Đi dễ, về khó
Chị Phạm Thị L. (SN 1977, thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) là một trong những phụ nữ bỏ nhà đi Trung Quốc từ năm 1997. Chị L. cũng là một trong rất ít người mà gia đình còn có thể liên lạc sau khi sang Trung Quốc làm thuê rồi lấy chồng xứ người.
Chị Lê Thị Lan, chị dâu của chị L kể: “Phải cả chục năm gia đình không biết tin tức của L. Mấy năm trước, cô ấy bất ngờ trở về. Cô cho gia đình biết, cô được bạn bè rủ sang Trung Quốc làm thuê rồi bị ép lấy chồng ở bên đó. Hiện L có với chồng 3 người con, cuộc sống cũng khó khăn. Cô về ít hôm rồi lại đi vì thương con ở bên đó”.
Không giống trường hợp của L, một số phụ nữ đã chấp nhận vất vả, tìm mọi cách để đưa con về lại quê hương, bản quán. Nhưng về, họ lại đối diện với vô vàn khó khăn khác, nhất là việc nhập hộ tịch, làm giấy khai sinh cho con. Vướng mắc nằm ở chỗ các các cháu sinh ra từ những cuộc hôn nhân không được pháp luật công nhận ở một đất nước khác nên cán bộ tư pháp cũng lúng túng. Hiện trên địa bàn 8 xã của huyện Hậu Lộc có 20 trường hợp trẻ em không làm được giấy khai sinh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của các cháu trước mắt và trong tương lai.
Tiềm ẩn nạn buôn người
Hàng trăm phụ nữ xuất ngoại để “đổi đời” nhưng rất ít người trở về đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân ở các xóm chài ven biển. Những người trở về đã nói ra sự thật phũ phàng về việc bị lừa gạt, bị lạm dụng, cuộc sống bên đó đã khó khăn, nghèo khổ lại mất an toàn là liều “thuốc đắng” giúp cắt “cơn sốt” lấy chồng Trung Quốc ở các xã ven biển xứ Thanh.
Chị Lê Thị Lan kể về người em gái của mình. |
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp phụ nữ lén lút tìm sang Trung Quốc làm thuê để rồi chuốc lấy hệ lụy. Theo Trung tá Lê Duy Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), việc quản lý số lao động “chui” hay phụ nữ lấy chồng bên Trung Quốc rất khó vì họ đi không báo cáo chính quyền địa phương. Thậm chí, khi có một số phụ nữ trở về rồi lại tiếp tục quay lại Trung Quốc, chính quyền cũng không nắm rõ.
Còn theo Trung úy Lê Đăng Khoa, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm, Đồn Biên phòng Hoằng Trường, trong vụ việc này có thể nhiều phụ nữ là nạn nhân của đường dây buôn bán người sang Trung Quốc. Năm 2010, cơ quan chức năng Hoằng Hóa đã khởi tố một vụ án buôn bán người mà ngay cả đối tượng khi bị bắt cũng bất ngờ vì hành vi phạm tội của mình đã diễn ra hơn chục năm. Trước năm 2000, huyện Hậu Lộc cũng đã khởi tố 4 vụ án buôn bán người sang Trung Quốc. Tất cả các vụ án này đều từ đơn tố cáo của bị hại khi trốn thoát trở về.
“Năm 2010, Đồn Biên phòng Hoằng Trường đã nhận được đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1958, xã Hoằng Tiến) tố cáo bị đối tượng Nguyễn Thị Tùng (SN 1967, xã Hoằng Thanh) lừa bán sang Trung Quốc làm vợ cho một người đàn ông ở huyện Giấm Phình, tỉnh Quảng Đông với số tiền 1.300 nhân dân tệ vào năm 1997. Nạn nhân Xuân có với chồng 1 cô con gái, cho đến ngày 21/5/2010 được một người Việt Nam gặp và đưa về nên mới có cơ hội tố cáo kẻ đã bán mình. Đối tượng Tùng bị bắt ngay sau đó và bị khởi tố, kết án tội buôn người…” – Trung úy Khoa kể lại.
Cuộc sống khó khăn, nhận thức hạn chế, thiếu thông tin… vẫn đang là những nguyên nhân để các đối tượng buôn bán người, lừa đảo lợi dụng lôi kéo người dân, những phụ nữ nhẹ dạ cả tin. Để giải quyết thực trạng này, chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc quản lý nhân khẩu; đẩy mạnh công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền trong các tổ chức đoàn thể để người dân hiểu và chấp hành pháp luật.
Đặc biệt, cần quan tâm cải thiện tình trạng kinh tế cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, thông qua việc hỗ trợ và hướng dẫn cho chị em vay vốn phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giúp các hộ gia đình, chị em phụ nữ ổn định cuộc sống./.