Hôm qua 27/11, họ đồng loạt đóng cửa hàng ùn ùn kéo lên trụ sở UBND TP.Tam Kỳ phản đối dữ dội, buộc chính quyền phải gặp gỡ bàn cách tháo gỡ khó khăn.
Chợ mới hoành tráng, tiểu thương lao đao
Trước đây, chợ cũ Tam Kỳ nằm ở địa phận phường Phước Hòa (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) rất đông khách. Do chợ xuống cấp, TP.Tam Kỳ quyết định đầu tư xây dựng lại. Toàn bộ tiểu thương được UBND TP.Tam Kỳ chuyển lên chợ tạm An Sơn nằm trên đường Hùng Vương để buôn bán. Chính quyền cam kết khi hoàn thành chợ mới Tam Kỳ sẽ chuyển toàn bộ tiểu thương trở lại.
Chợ mới gồm 3 tầng, rất hoành tráng, hiện đại. Thế nhưng, vào ngày 9/10 vừa qua, chỉ có một nửa tiểu thương buôn bán các mặt hàng giày dép, quần áo, may mặc, la ghim chuyển xuống trước, còn các tiểu thương buôn bán các mặt hàng thu hút đông khách nhất như rau, cá, tôm, thịt… lại không chịu về.
Theo chủ các cửa hàng đã “lỡ” dọn đến chợ mới, do những mặt hàng thực phẩm… chưa được các tiểu thương ở chợ tạm An Sơn tập kết về đây nên không có nhiều người tiêu dùng đến với chợ mới, kéo theo sức mua rất ế ẩm.
Bà Lưu Thị Liễu (63 tuổi) nói: “Gần hai tháng nay, không chỉ tôi mà hàng trăm tiểu thương đã dời về chợ mới Tam Kỳ đều bán buôn èo uột, ế ẩm. Dù nhiều lần làm đơn kiến nghị Ban Quản lý chợ Tam Kỳ khẩn trương bố trí, sắp xếp để có đầy đủ các mặt hàng nhưng đến giờ vẫn vậy. Buôn bán mà ế ẩm gần 2 tháng, lấy lại vốn đã khó chứ đừng nói đến chuyện lời lãi”. Nỗi lo lắng của bà Liễu cũng dễ hiểu bởi để vào kinh doanh tại chợ Tam Kỳ, bà phải đóng 50 triệu đồng tiền thuế, phí với thời hạn 3 năm.
Hôm qua, trước sức ép của hàng trăm tiểu thương nhốn nháo vây quanh trụ sở UBND TP.Tam Kỳ đòi quyền lợi, ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP phải mời tất cả tiểu thương vào hội trường để “hiệp thương” tìm cách giải quyết.
Đối thoại với tiểu thương, ông Trần Nam Hưng nói: “TP.Tam Kỳ làm lại chợ mới Tam Kỳ là để việc buôn bán được tốt hơn, văn minh hơn chứ hoàn toàn không có mục đích gì khác. UBND TP.Tam Kỳ nhận khuyết điểm với bà con tiểu thương là chậm đưa hết tiểu thương còn buôn bán trên chợ tạm An Sơn xuống, chính điều này đã dẫn đến chợ mới Tam Kỳ ít khách. Biết là các mặt hàng như rau, cá, tôm, thịt… thu hút khách nhiều nhất chưa đưa xuống được nên lãnh đạo cũng lo lắng lắm”.
Bà Lê Thị Trâm (buôn bán vải) trình bày bức xúc với ông Trần Nam Hưng: “Anh Hưng nói hay nhưng việc làm của anh quá chậm, anh đưa bao nhiêu hộ ở chợ cũ Tam Kỳ lên chợ tạm thì bây giờ anh phải đưa hết xuống chợ mới. Gần 2 tháng nay, hàng trăm tiểu thương chấp hành quyết định của thành phố, đi vay mượn đóng đủ tiền thuê mặt bằng cho UBND TP.Tam Kỳ, nhưng rồi ngày nào mở cửa hàng ra cũng chỉ biết ngồi nhìn nhau, nước mắt cứ chảy chứ có ai đến mua hàng đâu.
Không bán được hàng, lấy tiền đâu trả tiền vay ngân hàng đóng mặt bằng mấy anh. Cơm áo, gạo tiền của tiểu thương hàng ngày không thể chờ mấy anh hứa miết được. Lãnh đạo TP.Tam Kỳ phải giải quyết nhanh, đưa hết các tiểu thương buôn bán các mặt hàng thiết yếu xuống để cho các tiểu thương chúng tôi còn kiếm cơm ăn hàng ngày nữa”.
“Thấy xấu hổ lắm, xong chuyện tôi xin nghỉ việc”!
Đồng cảnh ngộ với bà Trâm, hàng trăm tiểu thương ngồi trong hội trường đồng thanh yêu cầu UBND TP.Tam Kỳ nếu không đưa được số tiểu thương còn lại ở chợ tạm An Sơn xuống chợ mới thì phải trả lại hết tiền mặt bằng mà tiểu thương đã nộp.
“UBND TP.Tam Kỳ cứ trừ tiền mặt bằng gần 2 tháng mà bà con tiểu thương đã vào ngồi buôn bán, bà con tiểu thương chấp nhận ra vỉa hè bán, chứ tiểu thương không thể ngồi trong chợ đẹp mà ế ẩm khóc với nhau được”, các tiểu thương bức xúc đề nghị.
Trước những bức xúc chính đáng của tiểu thương, ông Nguyễn Văn Duyên, Phó ban Quản lý chợ Tam Kỳ đứng lên nói: “Tôi xin hứa, cố gắng đến thứ Bảy tuần tới sẽ đưa hết số tiểu thương đang buôn bán ở chợ tạm An Sơn về chợ mới Tam Kỳ. Tôi sẽ mua lưới B40 rào hết khu vực mà tiểu thương đang buôn bán ở chợ tạm An Sơn lại, không cho họ buôn bán ở đây nữa. Thấy chợ mới hoạt động không có khách, tôi không dám xuống chợ luôn, thấy thương bà con lắm! Trong thời gian qua, tôi làm trong Ban Quản lý chợ Tam Kỳ mà thấy xấu hổ lắm, làm xong chuyện này, tôi sẽ xin nghỉ việc”.
Ông Trần Nam Hưng khẳng định: “Tôi khẳng định là tới thứ Bảy tuần tới, Ban Quản lý chợ Tam Kỳ phải đưa hết tiểu thương đang buôn bán ở chợ tạm An Sơn xuống chợ mới Tam Kỳ, nếu hứa mà không làm được sẽ kỷ luật Ban Quản lý chợ. Nay tôi cũng không hứa nữa, nói được, làm được, không thay đổi nhé!”.
Tuy nhiên, các tiểu thương vẫn không yên tâm trước lời hứa của Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cùng Ban Quản lý chợ Tam Kỳ. Bà con yêu cầu phải thể hiện tinh thần trên bằng văn bản, ký tên, đóng dấu cho chắc chắn. Cuối cùng, ông Trần Nam Hưng cũng đồng ý.