Chị Lan, một ô sin 21 tuổi đã có tám tuổi nghề. Mới 13 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình Lan đã phải ra Hà Nội mưu sinh. Tuổi nhỏ, dáng lại gầy gò lúc đầu em được giới thiệu vào bế con cho một gia đình công chức. Gần tám năm qua, Lan vẫn trung thành với nghề ô sin nhưng đã qua ba lần thay chủ: Lần con lớn nhà chủ cho đi học, lần nhà chủ lại quá khắt khe nên em phải đi tìm chủ mới.
Bảo hiểm sẽ ăn vào lương ô sin
Được hỏi về Nghị định mới của Chính phủ, Lan lắc đầu không hề hay biết. Nghe giải thích những cái lợi mà Nghị định đem lại cho bản thân thì Lan chỉ cười trừ và bảo: “Ối giời, Nhà nước cứ ban hành thế chứ chúng em chẳng quan tâm. Dù ô sin có trở thành một nghề được xã hội công nhận đi chăng nữa thì cũng chẳng ai muốn mang “cái mác” này đâu. Không ai muốn gắn bó với cái nghề này cả. Như tụi em chỉ muốn đi làm ít năm, kiếm ít vốn về quê lấy chồng. Chuyện đóng bảo hiểm xã hội với bọn em không thực tế cho lắm”.
Cũng cùng quan điểm với Lan, nhiều ô sin ở khu vực Từ Liêm (Hà Nội) không vui mà còn lo âu với việc được bảo đảm quyền lợi. Chị An chia sẻ: “Ban đầu khi nghe sẽ được đóng bảo hiểm thấy mừng. Nhưng suy đi nghĩ lại, chúng em làm nay đây mai đó, có cố định với một gia đình nhà chủ mãi được đâu mà tham gia bảo hiểm. Có tham gia thì lương của chúng em lại bị chia năm sẻ bảy chứ chủ nhà họ cũng chỉ trả cho tụi em bao nhiêu lương đó thôi”.
“Dễ gì nhà chủ lại bỏ thêm một tháng năm, sáu trăm nghìn để cho chúng tôi đóng bảo hiểm. Mà khi tham gia còn giấy tờ này nọ, ít chữ như chúng tôi, động đến giấy tờ là ngại lắm! Vì thế, tốt nhất là cứ như bây giờ. Chứ đóng bảo hiểm, thể nào quỹ lương của tôi chẳng bị chủ nhà cắt xén ra” - một ô sin chia sẻ.
Mặc dù Nghị định 27 của Chính phủ bảo đảm quyền lợi cho osin sắp có hiệu lực nhưng hầu như các ô sin không hề hay biết. Và khi biết họ cũng tỏ ra thờ ơ vì với họ, bát cơm, manh áo, đồng tiền thực tế hơn.
Họ xem ô sin chỉ là một nghề thời vụ cũng không có nhu cầu đóng bảo hiểm, bởi họ xác định không thể gắn bó với “nghề” cho đến khi được nhận chế độ bảo hiểm xã hội.Thế nên có tham gia đóng bảo hiểm cũng chỉ thêm rắc rối.
Bảo hiểm y tế thì cần, bảo hiểm xã hội còn mờ mịt
Mấy hôm nay bữa cơm tối gia đình nhà bà Liên (Long Biên, Hà Nội) như “nóng” lên với việc làm hợp đồng và đóng bảo hiểm cho người giúp việc. Nhà bà thuê ô sin đã mấy chục năm nay. Người giúp việc hiện tại cũng đã ở với ông bà hơn mười năm.
“Mỗi tháng chúng tôi trả cho người giúp việc 3,5 triệu đồng. Ngày lễ, tết cũng có thưởng đàng hoàng. Hàng năm, gia đình cũng cho đi khám sức khỏe định kỳ. Mọi việc diễn ra rất suôn sẻ. Mặc dù chỉ hợp đồng miệng nhưng hai bên vẫn đảm bảo quyền lợi cho nhau. Nghe có Nghị định mới, chúng tôi cũng muốn thực hiện, nhưng băn khoăn ở chỗ, hợp đồng phải soạn thảo như thế nào?
Việc đóng bảo hiểm nếu theo quy định chúng tôi sẽ đưa tiền cho họ tự đi đóng. Liệu như thế họ có đóng hay không? Vả lại người giúp việc cho gia đình tôi cũng xấp sỉ 50 tuổi rồi. Như thế, tham gia bảo hiểm liệu có giải quyết được vấn đề gì không” - bà Liên phân trần.
Tuy nhiên, những gia chủ muốn đóng bảo hiểm cho người giúp việc như gia đình bà Liên chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn thực tế, hầu hết đều thấy “bất mãn” với Nghị định này.
“Việc đóng bảo hiểm y tế cho người giúp việc tôi thấy còn khả thi, chi phí không quá lớn và khi họ ốm đau cũng đỡ vất vả cho chủ nhà. Còn đóng bảo hiệm xã hội, nhiều nhân viên làm ở công ty lớn còn chưa được đóng, sao tôi lại phải bỏ tiền ra đóng cho ô sin cơ chứ” - một chủ nhà bức xúc.
“Nếu muốn đóng cũng được thôi.Tôi hiện đang trả cho người giúp việc 3 triệu đồng. Số tiền ấy tôi sẽ tách bạch ra từng khoản và trích ra để đóng bảo hiểm. Nhưng như thế ô sin chịu nghe mới là chuyện lạ. Chứ giờ nếu chúng tôi phải bồi thêm mấy trăm cho họ nữa thì thật là quá sức. Lương ô sin cao hơn cả công chức bọn tôi à?” - chị Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.