Đó là câu chuyện về bà Mai Thị Hòa (59 tuổi), trú tại thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái, huyện An Dương (TP.Hải Phòng) và người em gái thiểu năng.
30 năm, đêm nào cũng mở cửa
Lẩn khuất phía sau ngôi chùa của thôn Kiến Phong là căn nhà nhỏ của bà Mai Thị Hòa. Theo những người dân trong vùng, em gái hơn 3 thập kỷ lưu lạc nơi xứ người của bà Hòa tên đầy đủ là Mai Thị Sự, sinh năm 1966. Gia đình bà Hòa và những người trong làng ít gọi bà là Sự mà thay vào đó là tên “cúng cơm” – Nai.
Nước mắt loang loáng nhìn về phía cô em đang co rúm nơi góc nhà, bà Mai Thị Hòa kể: Năm 1978, mẹ bà mất vì bệnh tật, liền ngay sau đó là người cha Mai Văn Trạch cũng ra đi. Để cáng đáng cho gia đình gồm 3 người em và đàn con nheo nhóc, bà Hòa chẳng quản ngại việc gì. Ban ngày bà mò mẫm ra ruộng cấy hái, tối đến lại xách giỏ men theo bờ ao kiếm thêm con tôm, con cá.
Trong mấy chị em thì Nai từ nhỏ đã thiệt thòi hơn cả. Thuở còn cắp nách, căn bệnh viêm não co giật đã biến Nai thành “dở dở ương ương”. Những năm tháng khốn khó, Nai lớn lên trong tình bao bọc chị em. Thế nhưng, bát đĩa trong rổ còn có lúc xô huống chi chị em trong nhà. Bà Hòa thật thà, có vài bận vì gánh nặng mưu sinh mà mấy chị em bà to tiếng với nhau.
Cái sự bất hòa ấy sẽ chẳng có gì to tát nếu như không có chuyện Nai mất tích. “Đận ấy là khoảng cuối năm 1988, cái Nai bỗng dưng biệt tích. Cả nhà, cả thôn làng nháo nhào đi tìm kiếm nhưng nó vẫn bặt vô âm tín” - bà Hòa nhớ lại.
Trong làng, ngoài xóm đều đổ dồn ánh mắt vào bà Hòa. Nhiều người cho rằng vì bà Hòa đành hanh, ích kỷ, thường xuyên quát nạt em nên Nai bỏ nhà đi lang bạt. Kẻ khác ác miệng hơn thì vu rằng do bà Hòa tham mảnh đất hương hỏa nên đánh đuổi, bạc đãi em. Cứ thế, những lời nói ấy như những nhát dao sắc lẹm cứa vào lòng khiến bà Hòa bước chân ra khỏi nhà mà chẳng dám ngẩng mặt nhìn ai. Bà tin “cái tâm” đối đãi với em gái không “bạc” và hơn 30 năm, ngày nào người ta cũng thấy cảnh cửa chính nhà bà không khóa. Theo lời bà Hòa, cánh cửa ấy không khóa vì để đợi em gái trở về.
Hóa giải oan ức: vừa vui, vừa lo!
Hơn 30 năm kể từ ngày Nai bỏ đi biệt tích, người ta tìm thấy chị trong Bệnh viện Tâm thần Phúc Châu (thuộc Kiến Xương, Trung Quốc). Biết tin em còn sống, bà Hòa thẫn thờ trong niềm vui sướng. Bà bộc bạch: “Em trở về được là tốt lắm rồi. Cái số nó khổ quá, giờ em về với tôi có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng có chị, có em”.
Bà Mai Thị Hòa kể về quãng thời gian gánh chịu nhiều oan ức khi em gái mất tích. |
Trong dáng người nhỏ thó, đầu tóc đã bị húi trọc, bà Sự ngồi bó gối ú ớ, nửa tỉnh nửa mê kể chuyện mà phải khó khăn lắm người viết mới hiểu được. Theo “phiên dịch” của bà Hòa, quãng thời gian hơn 30 năm bên xứ người là chừng ấy sự cay đắng mà bà Mai Thị Sự phải nếm trải.
Bà Sự không nhớ rõ vì sao lại lưu lạc sang tận Trung Quốc, chỉ nhớ khi sang xứ ấy, bà gặp toàn “các anh xã hội”. Họ nuôi bà ăn, đánh đập, sống chung rồi khi chán họ lại lặng lẽ bỏ đi. Gần đây nhất, bà lang thang, vật vờ xin ăn ngoài đường, sau đó bị “đưa lên cái xe to” để đến viện tâm thần.
Bà Mai Thị Hòa ngồi kế bên cười buồn: “Hôm tôi mới gặp nó, nó xanh xao rồi cứ rũ ra, như tàu lá chuối. Tôi nhìn cứ nghĩ chắc em chỉ sống được thêm dăm, bảy ngày. Thế nhưng lạy trời, từ hôm về em ăn được 3, 4 bát cơm, mà biết ăn ngon, nên giờ trông béo tốt, chỉ mỗi tội đi vệ sinh, tắm rửa mình tôi lo. Em gái cũng bện hơi chị, cả ngày quấn lấy chẳng rời ra được”.
Từ khi bà Mai Thị Sự trở về, những lời xì xào trong làng, ngoài xóm về sự “bạc ác” của bà Hòa với em gái chẳng cần thanh minh cũng tự tiêu tan. Hiện tại, nỗi lo lắng lớn nhất của bà Hòa xoay quanh gánh nặng mưu sinh. Không nghề nghiệp, bà Hòa sống hoàn toàn dựa vào mấy mảnh ruộng cằn cùng sự chu cấp của con cái. Cũng dễ hiểu vì sao mỗi khi nhắc đến chuyện em gái bà “ăn khỏe” thì người phụ nữ này lại có nét đăm chiêu như vậy.