Mẹ chỉ có quyền chọn con?
“Tôi nói cho các người biết, mẹ tôi già rồi tính đâm ra giống con trẻ, rất dễ dỗ nên mới bị các người lợi dụng dụ dỗ vào đây ở làm muối mặt tôi không báo hiếu được cha mẹ. Đã thế nghe các người nói ngon nói ngọt làm sao mà mẹ tôi còn đòi phải để các người làm đại diện để giao dịch với bệnh viện nữa. Tính mạng mẹ tôi thế nào các người quyết, tiền bạc dành dụm của mẹ tôi các người chi, thế tôi sống sờ sờ đây là của vứt đi à. Tôi sẽ kiện các người ra tòa! ”, anh ta lớn tiếng.
Đối diện với nét hùng hổ của người đàn ông là vẻ mặt buồn rầu của bà mẹ 78 tuổi. Câu chuyện của bà cho thấy, chồng bà mất đã 3 năm nay. Từ ngày chồng mất, sống một mình trong ngôi nhà vắng ở quê, trong lòng bà dường như có một khoảng trống không thể lấp đầy. Bà có duy nhất một người con trai, anh này đã ổn định công việc, nhà cửa ở thành phố nên không thể dọn về sống cùng mẹ được. Mà bà cũng không muốn sống ở nhà con vì bà cảm nhận được sự không thoải mái của vợ chồng con khi sống chung với mẹ.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, mãn tang chồng bà quyết định treo biển bán nhà, đưa bàn thờ chồng về nhà con. Số tiền bán nhà bà chia ra làm hai phần, phần cho con trai và phần bà giữ để nộp phí Viện dưỡng lão và chữa trị căn bệnh suy tim của bà. Sau một thời gian ở Viện dưỡng lão, mấy lần bà bị mệt tim, nhân viên Viện dưỡng lão theo đúng quy định đều phải gọi con trai bà hỏi ý kiến rồi mới đưa đi cấp cứu. Mà con trai, con dâu bà thì đi công tác nước ngoài liên tục nên không phải lúc nào cũng bắt máy.
Thấy tình cảnh như vậy, cũng như thái độ nhiệt tình của nhân viên của Viện Dưỡng lão, bà quyết định viết giấy công nhận Viện Dưỡng lão có quyền đại diện cho bà, để có thể toàn quyền quyết định trong tình huống khẩn cấp. Nào ngờ anh con trai biết được đến Viện làm ầm lên…
Sửa luật để trả quyền cho cha mẹ
Con cái là đại diện đương nhiên cho cha mẹ - đó là điều được mặc định trong suy nghĩ xã hội cũng như trong chế định pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều bậc cha mẹ giống như trường hợp của bà lão nói trên, vì lý do riêng mà muốn chuyển giao quyền đại diện mặc định đó cho một cá nhân hoặc tổ chức, thay vì con cái. Và cũng từ đó xung đột xảy ra, đồng nghĩa với việc cuộc sống bình yên cuối đời theo mong muốn của người cao tuổi bị tước đoạt.
Về cơ bản, người cao tuổi cũng chính là một nhóm yếu thế trong xã hội và hiện nay vấn đề quyền và bảo vệ quyền của nhóm yếu thế trong xã hội nói chung và của người cao tuổi nói riêng đang có nhiều vấn đề cần bàn. Bộ luật Dân sự đang trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung và theo ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, Bộ Tư pháp, thì “khi sửa Bộ luật Dân sự chúng ta hướng tới thực hiện bảo vệ quyền của nhóm yếu thế trong xã hội. Khi rà soát lại cho thấy trong xã hội có những nhóm người yếu thế mà pháp luật trước đây chưa tính đến và chưa quy định hết được, mà câu chuyện về quyền đại diện cho người cao tuổi là một ví dụ”.
Theo đó, Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu già hóa dân số, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng cao. Có một bộ phận người già vì nhiều lý do khác nhau hoặc do “thất vọng” với con cái khi họ không được chăm sóc tử tế hoặc muốn được chủ động lựa chọn phương thức trợ giúp tốt nhất cho mình mà đã tự nguyện vào các cơ sở dưỡng lao để nhờ cậy sự trợ giúp. Nhân viên trong những cơ sở dưỡng lão này chăm sóc người già rất tử tế. Tuy nhiên, đã có những trường hợp xảy ra mâu thuẫn trong thực hiện quyền đại diện cho người già ở các cơ sở dưỡng lão này giữa việc lựa chọn nhân viên trung tâm hay là con cháu người già.
Bộ luật Dân sự hiện hành quy định nghiêng về quyền đại diện thuộc về con cháu hơn và như vậy quyền người già về tự lựa chọn sự trợ giúp, người trợ giúp đã không có cơ sở để thực hiện. Nói cách khác hiện nay, luật đang “ép” người già phải sống với con cháu bằng việc trao quyền con, cháu (người đại diện) quá lớn mà không tính đến trường hợp người cao tuổi bị chính người đại diện bỏ bê chăm sóc. Vì thế, quy định trong luật như thế nào để người cao tuổi có thể bảo vệ quyền được tự lựa chọn sự trợ giúp, người trợ giúp của mình để từ đó có cuộc sống cuối đời đảm bảo, là điều cần nhắc đến trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Dân sự, theo ông Hải.