Về phía VietJet Air, công tác đào tạo và chuyển loại phi công cũng được thực hiện tại Thái Lan, vậy nên trong hoạt động bay thử nghiệm đường bay thẳng, hãng này cũng thuê SIM ở Trung tâm Huấn luyện bay Thái Lan để triển khai.
Được biết, một SIM chỉ được hoạt động tối đa 20 giờ/ngày, phải chờ cấp lượt bay như đối với một chuyến bay khai thác thực tế tại sân bay, trong khi đó Trung tâm Huấn luyện bay Thái Lan đào tạo cho nhiều hãng hàng không trong khu vực nên có lịch dày đặc. Vì thế, để thực hiện bay thử nghiệm tại Thái Lan, các hãng hàng không phải đặt lịch trước. Lịch bay thử nghiệm của VietJet Air sẽ diễn ra vào tối 2/9.
Ảnh minh họa (nguoilaodong) |
Tổ lái của Vietnam Airlines và VietJet đã phối hợp với Phòng quản lý hoạt động bay của Cục Hàng không Việt Nam lập phương án về đường bay và phương thức bay, tính toán bằng hệ thống lập kế hoạch bay (Jet Planner).
Đường bay thử nghiệm của các loại máy bay bắt đầu từ đài dẫn đường Nội Bài - bay thẳng - đài dẫn đường Tân Sơn Nhất và ngược lại, thực hiện phương thức bay hiện hành là điểm khởi hành, điểm đến và điểm tiếp cận hoặc theo phương thức tương đương.
Mực bay (FL) được lựa chọn thử nghiệm là ở mực bay tối ưu (tiết kiệm nhiên liệu nhất), đoạn qua không phận Lào lựa chọn trong dải từ FL240 đến FL280 (thấp hơn so với mực bay thông thường của máy bay Boeing 777). Các thông số khác lựa chọn là thông số tiêu chuẩn.
Sau khi bay thử nghiệm, Vietnam Airlines và VietJet Air sẽ hoàn thiện hồ sơ lập kế hoạch bay và báo cáo kết quả bay SIM, tiến hành phân tích, đánh giá về chi phí, lợi ích của đường bay thẳng và tiến hành so sánh với đường bay hiện đang sử dụng, hoàn thiện báo cáo đánh giá và báo cáo về Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 5/9 tới đây./.