Về quê hương bản quán họ Trần, cứ nên theo sử về nhân vật của nhà Nguyễn chép trong “Đại Nam liệt truyện”, theo đó, Trần Thiện Chánh (1822-1874) “tự là Tử Mẩn, hiệu Trừng Giang, người huyện Bình Long, tỉnh Gia Định”.
Bản quán của ông, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, trong tác phẩm “Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ” cho rằng, thuộc thôn Tân Thới Tây, tổng Long Tuy Thượng, huyện Bình Long, tỉnh Gia Định, nay thuộc ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
… vừa nghe tiếng súng Tây
Khoa thi Hương năm Nhâm Dần (1842) là ân khoa thời vua Thiệu Trị, trường thi Gia Định lấy đậu 16 người, tên Trần Thiện Chánh xuất hiện ở vị trí thứ tư, được “Quốc triều Hương khoa lục” chép rõ:
“Trần Thiện Chánh. Người thôn Tân Thới huyện Bình Long. Làm quan tới chức Hồng lô tự khanh, gia Thị lang sung Tán lý quân thứ Sơn Tây, Tuần phủ Ninh Bình. Nổi tiếng hay thơ”. Sau này, ông có lều chõng vòng trong, bài thi dẫu không đạt, nhưng như “Đại Quang thiền tự” miêu tả là “bài ứng chế lúc thi Đình nhiều chỗ hợp với ý chỉ”.
Sau khi thi đỗ, trong “Những danh sĩ miền Nam” cho biết, ông được bổ làm Hậu bổ Khánh Hòa, một thời gian sau làm Huấn đạo đất Long Xuyên, rồi được thăng làm Tri huyện nơi đất Hà Tiên. Sau không rõ vì lý do gì, ông bị triều đình cách chức cho về bản quán. Nhưng người tài thì không bao giờ bó gối một chỗ.
“Đại Nam thực lục” cho hay, tháng 3 năm Kỷ Mùi (1859) đời vua Tự Đức, quân Pháp sau khi chiếm bán đảo Sơn Trà không thành, đã xuôi vào Nam Kỳ, hạ thành Gia Định. Thành mất, quân dân đất này nổi lên ứng chiến, trong đó có Trần Thiện Chánh:
“Khi thành Gia Định không giữ được, người tỉnh ấy là Trần Thiện Chánh (Tri huyện phải cách), Lê Huy (Suất đội thải về) họp dân dũng 5.800 người (dân nhiều người đem nộp tiền thóc), ngăn giữ quân thua lại, hộ vệ cho Trần Tri về bảo Tây Thới”. Nhận thấy tấm lòng yêu nước của ông, nên “vua ban khen, chuẩn cho hai viên ấy được khai phục nguyên hàm, theo đi quân thứ”.
Vậy là, Trần Thiện Chánh là một trong những sĩ phu đã đứng dậy sớm nhất chống Pháp khi chúng đặt chân đến đất Gia Định, không cần đợi lệnh triều đình, cũng chẳng cần tới đỉnh đai chức tước, mà trên hết là vì tiếng gọi của non sông.
Trong “Thơ Nam Kỳ” in năm Bính Tý (1876), một tác giả thân Pháp dẫu cố tình bôi bác, nhưng cũng không thể phủ nhận sự hiện diện của họ Trần (được gọi là “Phủ Chánh”) ngay từ buổi đầu Pháp có mặt tại Gia Định:
Hiệp nhau Tây Thới luận bàn,
Bồ, Đề, Chánh, Phó tính đàng qua Biên.
Thới Tây Tân Phú tiếp liền,
Tại quê Phủ Chánh gần miền Phủ Doi.
… Chiêu quân khí giới thành tuyền,
Cậy lương dân xã tương liên dưỡng binh.
Lúc ấy, quan quân triều đình đa phần đã rút lui, Tổng đốc Định Tường Trương Văn Uyển đã đưa quân cứu viện Gia Định về giữ Vĩnh Long; đội quân Trương Định chưa kịp có mặt tại Sài Gòn, thì sự có mặt của gần 6.000 nghĩa dũng đất Hóc Môn quê họ Trần, vừa cho thấy uy tín, khả năng tập hợp lực lượng, cũng như tính tiên phong của ông.
Bài thơ “Tản viên sơn” của Trần Thiện Chánh đăng trên Nam Phong tạp chí |
Nặng lòng với nước
Trong đời làm quan của Trần Thiện Chánh, có đôi lần ông bị thọ tội đến nỗi bị giáng chức, như thuyền tuần biển về trễ hẹn, cấp phát tiền lương trái quy định, hút thuốc phiện, cưới vợ lẽ… Nhưng những tì vết ấy, không làm lu mờ đi tấm lòng vì nước của ông. Và cũng không vì bị thăng giáng liên tục mà kẻ sĩ họ Trần thối chí, nản lòng, ngược lại giữa buổi quốc nạn khi bị Tây xâm, quan họ Trần hòa vận mình vào vận nước.
Xem qua chú thích nơi bài thơ “Võ hội thí, vi trung đối nguyệt ký Trần Thủy sư Hiệp lý Tử Mẩn” của Phạm Phú Thứ viết năm Ất Sửu (1865), ta biết được rằng “Tử Mẩn trước đây làm quân thứ Gia Định lập công được phục chức Tri huyện, kế thăng Tri phủ Tuy Biên tỉnh An Giang, đánh giặc Man ba năm, việc xong được thăng Phó Quản đạo Phú Yên. Năm nay được tiến cử thăng hàm Hồng lô tự khanh. Dự việc chỉ huy thủy quân”.
Quãng đời làm quan dẫu thăng trầm, nhưng sử nhà Nguyễn ghi nhận rất nhiều chính tích quan Trần Thiện Chánh đã làm được. Tháng 5 năm Bình Dần (1866), theo “Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ” cho biết, ông được cử đi cùng Tham tri bộ Hộ Nguyễn Chánh và Biện lý bộ Công Lê Văn Phả đi tàu sang Hương Cảng mua tàu thủy của người Anh và thuê chuyên gia dạy thủy thủ Việt.
Hay năm Quý Dậu (1873), “Liệt truyện” ghi ông được “lấy hàm Tán lý đi cùng với Thanh đoàn Lưu Vĩnh Phúc tới ngay Tam Tuyên thương lượng dẹp giặc, lại tiến dẹp ở Phù Ninh, thu lại huyện thành”.
Làm quan nhà Nguyễn, gốc người đất Gia Định, mang cái khí chất hào sảng của người Lục tỉnh Nam Kỳ, Trần Thiện Chánh có một thời gian dài làm quan nơi đất Bắc Hà, lúc nơi yên nhàn, lại có lúc xông pha mũi giáo đường gươm, tất thảy đều hiển hiện mong muốn diệt giặc, cứu nước.
Cứ xem những câu thơ trong bài “Tản Viên sơn” ông viết khi cầm quân đánh giặc nơi đất Bắc, mà toát lên dũng khí, quyết tâm giết giặc bất chấp hiểm nguy:
Thẹn không có phép để dời núi,
Hùng tâm vẫn muốn nhờ người giỏi.
Đem tới Cần Giờ đầu bể nam,
Đẩy ngược ba đào muôn trượng dội.
Đánh cho tàu giặc nát thành bùn,
Rửa sạch hôi tanh trong một buổi.
Chí khí ấy, đối ngược với nhiều kẻ cùng thời, vì lợi ích vị thân mà gửi mình cho giặc như Tôn Thọ Tường, Trần Bá Lộc… dạo ấy.
“Thơ Trần Thiện Chánh” của Cao Tự Thanh là tác phẩm nghiên cứu công phu đến nay về ông |
Văn thơ trác tuyệt
Tài văn thơ của Trần Thiện Chánh, người đương thời đều biết. Thế nên như ghi chép trong “Đại Nam liệt truyện” cho hay, khi ông đang làm Tri phủ đất Bình Thuận, thì năm Mậu Thìn (1868), “quản Hàn lâm viện là Vũ Phạm Khải cho là giỏi thơ đề cử lên cất bổ tu soạn sung chức ở Viện, được vài tháng cất lên Hồng lô tự thiếu khanh, biện lý công việc bộ Binh”.
Vẫn “Liệt truyện”, nói về dấu ấn của Trần Thiện Chánh, đã bình rằng “Thiện Chính vốn có tiếng về làm thơ, trước tác những quyển “Trừng Giang thi văn tập”, “Nam hành thi thảo” và “Bắc chính thi thảo”. Theo Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, trong công trình nghiên cứu của ông là “Thơ Trần Thiện Chánh”, thì thơ văn Trần Thiện Chánh đã bị mất mát quá nhiều, không còn đầy đủ.
Qua “Thơ Trần Thiện Chánh”, ta được biết “hiện còn lại 78 bài (78 nhan đề), 106 thủ, tất cả đều bằng chữ Hán, được in chép chủ yếu trong 7 tài liệu khác nhau”. Trên “Nam Phong tạp chí” số 13-24 thời gian 1918-1919, bạn đọc có thể tìm hiểu thơ ông với 36 bài được đăng ở phần chữ Hán.
Thơ văn của thi sĩ họ Trần, được sách “Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam” nhận định là “hầu hết có liên quan đến thời cuộc, thể hiện tấm lòng yêu nước nồng nàn”. Còn “Văn học miền Nam nơi miền đất mới thì ghi”: “thơ văn ông luôn luôn thấm đượm tinh thần chiến đấu chống Pháp đến cùng”.
Đời người, nhất là sĩ phu kinh qua khoa bảng, buồn nhất là không để lại được gì cho đời. Nhưng với Trần Thiện Chánh, tên tuổi, công nghiệp được ghi trong quốc sử nhà Nguyễn, cũng đã xứng với chữ “vinh” đó hẳn. Đời ông, tiếng tăm nổi lên từ văn thơ, đi kèm với đó, là tấm lòng với nước hiếm ai bì, thế nên đôi câu đối của quan lại, thân hào đất Yên Mô, Ninh Bình đã tổng kết là:
Thập dư niên Nam tái Bắc biên, danh nho lương tướng,
Ngũ lục nguyệt Thúy sơn Vân thủy, vĩ tích năng thanh.
Cao Tự Thanh dịch:
Hơn mười năm ngoài Bắc trong Nam, danh nho kiêm lương tướng,
Năm sáu tháng sông Vân núi Thúy, công lớn lại tài cao...