Vạch mặt "mẹ mìn" nhiều quỷ kế

Hai nạn nhân Nguyễn Thị Hiền và Lê Thị Hồng Khuyên được các trinh sát bàn giao cho Trung tâm hỗ trợ xã hội tỉnh An Giang
Hai nạn nhân Nguyễn Thị Hiền và Lê Thị Hồng Khuyên được các trinh sát bàn giao cho Trung tâm hỗ trợ xã hội tỉnh An Giang
(PLO) - Ngày 19/5/2014, tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, lực lượng Công an, Biên phòng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã bàn giao 15 phụ nữ Việt Nam là những nạn nhân cuối cùng trong Chuyên án 009A cho Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lào Cai. 
Như vậy, sau gần 100 ngày (từ ngày 15/2 đến ngày 19/5) khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh và sàng lọc hàng trăm đối tượng, lực lượng Trinh sát Phòng chống tội phạm ma túy (PCTPMT) BĐBP Việt Nam phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các tỉnh, thành trong cả nước và Công an Biên phòng Trung Quốc đã phá thành công Chuyên án 009A, bắt giữ 3 đối tượng chính trong đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới và giải cứu toàn bộ các nạn nhân khỏi bàn tay của bọn mua bán người.
Đàn bà dễ có mấy tay
Hồi 13 giờ ngày 15/2/2014, Tổ tuần tra kiểm soát biên phòng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã phát hiện, bắt giữ hai phụ nữ gồm Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1990, trú tại ấp Đông Phú 1, xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, An Giang) và Lê Thị Hồng Khuyên (sinh năm 1982, trú ở ấp Ngã Tư, xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang) đang trên đường nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam. Cả hai mang theo hộ chiếu đã làm thủ tục xuất cảnh qua Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). 
Khai thác ban đầu, Hiền và Khuyên cho biết họ bị lừa đưa sang tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gả bán làm vợ những người đàn ông xa lạ, nay trốn về Việt Nam để tố cáo hành động vô đạo đức của những người đã từng bán họ.
Tại Cơ quan điều tra BĐBP tỉnh Lào Cai, trong nỗi uất ức, nghẹn ngào, Hiền và Khuyên đã tố cáo toàn bộ hành vi vô đạo đức của một nhóm người mà các cô đã tin tưởng trao cả số phận để đổi lấy miếng cơm, manh áo nhưng lại bị lừa bán cho những người đàn ông Trung Quốc làm vợ. 
Gạt dòng nước mắt đang lăn dài trên má, Khuyên kể lại hành trình đầy tủi nhục của mình. Đầu tháng 12/2012, Khuyên được Tư (tức Phan Thị Duyên, sinh 1955, ở ấp Ngã Tư, xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang) rủ đi Trung Quốc làm thuê, lương tháng 12 triệu đồng, mọi thủ tục xuất cảnh có người khác lo. Khuyên đã rủ thêm em gái là Lê Thị Diễm Phúc cùng đi và được Tư đồng ý. 
Sau đó Tư đưa cho Khuyên 500.000đ để làm hộ chiếu. Đầu tháng 1/2013, Tư dẫn hai chị em Khuyên đến nhà một người phụ nữ (không nhớ tên) khoảng 45 tuổi ở Phú Hòa, Kiên Giang. Ở đó được 5 ngày thì người phụ nữ đó đưa hai chị em Khuyên ra bến xe Long Xuyên và giao cho Nguyễn Thị Hồng Phượng (sinh năm 1975, trú tại tổ 1, khóm Châu Quới 1, phường Châu Phú B, TP.Châu Đốc, An Giang) để lên TP. Hồ Chí Minh. 
Trên đường đi, Phượng còn đón thêm 3 phụ nữ khác là Kiều, Cương và Chi cũng tầm khoảng 20-25 tuổi. Đến TP.Hồ Chí Minh, Phượng đưa cả 5 cô gái ra sân bay Tân Sơn Nhất để ra Hà Nội, sau đó đón xe khách đi Quảng Ninh. Ngày 24/1/2013, Phượng đưa số người này xuất cảnh bằng hộ chiếu phổ thông qua Cửa khẩu Móng Cái sang Đông Hưng, Trung Quốc. 
Tại đây có một người đàn ông Trung Quốc đã chờ sẵn (theo lời Phượng giới thiệu là chồng của thị) đón và đưa tất cả vào xã Trương Lầu, huyện Nhữ Nam, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Vợ chồng Phượng đã bán chị em Khuyên và 3 phụ nữ cùng đi cho một số người đàn ông Trung Quốc làm vợ.
Còn Nguyễn Thị Hiền kể lại, đầu năm 2013, Hiền quen một người đàn ông tên Út Nghiệp làm nghề bán vé số dạo. Sau một số lần tiếp xúc, biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình Hiền, Út Nghiệp giới thiệu cô với Nguyễn Thị Hường (tức Tám Hường, sinh năm 1965, trú ở ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên, An Giang) để kiếm việc làm. Hường nói sẽ giúp Hiền sang Trung Quốc làm thuê với lương tháng từ 10 - 15 triệu đồng, 6 tháng sẽ được về thăm gia đình một lần. Cứ nghĩ gặp được người tốt bụng, Hiền không một chút đắn đo liền gật đầu đồng ý mà không biết được mình đang rơi vào đường dây mua bán người của các “má mì”. 
Sau đó, Hường dẫn Hiền đến nhà Nguyễn Thị Hồng Phượng để làm thủ tục xuất cảnh. Cùng làm thủ tục xuất cảnh với Hiền còn có 3 phụ nữ khác là Thúy, Diễm cùng ở TP.Châu Đốc và Duyên ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ngày 20/3/2013, Phượng đưa Hiền, Thúy, Diễm và Duyên lên TP.Hồ Chí Minh rồi đi máy bay ra Hà Nội. 
Ngày 23/3/2013, Phượng đưa số phụ nữ trên cùng xuất cảnh bằng hộ chiếu phổ thông qua Cửa khẩu Móng Cái, sang Đông Hưng, Trung Quốc. Cũng như chị em Khuyên và 3 cô gái trước, Hiền, Thúy, Diễn và Duyên cũng được vợ chồng Phượng đưa vào xã Trương Lầu, huyện Nhữ Nam, tỉnh Hà Nam bán cho một số đàn ông trong vùng để làm vợ. 
Ngày 12/2/2014, lợi dụng gia đình chồng đi làm hết, Hiền đã rủ Khuyên bỏ trốn về Việt Nam. Sau 2 ngày dò hỏi tìm đường về Việt Nam, đến 13 giờ ngày 15/2/2014, cả 2 về đến Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Do hộ chiếu đã hết hạn, 2 cô phải tìm cách vượt biên trái phép và bị lực lượng BĐBP Việt Nam bắt giữ. Trước cơ quan điều tra, hai cô đã làm đơn tố cáo Nguyễn Thị Hồng Phượng và một số đối tượng khác trong đường dây mua bán phụ nữ.
Chân dung “mẹ mìn” Nguyễn Thị Hồng Phượng
Chân dung “mẹ mìn”
Nguyễn Thị Hồng Phượng 
Hành trình phạm tội
Nguyễn Thị Hồng Phượng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh hết sức éo le. Mới 1 tuổi đã mồ côi mẹ, cha bỏ đi biệt xứ nên Phượng phải ở với dì ruột tại tổ 15, phường Châu Phú B, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang. Học hết lớp 8, Phượng nghỉ học để phụ dì bán cà phê kiếm sống. 20 tuổi, Phượng lấy chồng. Cuộc hôn nhân kéo dài được 10 năm, 30 tuổi Phượng và chồng chia tay sau khi đã có hai mặt con.  
Khoảng tháng 8/2012, khi vẫn còn đang làm nghề sửa móng tay dạo ở TP.Long Xuyên, Phượng gặp và quen với Nguyễn Thị Hường (tên gọi khác là Tám, SN 1965, trú tại ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên). Trong những lần trò chuyện, Phượng cho biết cuộc sống của mình đang gặp rất nhiều khó khăn. Phượng đã được Hường giới thiệu với Huệ (một phụ nữ người miền Bắc trú tại  TP.Hồ Chí Minh, hiện đang lấy chồng Trung Quốc). Huệ đã dẫn Phượng sang Trung Quốc và gả cho Li Miên Fan (SN 1963, ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). 
Sau này Phượng mới được biết mình bị Huệ bán cho Fan với giá 4,6 vạn NDT (khoảng 150 triệu đồng Việt Nam). Sau một thời gian chung sống với người chồng Trung Quốc, do nhớ quê hương và những người thân trong gia đình, Phượng muốn về Việt Nam nhưng Li Miên Fan ra điều kiện bắt Phượng phải đưa con trai là Nguyễn Thanh Duy (sinh năm 1995) sang Trung Quốc làm con tin mới được về. 
Về Việt Nam, Phượng không muốn sang Trung Quốc nữa, nhưng vì Fan đang giữ và dọa sẽ bán cậu con trai để trừ nợ, nếu không muốn điều đó xảy ra, Phượng phải tìm những cô gái Việt Nam còn trẻ, đẹp để đưa sang Trung Quốc gả bán. Phượng đã liên lạc với Nguyễn Thị Hường, nhờ tìm người đưa sang Trung Quốc bán kiếm tiền chia nhau. 
Kết quả, từ cuối năm 2012 đến tháng 2/2014, Phượng đã móc nối với Nguyễn Thị Hường và em gái của Hường là Nguyễn Thị Thơm đưa 19 người sang Trung Quốc. Trong số này có 3 người do Phượng tự tìm được, còn 16 người do Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Thơm giao cho, mỗi người Phượng sẽ trả cho Hường 40-55 triệu đồng (tùy theo độ tuổi). Phượng cùng chồng đã gả bán trót lọt được 17 người với giá từ 4-6 vạn NDT. 
Trong số 19 cô gái Phượng đưa sang Trung Quốc, có 2 người không chịu bị gả bán, Phượng đã đưa về Việt Nam. Tổng cộng, Phượng đã đưa cho Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Thơm số tiền 680 triệu đồng, đưa cho người nhà 3 nạn nhân mà Phượng tự tìm mối  125 triệu đồng. Bản thân Phượng cho biết chỉ được hưởng khoảng 200 triệu đồng, còn  Li Miên Fan hưởng khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Như vậy, từ một nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, Nguyễn Thị Hồng Phượng đã trở thành một “mẹ mìn” đích thực, chuyên lừa bán những cô gái nhẹ dạ, cả tin và đẩy họ vào con đường cùng quẫn… 

Đọc thêm

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Khởi tố 4 cán bộ liên quan sai phạm trong công tác tuyển sinh

Năm học 2021 - 2022, có 36/60 học sinh tuyển sinh không đúng quy định vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quan Hóa.
(PLVN) - Ngày 10/1, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ sai phạm trong tuyển sinh tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú THCS huyện Quan Hóa.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Ông Trần Đình Triển bị phạt 3 năm tù

Luật sư Trần Đình Triển. (Ảnh: Facebook Trần Đình Triển)
(PLVN) - Bị cáo Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù vì tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân.