12 thí sinh của 3 dòng nhạc thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ đã có 12 phần trình diễn đơn ca, cùng 6 phần trình diễn song ca, mang đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc đáng nhớ.
Khán phòng 1.300 chỗ của Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn chật kín người. Phía ngoài sảnh, trước màn hình lớn được ban tổ chức dựng lên nhằm đáp lại sự mến mộ của khán giá Thanh Hóa khi không đủ điều kiện vào xem tại khán phòng cũng có hàng trăm khán giả chăm chú theo dõi và cổ vũ cho các phần thi.
Khán giả chật kín khán phòng 1.300 chỗ của Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn |
Sau 12 phần thi đơn ca và 6 tiết mục song ca, các thí sinh và toàn bộ khán phòng như nín thở, chờ đợi kết quả. Và cuối cùng, với sự thể hiện xuất sắc vượt trội của các thí sinh, ban giám khảo đã chọn ra được 3 thí sinh về nhất cho 3 phong cách âm nhạc.
Ở dòng nhạc thính phòng, thí sinh Nguyễn Bảo Yến đến từ Nga đã về nhất, cô trình diễn ca khúc “Chim hoạ mi”. Nhận được nhiều lời khen ngợi chuyên môn từ đêm chung kết dòng nhạc thính phòng, Nguyễn Bảo Yến tiếp tục phát huy sở trường với kỹ thuật chắc chắn, tư duy xử lý âm nhạc bài bản, văn minh trong đêm thi này. Cô cũng hoàn thiện hơn bản thân mình khi hát nồng nàn, cảm xúc, chạm đến trái tim của khán giả, dù “Chim hoạ mi” không phải là ca khúc dễ nghe.
Thí sinh Nguyễn Bảo Yến |
Nguyễn Thị Thu Hằng là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong nội dung dân gian, và cũng là thí sinh đầu tiên “lên đài” trong phần thi này. Tuy nhỏ tuổi, nhưng cô lại có một bản lĩnh sân khấu đáng nể. Dù hát một ca khúc nhiều trường đoạn khó như “Vọng quốc” của nhạc sĩ Huỳnh Tú, nhưng Thu Hằng xử lý chắc chắn và phân chia đoạn một cách có tính toán, thể hiện rõ việc được tập luyện cẩn thận, chau chuốt.
Tuổi trẻ cũng là ưu điểm của Thu Hằng, khi cô gái 20 tuổi được ví như “hot girl” của dòng nhạc dân gian đã thổi một làn gió mới vào ca khúc nói về tình yêu dân tộc, yêu tổ quốc. Sự kết hợp khéo léo giữa những đoạn đọc trên nền trống và lối hát hào hùng, đầy lửa đã khiến cho một phần trình diễn dài của Thu Hằng hoàn toàn thuyết phục được khán giả theo dõi và việc cô về nhất dòng nhạc dân gian là hoàn toàn xứng đáng.
Thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng |
Và cuối cùng, về nhất trong phong cách nhạc nhẹ là thí sinh Hoàng Thị Hồng Ngọc. Cô biểu diễn ca khúc “Đã hơn một lần” của tác giả Tăng Nhật Tuệ, Hải Yến. Màu sắc những ca khúc hơi hướng pop, rock, hoặc pop tự sự, sâu lắng, chính là thế mạnh của Hoàng Thị Hồng Ngọc. Về mặt kỹ thuật, bài bản, Hoàng Thị Hồng Ngọc được đánh giá cao, giữ được phong độ ổn định. Trong phần biểu diễn sau cùng này, Hoàng Thị Hồng Ngọc hoàn toàn thuyết phục được cả khán giả lẫn ban giám khảo.
Thí sinh Hoàng Thị Hồng Ngọc |
Cũng trong đêm chung kết xếp hạng này, thí sinh Lê Thị Dung đã may mắn nhận được giải “Thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất” và được Tập đoàn FLC tặng thưởng 15 triệu đồng.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC trao thưởng cho thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất qua tin nhắn |
Vòng chung kết Sao Mai 2015 đã khép lại một cách đáng nhớ. Với những cố gắng làm mới từ ban tổ chức, Sao Mai 2015 được đánh giá là hấp dẫn và thành công nhất trong những lần được tổ chức gần đây, cả về chuyên môn lẫn yếu tố khán giả. 4 đêm thi với tổng cộng khoảng 6 nghìn lượt khán giả xem trực tiếp, cổ vũ nhiệt tình tại Trung tâm hội nghị FLC Sầm Sơn có lẽ là một kỷ niệm khó quên với những người làm chương trình và các thí sinh.
Với tổng cộng khoảng 6 nghìn lượt khán giả xem trực tiếp, cổ vũ nhiệt tình trong 4 đêm thi có lẽ là một kỷ niệm khó quên với những người làm chương trình và các thí sinh |
Đóng góp vào thành công của mùa Sao Mai năm nay cũng phải kể đến sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía Tập đoàn FLC. Tập đoàn đã tài trợ toàn bộ cơ sở vật chất và dịch vụ cao cấp, đồng bộ của Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn phục vụ cho công tác tổ chức cũng như điều kiện ăn ở, sinh hoạt của ban tổ chức và các thí sinh.
Bảng xếp hạng Sao Mai 2015
Dòng nhạc thính phòng:
Giải nhất: Nguyễn Bảo Yến
Giải nhì: Trần Thị Bích Ngọc, Nguyễn Tiến Hưng
Giải ba: Lê Thị Dung
Dòng nhạc dân gian:
Giải nhất: Nguyễn Thị Thu Hằng
Giải nhì: Nguyễn Thị Hồng Duyên
Giải ba: Trần Hữu Tuấn, Nguyễn Thị Sông Thao
Dòng nhạc nhẹ:
Giải nhất: Hoàng Thị Hồng Ngọc
Giải nhì: Hoàng Thị Thuỷ
Giải ba: Lê Văn Đạt, Nguyễn Đức Tiến