Những ngày tháng này, những bông hoa “lửa trời” đã làm nên hồn cho phố phường Hải Phòng, phố in đậm trong những sắc hoa. Có một Hải Phòng tràn đầy sức sống mãnh liệt giữa mùa phượng nở....
Mối duyên với Hải Phòng
Khi ánh nắng chói chang của mùa hè chiếu rọi, thì trên khắp các đường phố Hải Phòng như chìm trong một biển lửa màu đỏ, chạy dọc theo các con đường Nhà Hát Lớn, đường Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Lạch Tray, Cầu Đất... đều một màu đỏ rực như nhung của những chùm hoa phượng lung linh khoe sắc, tỏa bóng mát giữa trưa hè, tô thêm vẻ đẹp rực rỡ cho thành phố Cảng.
Hoa phượng có tên tiếng Pháp là Flamboyant. Theo những người lớn tuổi ở Hải Phòng thì hoa phượng được người Pháp mang từ Madagascar đến trồng tại Hải Phòng hơn 100 năm trước. Ban đầu giống cây lá nhỏ hoa thắm sắc ấy được người dân gọi là cây ba-giăng, sau nhìn bông hoa năm cánh có một cánh điểm trắng rất đẹp giống hình chim phượng đang nhảy múa nên hoa mới có tên là “Phượng vĩ”. Do hợp thổ nhưỡng khí hậu nên hoa phượng đã “bén duyên” gắn bó với Hải Phòng trở thành một danh xưng đầy tự hào “Thành phố hoa phượng đỏ”.
Dường như, cây phượng luôn gắn duyên với thành phố, khi mùa hoa nở luôn vào tháng 5, tháng có nhiều sự kiện trọng đại, bắt đầu từ kỷ niệm 46 năm thống nhất đất nước (30/4), tiếp đến là Quốc tế lao động (1/5), kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, 131 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) … nhưng thân thiết hơn với Hải Phòng nhất, chính là Kỷ niệm ngày giải phóng thành phố (13/5). Giữa những dấu ấn lịch sử thiêng liêng ấy, màu hoa đỏ càng thêm cháy bỏng những khát khao, hoài bão cho một TP Cảng “trung dũng, quyết thắng” trên mọi mặt trận...
Từ lâu phượng vĩ được coi là biểu tượng của Hải Phòng. Với màu đỏ thắm tươi, rực rỡ đã thể hiện phần nào tính cách của người dân thành phố Cảng, những con người nơi “đầu sóng, ngọn gió” luôn nồng nhiệt, mạnh mẽ, bộc trực và sôi nổi. Phải chăng vị mặn đậm đà của biển đã ăn sâu vào trong mỗi người dân Hải Phòng nên đi bất cứ nơi đâu giọng nói và tính cách của người Hải Phòng cũng không lẫn được với những người con của miền quê khác.
Dù đi bất cứ nơi đâu thì cái màu đỏ thắm rực rỡ tháng 5 ấy luôn cháy bỏng, da diết trong lòng mỗi người con của Hải Phòng. Biết bao mùa phượng đã qua, phượng lại cháy hết mình hơn, rực rỡ hơn vì Hải Phòng không ngừng đổi mới, phát triển cất cánh bay lên.
Biểu trưng cho Đất và Người xứ Cảng
Trải qua những thăng trầm lịch sử, gắn bó với những buồn vui, nỗi niềm của con người của mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió, loài hoa với những cánh mỏng manh, màu “như lửa cháy khát khao” ấy đã trở thành loài hoa biểu trưng cho hồn đất, hồn người Hải Phòng. Loài hoa ấy cũng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, nhạc họa…của bao nhiêu thế hệ văn nghệ sĩ Hải Phòng. Hoa phượng trở thành một biểu tượng, một nét khác biệt rất riêng cho TP Cảng, là niềm tự hào khi nói “tôi người Hải Phòng”….
Một cây phượng không thể làm nên vẻ đẹp của phượng. Một nhành phượng cũng sẽ rất lẻ loi và yếu ớt, phượng chỉ đẹp và rực rỡ khi ở trên cây với một trời hoa đỏ. Phượng rực rỡ như trong bài hát " Thành phố hoa phượng đỏ" của tác giả Lương Vĩnh:"Tháng năm rợp trời Hoa phượng đỏ, ơi Hải Phòng thành phố quê ta". Câu hát vang lên như bản hùng ca còn mãi với thời gian, đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Hải Phòng.
Tháng Năm, các đường phố ở Hải Phòng đều rợp trời hoa phượng |
Chúng ta tự hào khi nhắc tới loài hoa đã gắn liền với các địa danh như: Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên, những tên đường, tên phố cứ đến độ hè về lại bùng lên những sắc hoa đỏ rực rỡ, lung linh trong bầu trời thành phố quê hương. Phượng được trồng ở rất nhiều nơi: Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội…
Nhưng không có một thành phố nào trên đất nước ta lại có được vẻ đẹp lộng lẫy của hoa phượng như thành phố Hải Phòng. Khí hậu nhiệt đới và vị mặn của biển càng làm cho hoa phượng Hải phòng rực rỡ đỏ thắm. Người dân thành phố cảng thật kiêu hãnh và tự hào khi tuyến đường Phạm Văn Đồng nối nội thành Hải Phòng với khu du lịch Đồ Sơn đã được ghi vào Sách kỷ lục Việt Nam là tuyến đường trồng nhiều phượng nhất Việt Nam với gần 4.000 cây phượng đang cháy hết mình, nồng nàn trong mùa phượng vĩ…
Hình ảnh những thảm phượng cháy rực dưới tiết trời mùa hạ, những ký ức tuổi học trò của biết bao nhiêu thế hệ người Hải Phòng. Hoa là biểu tượng thành phố, và thành phố mang tên một loài hoa “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu” trước cái nắng cái gió và thời gian, nhưng bông hoa càng thêm đỏ. Dù ở bất cứ đâu, biểu tượng “Thành phố hoa phượng đỏ” vẫn mãi khắc ghi, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây, là niềm thương nhớ, khát khao ngày trở về của những người con xa quê...
Tháng 5 đã về, vào dịp Kỷ niệm 66 năm giải phóng Hải Phòng, vì đại dịch toàn cầu Covid-19 mà thành phố lại một lần nữa lỡ hẹn với Lễ hội Hoa Phượng đỏ. Trải qua 8 lần tổ chức Lễ hội Hoa Phượng đỏ, mỗi một mùa hoa là một biểu tượng riêng cho vùng đất của biển, khơi dậy khát vọng của con người Hải Phòng.
Sự kiện TP Hải Phòng tổ chức thành công các mùa lễ hội Hoa Phượng đỏ, đã tạo một tiếng vang lớn trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ và cả nước, khẳng định vị thế đầu tàu, là cực tăng trưởng trọng điểm của cả khu vực như khẳng định Bộ Chính trị tại Nghị quyết 45. Để từ đây, Hải Phòng vững tin đi đến những mục tiêu cao hơn, về quy mô, tầm vóc… đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước.
Những ngày tháng 5 nồng nàn sắc phượng, mỗi bước chân về lao xao cánh phượng rơi, cảm thấy thành phố Cảng thật đáng yêu, thân thương và bình yên đến lạ. Chợt nhớ đến lời bài hát: “Em có về Hải Phòng với anh không?/Đường Hồ Sen phượng cháy trưa hè/ Gốc phượng nào ăm ắp bao kỷ niệm/ Tuổi học trò ngong ngóng đợi tiếng ve?!”…