Thanh tra y tế đã công bố nguyên nhân bước đầu của vụ ngộ độc này sau khi tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất bánh mì nói trên. Theo đó, cơ sở này đã hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng kí vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng chưa được gia hạn giấy chứng nhận vì không đáp ứng đủ các yêu cầu vệ sinh. Nguyên nhân gây ngộ độc được cho là có thể trong chà bông gà đã bị nhiễm tụ cầu nên gây ngộ độc hàng loạt cho trẻ ăn vào.
Cùng thời gian trên, một vụ ngộ độc hàng loạt với số lượng lớn khác diễn ra tại một khu công nghiệp ở Đồng Nai. Sau bữa ăn tập thể, hàng trăm công nhân đã nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy…
Có thể nói, không tháng nào không diễn ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước. Phổ biến nhất, có thể thấy từ các bếp ăn tập thể của công nhân, từ các trường mẫu giáo, hoặc bữa ăn sinh viên, từ tiệc thôi nôi, đám cưới… Nghĩa là những bữa ăn được nấu cho nhiều người, khó lòng kiểm soát chất lượng luôn tiềm ẩn những nguy cơ cao thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một thực tế mà hầu như ai cũng biết, đó là hiện nay, trên thị trường, có đến trên 50% thực phẩm được tiêu thụ trong tình trạng không đáng tin cậy. Ai cũng hiểu, tại các xe bánh mì lề đường, những thành phần tạo nên một ổ bánh mì như dăm bông, chả lụa, chà bông, không ít trong số đó chứa hàn the, chứa chất bảo quản hoặc được chế biến trong tình trạng mất vệ sinh, từ một cơ sở sản xuất công nghiệp bỏ mối cho các quận huyện.
Những ly sữa đậu nành, cà phê hè phố có bao nhiêu phần trăm là đậu nành, là café nguyên chất? Rồi lượng tiêu thụ của các hóa chất tạo mùi, tạo màu trong chế biến các món ăn như bún bò, phở, bún riêu rất “khủng”, vậy thì lượng hóa chất ấy sẽ đi về đâu nếu không phải là các quán phở khắp nơi trên địa bàn các thành phố, tỉnh lẻ?
Rồi hàng chục, hàng chục tấn lòng thối, thịt thối các loại được chuyên chở Bắc Nam. Thậm chí, giờ đây, “đội quân” buôn bán các thực phẩm bẩn như heo giả bò được làm từ thịt heo ngâm hóa chất cùng máu bò đang đi tiếp thị tận các quán phở, bún khắp cả nước, điều này đã được xác thực bởi nhiều chủ quán.
Không phải người dùng không biết, không đặt ra câu hỏi trước và sau khi ăn, nhưng nó quá nhiều, quá phổ biến, nhan nhản không biết tránh đi đâu, nên đành “nhắm mắt” tiếp nhận, chấp nhận “sống chung với lũ”.
Những cuộc kiểm tra nhỏ lẻ, những cuộc thanh tra sau khi ngộ độc xảy ra cũng không thể làm cho môi trường trong sạch hơn. Và nếu cơ quan quản lý không thực sự tạo lập nên những quy trình kiểm soát chất lượng thực phẩm một cách sát sao, bài bản thì mọi cuộc kiểm tra cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, và người dân cũng chỉ đành chấp nhận may rủi khi sử dụng thực phẩm, hoặc trông chờ vào lương tâm của người kinh doanh. Trong khi đó, “bài toán” lương tâm có vẻ như đã bị phớt lờ...