Tắm biển cùng “vật thể lạ”
Sau chuỗi ngày nghỉ lễ vừa qua, nhiều điểm du lịch ven biển bỗng biến thành bãi rác khổng lồ. Tại bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) lượng khách đổ về tắm biển đông, rất nhiều du khách vô ý thức vứt bỏ bao nilon, vỏ trái cây, bã mía, hạt dưa dọc bãi biển. Rác thải bị sóng biển cuốn ra xa rồi lại đánh dạt vào bờ khiến các bãi tắm trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu.
Nhiều người thất kinh khi thấy bãi biển lẫn trong cát vàng vô số mảnh chai bia, ly thủy tinh mà du khách thường đi chân trần rất dễ giẫm phải. Những mảnh chai lọ này của những người mang bia và thức ăn ra sát bờ biển nhậu buổi tối rồi liệng luôn chai, ly xuống bãi biển.
Ngay cả Di sản và Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long cũng bị du khách vô tư xả rác xuống mặt biển: hộp xốp, thức ăn, lon bia... Nhưng kinh hoàng hơn là vấn nạn ô nhiễm trầm trọng từ chất thải trong cơ thể con người khi tắm biển. Rất nhiều người hoảng hốt khi phát hiện mình đang tắm chung với “vật thể lạ” lềnh phềnh trên mặt biển.
Du lịch nội địa đang thu hút hàng chục triệu người dân mỗi năm. Nhưng ý thức người Việt Nam đi du lịch là điều đáng bàn. Rất nhiều tuyến điểm du lịch đang phải hứng chịu nặng nề tình trạng ô nhiễm môi trường và sự tàn phá của con người.
Hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) là một ví dụ. Rất nhiều du khách đã sờ, cạo thạch nhũ để lấy may khiến hai cột thạch nhũ thiên tạo tuyệt sắc bị thâm đen, sần sùi. Chưa hết, không ít người vô ý thức đã tiểu tiện tại một số góc khuất, khiến cả lòng hang bốc mùi khai, xú uế rất khó chịu.
Có những hang động với hệ thống nhũ đá tuyệt đẹp hình thành từ hàng nghìn năm, vậy mà sau vài mùa đón khách tham quan đã bị rơi, rụng, vỡ nát do các du khách đua nhau lén lấy đá đập để nghe âm thanh hoặc tìm kiếm một mẩu nhũ mang về.
Hoen ố những điểm di tích
Ở nhiều điểm đến tham quan, du lịch khác cũng từng diễn ra các hành vi thiếu văn hóa của những vị khách thiếu ý thức. Ngay cả những nơi linh thiêng như khu tượng đài danh nhân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và di tích văn hóa - lịch sử mang tính biểu tượng, họ cũng không tha khi trèo bám, đánh đu, phô diễn hình thể, thậm chí còn ngồi cả lên đầu rùa Văn Miếu, hôn môi tượng danh nhân, leo lên hiện vật trong bảo tàng để chụp ảnh. Cách đây 6 năm, cả cộng đồng du lịch phản đối những hành động khắc viết lên cột mốc 3143m,Vietkyo viết vẽ lên tượng đài đèo Pha Đin.
Ðiều đáng buồn là số đông trong các vị khách du lịch, tham quan ấy lại là giới trẻ. Các hình ảnh phản cảm được họ hả hê, khoái chí tung khoe trên facebook hoặc các diễn đàn mạng, coi đó như một kỷ niệm của mình trong chuyến đi. Tại nhiều điểm đến đáng lẽ cần được bảo vệ nghiêm ngặt thì sự vô ý thức của một bộ phận du khách cũng hủy hoại và làm hoen ố vẻ đẹp của các di tích, danh thắng bởi những hành vi như dùng dao, dùng bút, than, phấn để khắc hình, ký tên, vẽ nhăng cuội, chi chít trên di tích.
Người dân địa phương vô cùng bực tức khi du khách thản nhiên vui đùa, giẫm đạp lên những ruộng hoa màu của họ, đạp hoa cải trắng ở Mộc Châu hay hoa tam giác mạch ở Hà Giang. Cứ thấy địa điểm đẹp là du khách dừng chân chụp ảnh. Rồi mấy cô túm năm tụm ba chen vào cánh đồng hoa, ruộng lúa bậc thang đang mùa chín, không ngại giẫm nát cây hoa hay vô tư ngắt bông lúa để tạo dáng mà không nghĩ rằng chính họ đang hủy hoại tài sản của đồng bào dân tộc thiểu số vốn nghèo khó nơi đây.
Dường như để làm thỏa mãn thú vui của bản thân, nhiều du khách đã làm hại cảnh quan xung quanh, dù họ thừa hiểu những việc làm đó chính là hành động giết hại “con gà đẻ trứng vàng” của người dân bản địa. Hoa cỏ có thể trồng lại được nhưng việc Vịnh Hạ Long bị ô nhiễm vì rác thải, các di tích bị làm cho biến dạng... thì có bỏ ra vô số tiền bạc, công sức cũng khó cứu vãn.
Tình trạng buông lỏng quản lý, chỉ quan tâm thu lợi nhuận, không có sự đầu tư trở lại, cùng với sự vô ý thức của một bộ phận du khách, đã tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, hủy hoại cảnh quan thiên nhiên và các di sản văn hóa.
Nếu không có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của du khách trong việc bảo vệ, giữ gìn các khu di tích văn hóa, danh lam, thắng cảnh sẽ dẫn đến những “thảm họa”. Hậu quả của nó không chỉ đong đếm bằng tiền mà còn bởi những thiệt hại không thể bù đắp khi mất đi các giá trị vật thể và tinh thần vô giá về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử được hình thành và lưu giữ qua hàng nghìn năm.
Sự nhân nhượng, cho qua các hành vi hủy hoại di sản, phản văn hóa đồng nghĩa với việc tiếp tay, tạo ra một hiệu ứng lan tỏa tiêu cực, coi thường pháp luật.
Các cơ quan chức năng và cá nhân đã có một số hoạt động nhằm nâng cao ý thức người dân khi đi du lịch. Trong đó có cuộc thi Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu và Tổng cục Du lịch Việt Nam thực hiện. Cuộc thi hướng đến nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về bảo vệ môi trường và xã hội; sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững, giảm chất thải và hạn chế tiêu thụ quá mức các tài nguyên làm lợi cho cộng đồng và phát triển kinh tế, xã hội.
Ngoài ra, một số bạn trẻ còn lập ra dự án “Đi ý thức”. “Đi ý thức” với thông điệp: “Khi đến một nơi nào đó, chúng ta đừng chỉ quan tâm đến việc chụp ảnh. Hãy để ý tới cách ứng xử với bạn đồng hành, người dân bản địa, văn hóa địa phương, với thiên nhiên, phong cảnh nơi bạn đến hay đó là trách nhiệm của bạn đối với chính bản thân mình. Chỉ cần một chút quan tâm, chuyến đi của mỗi người sẽ thêm ý nghĩa”.
Tuy nhiên, câu chuyện du khách thiếu ý thức trong du lịch vẫn luôn là một vấn đề nan giải chưa có hướng giải quyết. Trong lúc ngành chức năng đang nghiên cứu xử phạt, những tuyến điểm du lịch đang từng ngày, từng giờ đối mặt với “thảm họa” mang tên… “vô ý thức” của du khách Việt.