Ông chủ bút dùng báo chí cổ động kinh tế

Chân dung cụ Lương Khắc Ninh
Chân dung cụ Lương Khắc Ninh
(PLO) -Khi viết về cụ Lương Khắc Ninh (1862-1943), Nguyễn Văn Sâm đã gọi cụ là nhà báo, nhà văn, bầu hát bội, nghị viên, và “trong lãnh vực nào ông cũng để lại ảnh hưởng và tiếng tốt”. Xét đời hoạt động của cụ Lương Khắc Ninh, quả đúng vậy. 

Thân thế Lương Khắc Ninh, được sách “Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ 1757 đến 1945)” cho biết, thuộc “làng An Hội, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre”, nay thuộc thành phố Bến Tre. Thân phụ ông là Lương Khắc Huệ, thân mẫu là Võ Thị Bường, vốn người gốc Quảng Nam. 

Nói đến sự nghiệp của họ Lương, trước hết, phải nói đến lĩnh vực báo chí mới phải đạo. Trong “Văn học miền Nam nơi miền đất mới” khi viết về ông, đã có tít bài “Lương Khắc Ninh, nhà báo tiên phong Nam Kì”, kể ra cũng không phải là thậm xưng... 

Đứng chân chủ bút

Sách “Lịch sử chế độ báo chí ở Việt Nam (trước Cách mạng tháng 8/1945)” cho biết về tuổi đời hai tờ báo Lương Khắc Ninh có can dự nhiều, theo đó “Nông cổ mín đàm” (1901-1924),  Lục tỉnh tân văn (1907-1944). 

Đối với báo “Nông cổ mín đàn”, được hiểu là “uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn”, có tên tiếng Pháp là “Causeries sur l'agriculture et le commerce”. Trụ sở của báo được đặt tại số 84 đường De La Grandière, Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng, Quận 1, TP.HCM).

Báo ra hàng tuần, được Toàn quyền Pháp bấy giờ là Paul Doumer cho phép theo Nghị định ngày 14/2/1901. Chủ nhiệm báo bấy giờ, dĩ nhiên phải là người Pháp, như “Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945” ghi: “Do một người Pháp là Canavaggio, Ủy viên Hội đồng Quản hạt làm Giám đốc và Lương Khắc Ninh, một cây bút tên tuổi làm chủ bút”.

Công lao của họ Lương trong buổi đầu ra đời, phát triển báo này được sách trên ghi nhận là “là người trực tiếp phụ trách Thương cổ luận, Lương Dũ Thúc (Lương Khắc Ninh) có công lớn trong việc cổ động cho phong trào Minh Tân, cổ súy giới chủ, thương gia người Việt đang hình thành, đua chen quyền lợi kinh tế với người Hoa, với ngoại kiều khác ở Lục tỉnh”.

Còn trong “Hồ sơ về Lục châu học, tìm hiểu con người ở vùng đất mới” viết “Ông Lương Khắc Ninh đã nại đến đạo lý dân tộc làm cơ sở cho việc cổ động kinh doanh buôn bán, nhưng cũng tiếp thu văn hóa Tây phương: coi pháp luật là cơ sở đảm bảo cho việc làm ăn buôn bán”. 

Trong khi đó, đối với báo “Lục tỉnh tân văn”, báo này theo “Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945”, do François  Schneider lập nên, ra số đầu tiên ngày 15/11/1907. Lương Khắc Ninh làm chủ bút tờ báo này kể từ số 51, năm 1908 sau chủ bút đầu tiên là Trần Chánh Chiếu (Gilbert Chiếu).

Với việc tham gia điều hành báo “Lục tỉnh tân văn”, ông góp phần để tờ báo này, dù có nhận tiền trợ cấp của chính quyền thực dân, nhưng như “Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam”, thì “Ưu điểm nổi bật của Lục tỉnh tân văn là dám cổ vũ lòng yêu nước”… “có nhiều kinh nghiệm trong việc cổ vũ chấn hưng dân chí, dân khí, hợp quần kinh doanh chống lại sự độc quyền kinh doanh của tư bản Pháp, sự cạnh tranh của tư sản người Hoa, người Ấn”… “là tờ báo có uy tín nhất ở Nam Kỳ trong bước khởi đầu của nghề làm báo”…  

“Nông cổ mín đàm” số 76, ghi rõ “Chủ bút Lương Khắc Ninh”
“Nông cổ mín đàm” số 76, ghi rõ “Chủ bút Lương Khắc Ninh”

“Ông hội đồng” Ninh

Trong đời 81 năm của mình, ngoài làm báo, họ Lương còn tham gia hoạt động chính trị. Nghiệp chính trị của ông, kể ra, xét từ cái gốc nền được ăn học của họ Lương từ dạo nhỏ. Để từ đó, với trình độ, uy tín, mà ông rẽ ngang sang địa hạt này.

“Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ 1757 đến 1945)” cho hay, thuở nhỏ, Lương Khắc Ninh theo học chữ Hán. Đến năm lên 14, lúc đó người Pháp đã có mặt ở Bến Tre, “ông bị bắt buộc vào trường tỉnh lỵ học chữ quốc ngữ và chữ Pháp”.

Cái nghĩa “bắt buộc” ở đây, được được bà Lương Thị Phụng, con gái họ Lương giải thích là dạo ấy dân ta ít người thích học chữ Pháp, nên chính quyền địa phương phải đi tới tận từng nhà ép dân chúng cho con theo học. 

Thời điểm Lương Khắc Ninh theo học chữ quốc ngữ, Pháp ngữ nơi trường Collège de My Tho được “Lược sử trường trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho)” xác định là năm 1878. Trường ấy, nay là trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. 

Cũng chính việc có học Pháp ngữ, được ăn học, “có trình độ” so với mặt bằng dân trí bấy giờ, nên “ít lâu sau, ông vào làm tại Sở Thương chánh Bến Tre, rồi đổi qua giữ chức thông ngôn tòa án tỉnh năm 1899”. Thời gian làm việc tại Sở Thương chánh Bến Tre của họ Lương kéo dài đến năm 1883 trước khi chuyển qua ngạch thông ngôn. Sách “Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam” xác định cũng năm 1899, ông tham gia vào Hội đồng Quản hạt địa phương. 

Không dừng lại ở đó, sau khi lên Sài Gòn để viết báo năm 1900, đến năm 1902, ông đắc cử vào Hội đồng thuộc địa. Năm 1906, được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng tư vấn Đông Dương, được dân tình gọi là “ông hội đồng Ninh” là vì thế.

Nhưng dẫu tham gia chính trị, có chân trong bộ máy của chính quyền thuộc địa do người Pháp điều hành, ông vẫn giữ được tấm lòng với nước. Bởi vậy “Văn học miền Nam nơi miền đất mới” khen ông là “tuy xuất thân là một công chức của chính quyền thuộc địa Pháp, nhưng ông dấn thấn vào công cuộc duy tân cứu nước của các nhà tiền bối cách mạng, yêu nước”. 

Ngoài ra, qua “Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20”, ta còn được biết, năm 1924, ông là chủ bút của “Trung lập báo” do Henri de Lachevrotière lập ra. 

Báo “Lục tỉnh tân văn”
Báo “Lục tỉnh tân văn”

“Chọi thơ” với nữ sĩ Sương Nguyệt Anh

Ngoài làm chủ bút, ký giả viết báo, cổ động việc chấn hưng kinh tế nơi người Việt, Lương ký giả còn tham gia viết truyện. Sách “Sài Gòn – Chợ Lớn (thể thao và báo chí trước 1945)” cho biết “Ông Lương Khắc Ninh cũng viết truyện đăng nhiều kỳ (Nông cổ mín đàm, 5/3/1903) về chuyến đi dự hội chợ đấu xảo ở Hà Nội vào năm 1902 của ông, viết bằng thơ”.  

Không chỉ vậy, sách “Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ 1757 đến 1945)” còn cho hay, tác phẩm của Lương Khắc Ninh gồm có nhiều bài thơ, cùng với vài bài diễn thuyết của ông, phần lớn được đăng trên báo “Nông cổ mín đàm”. Đồng thời, một đóng góp đáng kể khác là ông đã cùng với Nguyễn Khắc Huề, Nguyễn Duy Hoài soạn lại bổn “Sãi vãi”, in năm 1901 tại Saigon Imprimerie Saigonnaise. 

Cũng qua sách này, có tham khảo thêm trong “Sương Nguyệt Anh (1864-1921)” của Nam Xuân Thọ, ta còn biết một giai thoại khá thú vị về ông trong việc “chọi thơ” với bà Sương Nguyệt Anh (1864-1921), con gái cụ đồ Chiểu, chủ bút báo “Nữ giới chung”.

Số là, ông Ninh và ông Nguyễn Viên Kiều (hiệu Lão Ngạc, người Trà Vinh, cộng tác với “Nông cổ mín đàm”) thỉnh thoảng có đi diễn thuyết ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho (thuộc Tiền Giang ngày nay), nhiều hơn cả là các quận trong tỉnh Bến Tre.

Một lần, khi đến quận Ba Tri diễn thuyết, hai ông Ninh, Kiều bị bà Sương Nguyệt Anh làm một bài thơ bát cú chế giễu. Nội dung bài này bị thiếu mất hai câu luận và hai câu thực, chỉ còn hai câu mở đề và hai câu kết, xin ghi lại như sau:

Múa mỏ phùng mang bớ chú Ninh,

Rỡ ràng đèn đuốc trống ình ình,

Hội này phải gặp Trương Minh Ký,

Hai cụ nói xàm biết mấy kinh.

Bài thơ đến tai hai ông. Bị chê là “nói xàm”, ông Ninh và ông Kiều lấy làm giận dữ lắm, liền cùng nhau làm một bài thơ chọi lại bà Sương Nguyệt Anh. Thơ rằng:

Lời phải trái tai chớ giận Ninh,

Cá không ăn muối cá ươn ình.

Tiểu nhân hoài thổ không dời gót,

Quân tử thành nhân phải nhẹ mình.

Ngọc tốt uổng gieo dòng nước đục,

Đứa gian hằng sợ bóng trăng thinh.

Ngô nho đâu rõ tài Gia Cát,

Xích Bích rồi đây mới thất kinh. 

Kể ra trong trường hợp này, ông Ninh cũng đáo để, thẳng thớm lắm chứ không chịu để người làm nhục đâu...

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 94, ngày 6/3/2017).

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.