡ lấy của ai tất cả
Câu nói này thật đúng với vợ chồng anh Khánh chị Lan khi sau hơn một năm nằm liệt chị bất ngờ thụ thai. Ngày anh chị biết tin vui, thay vì chồng bế vợ quay tròn như nhiều cặp vợ chồng khác, anh chị nhìn nhau cười mà trào nước mắt. Bởi trong niềm vui ấy có cả nỗi lo liệu với thể tạng của chị, anh chị có đi được đến tận cùng con đường hạnh phúc để đón con chào đời?.
Cho đến tận bây giờ bà Bàn Thị Hồng – nguyên Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, người đã trực tiếp đỡ đẻ cho chị Lan vẫn không quên cái ngày đặc biệt vào năm 1995 ấy. Bế đứa trẻ khóc oe oe trên tay, bà và cả kíp trực hôm đó đã thấy những giọt nước mắt của vợ chồng chị Lan khi ngắm đứa con trai kháu khỉnh có khuôn mặt cương nghị của bố và đôi mắt to đen của mẹ.
Lúc đầu gặp PV, vợ chồng anh Khánh chị Lan nhất định không chịu kể chuyện mình vì ngại lên báo. Ngồi chuyện vãn quanh ấm trà, thế nào mà câu chuyện lại nhắc đến cái tên bà Bàn Thị Hồng, thế là mắt chị Lan sáng lên: “Cô cũng biết bác ấy à? Gia đình anh chị biết ơn bác ấy lắm lắm!”. Và cũng từ đó mà anh chị mở lòng…
Đón vợ con từ bệnh viện về nhà, anh Khánh vui như được tái sinh lần nữa, dù biết rằng kể từ đây gánh nặng gia đình sẽ đè nặng lên vai anh gấp đôi. “Tôi chỉ thấy vui thôi vì từ nay vợ tôi đã có niềm vui, nghị lực để sống, để đi tiếp đường đời. Có họ hàng giúp đỡ, nhưng những việc tiếp liên quan đến chăm sóc vợ con tôi đều giành làm hết”, anh nhớ lại.
Sau một thời gian bươn chải, kinh tế gia đình anh Khánh chị Lan đã tương đối ổn định, vững vàng nên mối quan tâm lớn nhất của họ lúc này là tương lai của cậu con trai. Từ khi con còn nhỏ, anh chị đã nén nhớ thương gửi con lên nhà chị gái chị Lan ở Hà Nội để cháu được học tập ở Thủ đô. Tuy là con một nhưng anh chị không chiều con. Ngày bé mỗi khi con trai mắc lỗi, mẹ nằm xe lăn, con ngồi xuống cạnh xe cúi đầu để mẹ củng vào cho nhớ…
Chuẩn bị cho chặng đường đại học của con trai, gần đây gia đình anh Khánh chị Lan chuyển nhà lên Hà Nội. Đang sống ở Hòa Bình yên tĩnh nên sự tấp nập của chốn Thủ đô cũng khiến nhịp sống của anh chị thay đổi ít nhiều… Con trai của anh chị ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ, khi bài báo này lên khuôn, gia đình anh chị đang hồi hộp đợi điểm thi đại học của con trai.
Nhìn người đàn ông vóc dáng cao to, mái tóc xoăn bồng bềnh và nét mặt hiền hậu dịu dàng đẩy chiếc xe lăn của vợ giữa khung cảnh ngôi nhà yên ấm treo rất nhiều ảnh cưới đen trắng năm xưa của hai vợ chồng, nhớ lại câu nói của anh: “Vợ chồng tôi cũng bình thường mà, có gì là kỳ tích đâu. Chúng tôi hạnh phúc vì chúng tôi yêu nhau, chỉ đơn giản thế thôi”, bỗng dưng người viết thấy nghẹn ngào…