21,6 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam năm 2013
Năm 2013 có thể coi là một năm thành công trong thu hút vốn FDI, bởi số liệu tính đến giữa tháng 12 đã có 21,6 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, có 14,3 tỷ USD của 1.275 dự án cấp mới, tăng 70,5% và 7,3 tỷ USD vốn tăng thêm của 472 lượt dự án, tăng 30,8%. Theo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vốn FDI thực hiện cũng ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012.
Phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, động lực cơ bản khiến kết quả thu hút và giải ngân vốn FDI năm 2013 vượt mục tiêu đề ra đến từ một số dự án lớn được cấp phép trong năm, như dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (điều chỉnh tăng vốn thêm 2,8 tỷ USD); dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 (tổng vốn 2,018 tỷ USD); dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD)... “Sức hấp dẫn của điểm đến đầu tư Việt Nam vẫn tiếp tục được khẳng định. Năm qua, Việt Nam cũng đã rất nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” - ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.
Khu vực FDI không chỉ ghi dấu bằng lượng vốn hồi phục sau mấy năm suy giảm mà còn đóng góp vào xuất khẩu với kết quả cao, lên tới 132,2 tỷ USD.
“Chọn mặt gửi vàng”
Vẫn trải thảm đỏ để thu hút FDI nhưng chúng ta đã tiến hành “chọn lọc” kỹ hơn để nhận về nguồn FDI bền vững. Ví như, trong lĩnh vực đầu tư sân golf, giữa năm 2013, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, Bộ đã loại 76 sân, thu hồi trên 15.600ha đất các loại so với trước khi có quy hoạch. Bộ đã chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành liên quan tiến hành việc rà soát, kiểm tra để bảo đảm chắc chắn các dự án sân golf chỉ được cấp phép khi không có diện tích đất lúa, kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp.
Theo đó, chỉ được xây dựng sân tại các vùng đất cát ven biển, đất đồi núi trọc, đất hoang hóa; tuyệt đối không được sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị và không được sử dụng đất đã cấp cho xây dựng sân golf xây nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng. Được biết, theo quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định 1946/QĐ-TTg, cả nước có 90 sân golf, nằm trên 34/63 tỉnh, thành phố.
Còn nhớ đầu năm 2013, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất thu hồi và dừng triển khai 30 - 40% số dự án bất động sản, nhưng đến nay số dự án mà các địa phương kiến nghị thu hồi chỉ chiếm 1% trên tổng số dự án được rà soát. Đơn cử tại Hà Nội, từ năm 2009 đến năm 2013, Đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với 936 dự án. Theo đó, TP.Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi đối với 47 dự án, với diện tích 1.795ha; riêng năm 2013 có 13 dự án bị thu hồi, diện tích thu gần 970ha.
Thực tế, không hiếm các chủ dự án xin đất làm sân golf và khu công nghiệp, hoàn chỉnh giấy tờ xong rồi... để đấy, cỏ mọc um tùm khiến cho không ít mảnh đất... chỉ để chăn bò.