Sống sót sau 81 ngày giữ thành cổ Quảng Trị
Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ác liệt, 19 tuổi, chàng thanh niên Lê Văn Bát (SN 1952 ở thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) lên đường nhập ngũ ở Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, tham gia chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên.
Những ngày tháng ác liệt chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972), 81 ngày đêm Thành cổ được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần máy bay phản lực, 70 – 90 lần B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị.
Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Đã rất nhiều đồng đội ngã xuống tại đây, chiến sĩ Lê Văn Bát thấy mình may mắn khi vẫn còn được chiến đấu ở nhiều trận đánh khác.
Vì vậy, khi chiến đấu ở các chiến trường bên sông Thạch Hãn, đánh vào Huế rồi lại ra Quảng Trị, tinh thần của người lính Lê Văn Bát càng dũng cảm hơn để không phụ sự hi sinh của đồng đội. Trong một trận đánh giữ chốt tại đầu cầu sông Thạch Hãn vào ngày 25/8/1973, chiến sĩ Lê Văn Bát bị thương, mất một cánh tay trái, phải đưa ra miền Bắc an dưỡng.
Dù mang trên mình những thương tích của chiến tranh nhưng khi trở về địa phương, cự chiến binh (CCB) Lê Văn Bát vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại nơi cư trú, đảm nhiệm các chức danh Chủ nhiệm HTX mua bán, Trưởng công an, Phó chủ tịch và Chủ tịch xã Phù Linh giai đoạn từ 1985 – 1994.
Ông Lê Văn Bát (thứ 2 từ trái qua) trong Lễ kỉ niệm Ngày quốc tế Người khuyết tật năm 2020. |
Sau đó ông Bát lại đảm nhiệm chức Trưởng ban tổ chức Xí nghiệp cung ứng vật tư nhà máy gạch Xinamic đến năm 1998 thì nghỉ do sức khỏe giảm sút và mắt ngày càng kém đi. Là một thương binh bị mất một cánh tay, CCB Lê Văn Bát rất thấu hiểu những thiệt thòi của người khuyết tật. Luôn ghi nhớ lời Bác Hồ vẫn nói: “thương binh tàn những không phế”, nên ông Bát luôn đau đáu về việc thành lập một tổ chức chính đáng cho người khuyết tật.
Năm 2008, thương binh Lê Văn Bát là một trong những người đặt nền móng thành lập Hội Người khuyết tật (NKT) huyện Sóc Sơn và làm Ủy viên BCH, năm 2012, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội NKT huyện Sóc Sơn cho đến nay. Trong suốt quá trình công tác, CCB Lê Văn Bát luôn thể hiện sự nhiệt huyết, trách nhiệm và tạo được uy tín.
Là một người lính bị nhiễm chất độc da cam, trở thành NKT, ông cũng luôn đau đáu phải làm sao để có thể giúp đỡ và tạo điều kiện cho những người khuyết tật chịu thiệt thòi có thể vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Cựu chiến binh Lê Văn Bát chia sẻ: “Người khuyết tật luôn phải chịu những thiệt thòi và gặp nhiều rào cản xã hội. Tôi là người thương binh khuyết tật, được hưởng các chế độ của nhà nước nên thấy được an ủi, yên tâm phần nào.
Trong khi đó, rất nhiều người khuyết tật khác không có chế độ gì, lại không có công ăn việc làm thì họ còn khổ biết nhường nào. Vậy nên tôi muốn thông qua tổ chức Hội làm những việc gì đó để hỗ trợ người khuyết tật có cơ hội tiếp cận những chính sách, việc làm, tham gia các tổ chức để từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng cũng như khẳng định mình trong cuộc sống.”
Chính với tâm huyết ấy mà từ khi đảm nhiệm chức Chủ tịch NKT huyện, CCB Lê Văn Bát đã cố gắng thành lập Hội NKT các xã, thị trấn để NKT có tổ chức để hoạt động. Cùng với đó, ông luôn tìm kiếm nguồn tài trợ, thu hút các dự án dành cho NKT để tạo điều kiện cho NKT được học hỏi, bồi dưỡng nhiều kĩ năng và tạo việc làm cho NKT có thu nhập, giảm dần sự phụ thuộc vào gia đình và xã hội. Với sự công tâm, nhiệt thành của ông Bát, nhiều năm qua, Hội NKT huyện Sóc Sơn đã nhận được niều bằng khen, giấy khen của các cấp.
Tấm gương sáng về nghị lực, lạc quan
Sự chân thành, nhiệt huyết trách nhiệm trong công việc của CCB Lê Văn Bát là tấm gương, nguồn động viên cho những NKT cùng học tập và vươn lên trong cuộc sống. Anh Nguyễn Bảo Ngọc (trú tại thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) hội viên NKT có thời gian làm việc nhiều với ông Bát chia sẻ,
“Tôi được học hỏi rất nhiều từ ông Bát, được ông động viên khi không may đang là người bình thường lại trở thành NKT sau một tai nạn. Ban đầu bị mất một chân, tôi rất sốc và rất chán chường. Rất may khi ấy được chú Bát tận tình động viên giúp đỡ và dần lấy lại được tinh thần.
Khi được làm việc trong Hội cùng với chú, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ chú về phong cách làm việc khoa học, nghiêm túc lao động tập thể, rèn luyện tinh thần lạc quan, mạnh mẽ… Chú luôn chỉ bảo tận tình tỉ mỉ, luôn nhiệt huyết cùng mọi người đề làm sao tìm được những nguồn tài trợ giúp đỡ hỗ trợ hội viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Chú thực sự là một tấm gương tàn nhưng không phế để mọi người cùng học tập”, anh Ngọc tâm sự.
Là thương binh mất một cánh tay, đôi mắt đến nay cũng gần như không nhìn thấy gì đã là một thiệt thòi lớn, vậy mà CCB Lê Văn Bát còn bị nhiễm chất độc da cam, sinh được 04 người con thì một người con bị ảnh hưởng nặng và đang được hưởng chế độ.
Mặc dù vậy, ông Bát vẫn không hề kêu than, trái lại, ông còn làm nhiều vần thơ và đã xuất bản nhiều tập thơ ca ngợi quê hương, đất nước, thể hiện tình yêu cuộc sống, tinh thần lạc quan và nghị lực phi thường của một con người trải qua chiến tranh nhiều đau thương mất mát.
“Mình đã thấu hiểu, đồng cảnh với người khuyết tật và mình lại là một thương binh được trải nghiệm rồi nên luôn phải vững vàng, cũng có nhiều tấm gương người khuyết tật vươn lên rất đáng để học tập. Vì vậy, mình cũng phải làm sao là một tấm gương đem vốn sống, kĩ năng của mình để truyền cảm hứng, làm động lực cho những người khác. Cho đến giờ, tôi lúc nào cũng lạc quan, vững vàng, không hối tiếc và chỉ làm đẹp cho đời thôi”, ông Bát nói.
Chiến tranh có thể làm cho người ta mất mát, hi sinh nhưng không thể khiến những người CCB gục ngã và mất đi tinh thần lạc quan. Dù phải trải qua nhiều gian khó, dù vết thương chiến tranh vẫn còn nhưng những CCB, thương bệnh binh như ông Lê Văn Bát vẫn sống cuộc đời đầy tự hào, không hổ thẹn với những với đồng đội đã chiến đấu và hi sinh. Có thể nói, CCB Lê Văn Bát là một trong những tấm gương tiêu biểu về nghị lực sống để mỗi chúng ta học tập và noi theo.