Giá bán lẻ các vùng khác nhau
Thông tư 08 quy định, các thương nhân sản xuất nhập khẩu sữa phải đăng ký giá bán lẻ khuyến nghị và thông báo giá này đến toàn bộ hệ thống phân phối của mình. Mức giá bán lẻ của các thương nhân phải được niêm yết và không được vượt quá mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký. Thông tư cũng quy định thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa có thể thực hiện đăng ký các mức bán lẻ khuyến nghị phù hợp với từng khu vực địa lý nhất định.
Theo ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Thông tư 08 đã ưu việt hơn hẳn so với Thông tư 07 trước đây (quy định giá bán buôn và hệ thống phân phối không được đưa ra chênh lệch giá bán quá 15% so với giá bán buôn đã đăng ký). Ông Nguyễn Lộc An khẳng định, Thông tư 08 này đảm bảo giá cả đến tay người tiêu dùng chuẩn xác nhất và là cơ sở chính xác nhất để quản lý giá sữa, bất chấp việc các doanh nghiệp sữa phải thông qua bao nhiêu khâu trung gian phân phối mới đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa cho rằng, Thông tư 08 quy định khi có biến động giá dưới 5% so với giá kê khai đã đăng ký, các doanh nghiệp sẽ không phải tiến hành đăng ký lại cũng là một ưu điểm, là hình thức trao quyền chủ động cho các doanh nghiệp, đảm bảo các doanh nghiệp làm ăn có lãi và nộp thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định, Bộ Công Thương sẽ chỉ quản lý đăng ký kê khai và niêm yết giá đối với các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu lớn, có thể gây tác động lớn đến giá cả thị trường sữa trong nước. Hiện nay, có 7 công ty, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký kê khai giá với Bộ, các doanh nghiệp còn lại sẽ đăng ký với Sở Công Thương các tỉnh.
Một đại diện của Hội Bảo vệ người tiêu dùng chia sẻ, Thông tư 08 đã có nhiều điểm rạch ròi hơn nhưng vì yêu cầu kê khai giá cuối cùng nên doanh nghiệp sẽ đăng ký với Bộ Công Thương giá sẽ bán tại vùng sâu, vùng xa nhất, trong khi thực tế, có thể doanh nghiệp mới chỉ phân phối đến khu vực trung du miền núi. Đây là vấn đề cần phải đề cập rõ ràng để tránh trường hợp các doanh nghiệp lợi dụng kê khai giá bán lẻ ở điểm xa nhất nhưng vẫn bán ở các khu vực nội thành các thành phố lớn.
Nhiều đầu mối cung cấp danh mục sản phẩm phải quản lý giá
Trước đây, danh mục quản lý giá chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nhưng Nghị định 179 đã đưa thêm danh mục sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) cũng cần phải quản lý về giá nên các Bộ Công Thương, Tài chính, Y tế đã phải bàn bạc rất nhiều.
Hiện nay, TPCN theo quy định có 3 nhóm, gồm: thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thực phẩm bổ sung được hiểu sản phẩm được sản xuất trên cơ sở một thành phần tự nhiên, có bổ sung vi chất. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe lại chỉ cần có các vi chất, không quy định cần phải có thành phần tự nhiên.
“Vì có nhiều khái niệm như thế nên chúng tôi thống nhất chỉ đưa những sản phẩm dinh dưỡng phục vụ trẻ nhỏ, trong đó có sữa hoặc không có sữa nhưng có thành phần đáp ứng nhu cầu phát triển thể chất của trẻ nhỏ là thuộc danh mục phải quản lý giá. Trong nhóm thực phẩm bổ sung cũng chỉ nhắm vào sản phẩm dinh dưỡng là chính”, đại diện Bộ Y tế thông tin.
Đại diện Bộ này cũng cho biết thêm, danh mục các sản phẩm sữa và TPCN cần kê khai đăng ký và niêm yết giá sẽ được công bố trong thời gian tới. Và nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ bị loại ra khỏi danh mục. Tuy nhiên, có một vướng mắc đối với Bộ Y tế, là theo phân bố chức năng, Bộ Y tế chỉ công bố hợp quy các sản phẩm có bổ sung dinh dưỡng, từ đấy mới chuyển các sản phẩm này sang Bộ Công Thương để quản lý về giá.
Còn các sản phẩm thuần về sữa sẽ do các cơ quan chức năng địa phương công bố. Do đó, Bộ Y tế cũng không thể cung cấp tất cả các danh mục sản phẩm phải quản lý giá cho Bộ Công Thương được. Như vậy, có thể thấy, các cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm các địa phương sẽ phải có trách nhiệm báo cáo Sở Công Thương về các sản phẩm thuần sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi để Sở tổng hợp, đưa danh mục cần phải kê khai đăng ký về Bộ Công Thương.