Mô hình tăng trưởng đang phát huy tác dụng?
Năm 2014 khép lại với những tín hiệu ấm lên của nền kinh tế: Tăng trưởng GDP cao hơn năm 2013; ổn định và kiềm chế được lạm phát, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng nhanh, sản xuất công nghiệp phục hồi, sản lượng nông nghiệp tăng…
“Liệu những tín hiệu đó có phải là do thành tích, kết quả của việc tái cơ cấu (TCC) kinh tế không? Có phải là do chúng ta đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng không?”- TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đặt vấn đề.
Theo ông, những tín hiệu tốt lên của nền kinh tế trong năm 2014 chủ yếu là do các biện pháp xử lý tình huống như: giãn, giảm thuế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông nghiệp; do đầu tư FDI mà chủ yếu là của một số tập đoàn lớn đang gia công, lắp ráp tại Việt Nam… chứ hoàn toàn không phải do kết quả TCC nền kinh tế, càng không phải do chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
“Việc viện dẫn tín hiệu ấm lên của nền kinh tế là do kết quả TCC chẳng qua để ngụy biện cho sự yếu kém trong việc triển khai chủ trương lớn của Đại hội Đảng và chứng tỏ các bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ vẫn chưa có gì thay đổi trong hành xử đối với tình hình đất nước…”, ông Ân thẳng thắn.
Có cái gì vướng bên trong…
Đó là cảm nhận của nhiều chuyên gia khi đề cập đến công cuộc TCC kinh tế nước nhà. Theo GS Nguyễn Quang Thái, khi ban hành Nghị quyết, những người đọc để quán triệt đã nhận thấy còn nhiều khó khăn, không phải chỉ vì câu chữ viết còn chung chung, quá khái quát mà còn vì “có cái gì đó vướng bên trong, chưa tháo cởi ra được...”. Thậm chí, ba đột phá chiến lược quan trọng là vậy mà trong Nghị quyết XI cũng chỉ ghi trong ba dòng(!?).
“Rõ ràng, sự nghiệp TCC kinh tế không chỉ là chuyện tăng hay giảm sản phẩm này khác, để hay bỏ dự án này khác mà cần có cái nhìn hệ thống, tạo ra cách làm ăn mới, có năng suất, chất lượng, thích hợp với giai đoạn mới. Và như vậy, nó đụng đến thói quen, tư duy cũ và đụng đến cả lợi ích cục bộ, địa phương nơi này, nơi khác…”- ông Thái phân tích.
Vị chuyên gia này dẫn chứng: Trong lĩnh vực đầu tư công, theo Chỉ thị 1792 phải đình, hoãn, dãn, thậm chí bãi bỏ một số dự án rất cần thiết đã lên kế hoạch nhưng thực tế khi đình một dự án, thường không bố trí vốn để “đóng” dự án, gây lãng phí, thất thoát thêm. Đôi khi, có địa phương bằng cách này hay cách khác “xin” được thêm kinh phí, mở thêm dự án nhờ các ngày nọ, lễ kia…(?). Vốn còn “dư” một chút do cắt, hoãn, dãn… lại tiếp tục chi cho công trình mới nên nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn xử lý chậm.
Một số địa phương không thể cân đối vốn thì “liên kết” để làm thêm dự án quy mô lớn đi qua địa phương mình. Dù đã có đường cao tốc nhưng lại muốn đầu tư tiếp nâng cấp đường bộ 1A đi song song, làm căng thẳng cân đối… “Đó cũng là tâm lý ham tăng trưởng bằng mọi giá, và thực chất là chưa muốn “tái” cơ cấu, vẫn muốn tăng trưởng bằng mọi giá...” - ông Thái phát biểu.
Phân tích thực trạng này, ông Thái cho rằng dường như các điều chỉnh ở các địa phương là do… thiếu tiền cân đối từ ngân sách, không phải do chủ động điều chỉnh cho hiệu quả. “Với toàn bộ nền kinh tế, đã phải cho phép phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, làm cho số tiền đầu tư công đã chiếm đến 40% và hơn thế trong tổng đầu tư toàn xã hội, tuy đã giảm đi một vài năm, nay lại tăng lên cả quy mô và cơ cấu. Đúng là cần, nhưng đã tổng thể chưa?”- ông Thái gợi mở.
Vị chuyên gia lão làng này thẳng thắn cho rằng, xử lý vấn đề này chậm trước hết là rào cản tâm lý, là tư duy cũ … chưa muốn điều chỉnh lớn.
Đối với TCC doanh nghiệp nhà nước, vì lợi ích cục bộ mà không ít bộ, ngành, địa phương đã giữ lại quá nhiều cái không cần giữ, như Bộ Văn hóa còn giữ lại nhà xuất bản mà số vốn chỉ khoảng 100 triệu đồng, Bộ Tài chính muốn có công ty xổ số điện toán của mình, còn các địa phương rất muốn giữ công ty xổ số riêng của từng tỉnh… Khi cổ phần hóa, tiếng là thu hút nguồn lực bên ngoài vào nhưng thực tế tỷ lệ đa sở hữu rất thấp, mà vẫn có cổ phần chi phối của Nhà nước. “Cái đó không còn là tâm lý mà là lợi ích. Có lẽ ai cũng thấy, nhưng ngại nói, sợ…. đụng chạm quan điểm…”- ông Thái thẳng thắn.
“Những thành công bước đầu cũng như những hạn chế, vướng mắc trong TCC kinh tế mấy năm vừa qua làm nổi rõ thêm một vấn đề, đó là TCC gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải dựa trên đổi mới tư duy – quan điểm phát triển. Nói một cách khác, TCC không thể không bắt đầu từ đổi mới tư duy và quan điểm phát triển…”- TS Lưu Bích Hồ đề nghị.