Như chúng ta biết, tại Paris, Hội những người Việt Nam yêu nước được thành lập với lãnh đạo chính là Nguyễn Tất Thành; trong đó, vai trò hỗ trợ của các nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường là không thể phủ nhận.
Hoạt động nổi bật nhất, chính là sự kiện ngày 18/6/1919 khi Hội gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” tới Nghị viện Pháp và các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Versaille. Bản yêu sách được viết bằng tiếng Pháp, nhan đề “Revendications de Pruple Annamite”.
Mật thám Pháp theo sát
Bản yêu sách, được cho là do Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Tuy nhiên, theo quan điểm của GS. Hoàng Xuân Hãn, thì bản tiếng Pháp này, do luật sư Phan Văn Trường chấp bút, vì Phan Châu Trinh không rành chữ Pháp, còn Nguyễn Ái Quốc “lúc bấy giờ (…) chưa viết được tiếng Pháp”.
Dẫu không được chấp nhận, nhưng bản yêu sách đã gây một tiếng vang rộng lớn trên đất Pháp. Cũng từ đó, Nguyễn Ái Quốc được thực dân Pháp theo dõi kỹ, và hai nhà yêu nước họ Phan cũng không khỏi bị mật thám viếng thăm, một chứng cứ dưới đây cho thấy rõ điều đó.
Trong công văn ngày 18/6/1920, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp đã lưu ý đặc biệt về Phan Văn Trường: “Trong số những tên phiến loạn cần theo dõi, trước hết là Phan Văn Trường cư trú ở Mayence. Tên đó có quốc tịch Pháp và là em trai của những tên chống Pháp mà ai cũng biết đã bị kết án bên xứ Đông Dương, và bản thân tên đó cũng là đối tượng của một cuộc thẩm tra từ Pháp vào năm 1915 tại Paris.
Bản yêu sách của nhân dân An Nam viết bằng Pháp ngữ được cho là do Phan Văn Trường viết |
Vì “âm mưu chống lại sự an ninh của Nhà nước”, tên đó là linh hồn của một nhóm người An Nam đáng ngờ cư trú tại châu Âu và đã từng tuyên bố công khai rằng muốn có ngay quyền tự trị cho các xứ nguyên quán”. Bước chân luật sư họ Phan đến đâu, mật thám Pháp bám theo đến đó và báo cáo đều đặn cho chính quyền cũng như tìm mọi cách làm khó dễ đối với ông.
Mọi hoạt động của họ Phan, cũng như mối liên hệ của ông với các tổ chức yêu nước, các cá nhân Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Khánh Ký... đều không qua khỏi cặp mắt cú vọ của mật thám. Cũng chính vì thế, Phan Văn Trường tỏ ra rất không hài lòng, nên ngày 24/8 rồi 13/10/1923, ông liên tục viết thư cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp phản đối việc mật thám thường xuyên theo dõi ông, trong đó có đoạn:
“Tôi biết rằng tôi sẽ còn là mục tiêu của những mưu mô và những sự quấy rầy mới, nhưng tôi chờ đợi những điều đó với tâm hồn thanh thản của một người chỉ mong muốn điều tốt lành cho đồng loại”.
Sau khi Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pháp sang Liên Xô, Phan Văn Trường cũng quyết định về nước cuối năm 1923. Dự định này của ông, được báo cáo của mật thám Pháp ghi:
“Tất cả tin tức thu lượm được cho phép tôi tin rằng Phan Văn Trường về Đông Dương sẽ tìm cách liên lạc giữa những người phiến loạn An Nam tại Pháp và những người ở Đông Dương không theo Pháp. Sự thông minh của Phan Văn Trường với quốc tịch Pháp cho ông ta nhiều thuận lợi trong hành động và có thể thành công hơn”.
Riêng trong hồi ký “Tôi chỉ làm cơn gió thổi” của Nguyễn Thị Minh viết về cha mình là nhà yêu nước Nguyễn An Ninh thì cho biết, tháng 2/1923, Nguyễn An Ninh sang Pháp lần thứ ba, “cốt yếu mời ông Trường về nước làm báo”.
Thư Nguyễn Tất Thành gửi Phan Châu Trinh, trong đó đề cập đến Phan Văn Trường |
Đất Sài Gòn hoạt động
Để không bị chính quyền Pháp gây khó dễ, Phan Văn Trường xin Sở Cảnh sát giấy thông hành về Đông Dương, đến Sài Gòn, nơi hoạt động báo chí sôi nổi hơn những nơi khác trên dải đất chữ S bấy giờ. Theo sách “Truyền thống luật sư Việt Nam”, khi về nước, Phan Văn Trường mở một văn phòng luật sư tư vấn tại số 19 đường Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) tại Sài Gòn.
Ngoài việc thực hành nghề, họ Phan tham gia diễn thuyết trước đông đảo đồng bào Sài Gòn. Nghiên cứu “Luật sư Phan Văn Trường” cho hay, ngày 17/3/1925, Phan Văn Trường diễn thuyết tại trụ sở Hội Khuyến học Nam Kỳ về đề tài “Giáo dục và học vấn Đông Dương”.
Ông lại biên soạn cuốn “Pháp luật lược luận” để đồng bào có công cụ mà đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Năm 1928, cuốn sách ông viết tại Pháp “Une histoire des conspirateurs annamites à Paris ou La Vérité sur l’Insochine” (Một câu chuyện về những người Việt Nam mưu loạn ở Paris hay sự thật về Đông Dương) được xuất bản, khiến Khâm sứ Trung Kỳ phải ra nghị định ngày 31/8/1929 cấm du nhập, lưu hành, mua bán, phân phối sách tại Trung Kỳ. Nha Mật thám Nam Kỳ cũng lệnh các tỉnh giám sát chặt chẽ nếu sách được dịch ra chữ quốc ngữ.
Nhưng, như “Việt Nam danh nhân từ điển” cho hay, hoạt động sôi nổi và thành công nhất của ông là “Viết báo và chủ trương tờ “L’Annam” nhằm mục đích thức tỉnh nâng cao dân trí và tranh thủ dân quyền”. Trong “Lược truyện các tác gia Việt Nam”, trong phần ghi về tiểu sử luật sư họ Phan, có ghi “Phan Văn Trường có nhiều bài đăng trên báo La cloche félée” (Tiếng chuông rè) do Nguyễn An Ninh sáng lập”.
Báo La Cloche Fêlée |
Lại ngồi nhà lao
Xem ảnh hưởng của Phan Văn Trường nơi địa hạt báo chí, không nên bỏ qua nghiên cứu “Làng báo Sài Gòn 1916-1930” của Philippe M.F.Peycam. Ở đó, ta thấy được hoạt động báo chí của họ Phan, quan điểm chính trị của ông và cũng biết được cái án tù thứ hai của ông.
Tờ La Cloche Fêlée (Chuông rè, Chuông rạn) do Nguyễn An Ninh chủ trương với số đầu tiên ra ngày 10/12/1923, đình bản ngày 14/7/1924 (đúng Quốc khánh Pháp). Đến ngày 26/11/1925, báo tục bản, do Phan Văn Trường làm chủ nhiệm. Dưới bàn tay họ Phan, báo “bắt đầu giới thiệu có hệ thống với độc giả nhiều quan niệm Marxist về duy vật lịch sử và tích lũy tư bản…”.
Ngày 6/5/1926, báo đổi tên thành L’Annam. Với vai trò chủ nhiệm cùng xu hướng chính trị, tên tuổi họ Phan được khẳng định trong làng báo chí Sài Gòn dạo ấy, nhưng rồi rắc rối cũng đến....
Vẫn theo Philippe M.F.Peycam, từ đầu năm 1927, “nhà chính trị lớn tuổi thấy mình vướng mắc vào hàng loạt chuyện tố tụng mệt mỏi do chính quyền thực dân chủ mưu nhằm quyết tâm trấn áp phe đối lập”. Vẫn năm ấy: “Trong tháng 5, nhà chức trách buộc tội Trường có liên can đến một bài báo trên tờ L’Hummanité mà tờ L’Annam đăng lại, nội dung kêu gọi “những binh lính thuộc địa người bản xứ trong đế quốc Pháp nổi loạn”.
Tiếp theo trong tháng 6 “ông bị khởi tố vì cho là có tham gia chuẩn bị lễ tang tưởng niệm nhà cải tổ miền bắc là Lương Văn Can”. Đỉnh điểm là ngày 21/7 năm ấy, Phan Văn Trường bị Pháp bắt, hai ngày 21-22/7, nhà riêng của ông và tòa soạn báo L’Annam bị lục soát. Ông chủ nhiệm bị bắt, báo L’Annam đình bản.
Vụ xử Phan Văn Trường diễn ra ngày 27/3/1928, ông bị đưa ra Tòa án đỏ Sài Gòn và như báo Thần chung số 210 ra ngày 20/9/1929 thuật lại, thì họ Phan bị kết tội “xúi kích làm phản, kêu dân Việt Nam nổi loạn để đuổi người Pháp ra khỏi xứ”. Ông bị kêu án 2 năm tù giam. Còn Nguyễn Ái Quốc trong bài báo “Đông Dương khổ nhục”, cho rằng ông Trường bị án tù 2 năm bởi “vì ông đã có tội đăng lại một bài của báo Nhân Đạo bàn về sự đoàn kết huynh đệ với cách mạng Trung Hoa”.
Đường đường là luật sư, nắm rõ luật, lại có quốc tịch Pháp, ông Trường không chịu khoanh tay chịu thua. Ông chống án sang Pháp, nhưng một năm rưỡi sau Tòa Thượng thẩm Paris mới đem vụ này ra xử, và y án cũ. Vậy là, luật sư họ Phan vẫn phải ngồi tù.
Báo L'Annam |
PGS. Nguyễn Phan Quang cho hay “8g tối ngày 14-8-1929, cảnh sát đến bắt Phan Văn Trường tại căn nhà số 11 đường Blainville, quận 5, Paris. Ông bị tống giam ở xà lim số 13 của nhà lao La Santé”.
Dù quốc tịch Pháp, dù nắm rõ luật Pháp, nhưng họ Phan không chọn cuộc đời khác, mà đứng về phía dân tộc, để đấu tranh với chính quốc gia ông mang quốc tịch, nhưng đang hàng ngày, hàng giờ gieo bao đau khổ cho dòng giống “máu đỏ da vàng” của ông, dẫu thân phải chịu tù đày, mà lòng với dân với nước, như suối nguồn chẳng bao giờ vơi cạn...