Loanh quanh với cái khổ
Lòng tôi đã nghẹn lại khi đến hai xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương) - khu vực TĐC chủ yếu của người dân 6 xã thuộc địa bàn huyện Tương Dương. Nhiều căn nhà bị bỏ hoang, nhiều ngôi nhà tốc mái. Thi thoảng mới gặp một người dân dật dờ trong cảnh đói nghèo. Vì sao lại có nghịch lý này?
Ông Vi Văn Phúc, một lão nông 70 tuổi cho biết: “Chúng tôi đã được vận động ra đi. Nay đến đây muốn làm mà thiếu ruộng. Đi làm thuê thì chẳng ai cần. Có đào đất lên ăn dần thì cũng chỉ vài năm là hết...”.
Còn anh Lương Huy (32 tuổi) thì nghẹn ngào: “Chúng tôi đi, được hỗ trợ hai triệu chuyển, vài chục triệu làm nhà. Đối chiếu tờ rơi (biên bản quy định đền bù, hỗ trợ - PV), có thấy đúng đâu. Nói và thuyết phục chúng tôi nhiều, chúng tui đi. Vậy mà nói với làm khác nhau quá!”.
Trở lại lòng hồ sau khi vượt 100km, nơi công trình thủy điện đang hòa vào lưới điện quốc gia. Từ bến Thượng Lưu, thuê thuyền đi vào xã Hữu Khuông mất gần hai giờ đồng hồ. Tiếng động cơ khiến không gian bớt cô quạnh. Ngay bên mép nước có những túp lều nhỏ liêu xiêu, là nơi trú ngụ của dân địa phương đã bỏ khu TĐC Thanh Chương về sống bằng nghề chài lưới, trồng ngô.
Theo tìm hiểu, có hàng trăm hộ dân đã bỏ về nương tựa trong khu vực lòng hồ, trong đó nhiều nhất là bản Kim Hồng, với 52 hộ đã bán hết nhà cửa nơi TĐC. Suốt mấy năm trời sống bấp bênh, cái khổ vẫn chưa buông tha họ.
Già làng Lò Văn Quyết cho rằng: “Từ năm 2009 theo sự vận động của cán bộ, hơn 100 hộ bản Kim Hồng đã về khu TĐC, nhưng điều kiện không đủ sống nên năm 2011 đã bỏ về quê cũ. Tôi có ba con, đã dựng vợ, gả chồng. Tất cả cùng về một lượt. Chúng tui sống nghèo nhưng ổn định, ra đi tưởng tốt, vậy mà càng nghèo hơn! Giờ về quê, chỉ đánh cá, chăn nuôi và trồng sắn”.
Xác nhận về nỗi cùng cực của người dân, ông Vi Tân Hợi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương tỏ ra sốt ruột: “Thực tế nơi ở mới chưa đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân, việc cấp đất sản xuất cho bà con quá chậm và thiếu, hệ thống nước sinh hoạt không đảm bảo, nhà ở cũng không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với tập quán của đồng bào, và nay đã xuống cấp.
Việc hàng trăm hộ dân trở lại làm ăn, sinh sống trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội, quản lý, bảo vệ rừng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực lòng hồ. Huyện Tương Dương đã tổ chức nhiều đoàn công tác, nhiều lần đi tận những nơi bà con cư trú để vận động, thuyết phục bà con trở về khu TĐC nhưng không có kết quả. Nhiều lần phát hiện có đoàn công tác của huyện đến bà con trốn vào trong rừng sâu, không hợp tác”.
Vì sao khu vực TĐC dường như lại trở thành nỗi ám ảnh với người dân, khiến họ sợ hãi đến vậy? Có người nói vì dân không hòa nhập được điều kiện sống mới, người khác bảo một số hộ dân ỷ lại, chờ đợi chính sách. Còn người dân lên tiếng: “Khổ quá chúng tôi mới phải bỏ về, chứ có điều kiện một chút thì không đến nỗi phải đến bước đường cùng này”. Hai vợ chồng ông Lê Văn Nghệ, bà Chu Thị Huệ mới bìu ríu đàn con về bản Kim Hồng khóc: “Bây giờ dân chúng tôi chỉ còn biết đi bới rừng, đi mò dưới lòng hồ mà sống!”.
Cảnh sống nheo nhóc trên lòng hồ Bản Vẽ |
Hỏi về những việc làm thiết thực để giúp đỡ bà con đã di cư về lòng hồ, cán bộ huyện Tương Dương hay xã Hữu Khuông đều kêu khó. Ngay cả Hữu Khuông, địa phương nhường đất cho công trình thủy điện thì đến nay vẫn không có điện, không có đường, nói gì đến những chuyện khác.
Tìm hiểu tại các xã có cư dân bỏ về, đã tổ chức vận động bà con quay lại, nhưng không dám “mạnh tay” đẩy, đuổi bởi đa số người dân là họ hàng, quen mặt, sống tình nghĩa với nhau đã nhiều năm. Một bên là công việc chung, bên là tình làng nghĩa xóm và máu mủ nên cán bộ xã chỉ còn biết kiến nghị lên cấp cao và chờ đợi.
Lời anh Lô Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông là sự chia sẻ chung nỗi xót xa của nhiều cán bộ vùng núi khó khăn này: “Thấy bà con đói mà quay về, tội lắm. Nhưng quay về thì không được hưởng bất kỳ sự hỗ trợ nào. Năm 2011, gia đình chú họ của tôi quay về, ai cũng gầy tong teo. Cán bộ đến thì hầu như ai cũng khóc, xin đừng bắt họ về Thanh Chương!”.
Kết nối những thông tin, chúng tôi được biết, để xảy ra những nghịch lý đau lòng trên, cùng với thảm cảnh nghèo hóa vì thủy điện là ngay từ khâu TĐC, sắp xếp lại đời sống cư dân phục vụ công trình thủy điện Bản Vẽ tồn tại quá nhiều bất cập. Trước tiên, việc khảo sát, chuẩn bị cơ sở vật chất chưa đến nơi đến chốn, chưa chuẩn bị đủ đất sản xuất cho dân.
Là người am hiểu đời sống nhân dân, ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chỉ ra: “Ban đầu, chủ đầu tư xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng không trưng cầu ý dân; nhà đầu tư chỉ muốn nhanh đưa dân ra khởi lòng hồ chứ chưa thực sự quan tâm đến hậu di dân. Thêm một bức bối khác là các công trình như nhà ở, nhà văn hóa, trường học phải bảo đảm thì chất lượng thấp đã mau chóng xuống cấp, hệ thống nước thiếu; điều kiện sống, sinh hoạt không phù hợp với tập quán”.
Công bằng mà nói, người dân hy sinh cho thủy điện thì họ phải được bồi thường để cơ bản ổn định cuộc sống mới. Nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng ngay cả quyền có đất sản xuất cũng không trọn vẹn. Nhiều cán bộ xã, huyện thông cảm và thấu hiểu hoàn cảnh bà con, nhưng đó là vấn đề quá sức với họ. Nhiều đoàn công tác đã đi tận những nơi bà con cư trú thuyết phục họ trở về khu TĐC nhưng chẳng kết quả. Mỗi lần thấy cán bộ, bà con thường trốn vào trong rừng sâu, không hợp tác.
Ông Quàng Văn Đặng, Chánh Văn phòng UBND huyện Tương Dương trải lòng: “Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên tỉnh, nhưng chưa giải quyết được. Nhìn dân khổ, chúng tôi cũng không yên! Điều đáng nói là, phía địa phương, trong khâu tuyên truyền chưa dám nói thật với nhân dân về những khó khăn trước mắt mà chỉ đưa ra viễn cảnh “nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ”, mà sự thực tế thì không được như vậy”!
Xử lý dứt điểm hậu tái định cư
Trước nỗi khổ của người dân, không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị đầu tư, ở đây là Ban Quản lý (BQL) Dự án Thủy điện 2 (Tổng Công ty Phát điện 1) và cấp cao hơn là tỉnh Nghệ An. Làm sao trong thời gian sớm nhất có thể, rốt ráo thực hiện các biện pháp ổn định đời sống người dân TĐC.
Trước vấn đề này, đại diện BQL Dự án Thủy điện 2 cho biết, tổng diện tích ruộng nước đã được thực hiện xong và phối hợp với UBND huyện Thanh Chương thu hồi 1779 héc-ta đất lâm nghiệp của nông trường Thanh Chương, tiếp tục chia cho người dân. Tuy nhiên, việc này cũng gặp nhiều khó khăn, vì quỹ đất đã được giao khoán.
Về phía Nghệ An, trách nhiệm của UBND tỉnh là không kịp thời, chưa kiên quyết xử lý khi chủ đầu tư không thực hiện các hạng mục như cam kết. Đó là lời phát biểu của đại biểu Lữ Kim Duyên, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào ngày 15/7/2014, liên quan đến việc TĐC của Dự án Thủy điện Bản Vẽ. Cũng như đại biểu Kim Duyên, nhiều đại biểu khác chất vấn, vì sao vấn đề khó khăn của bà con TĐC chưa được giải quyết?
Việc này đã được cử tri kiến nghị nhiều lần, có cả ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội, nhiều đoàn giám sát đã đi kiểm tra thực tế, nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Vấn đề quan trọng nhất là sinh kế của người dân chưa được quan tâm, đất đai để sản xuất chưa được giao đủ.
Trả lời chất vấn, ông Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, công tác hậu TĐC phức tạp, khó khăn chẳng riêng ở dự án nào. Ông cũng hứa tỉnh sẽ riết ráo thực hiện, làm tốt công tác an sinh xã hội, đồng thời nêu lên những nhiệm vụ giải quyết những khó khăn của người dân.
Đời sống người dân tiếp tục được quan tâm khi Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã khảo sát việc thực hiện lời hứa sau chất vấn của UBND tỉnh về giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, người dân vùng lòng hồ thủy điện TĐC về Thanh Chương. Ông Moong Văn Hợi, Trưởng ban Dân tộc đưa ra nhiều kiến nghị đối với các cơ quan chức năng. Chính việc ổn định cho những người đang lao động sản xuất ở vùng TĐC, sẽ là cơ sở để vận động những người bỏ về quay trở lại.
Hy vọng rằng, cùng với những lời hứa là những việc làm thiết thực để xoa dịu nỗi khổ đói kém, nỗi đau bệnh tật, thất học của cư dân. Đừng chỉ dừng ở những báo cáo, kiến nghị trên giấy. Gấp lắm rồi, những ánh mắt vừa buồn vừa đáng thương của hàng trăm hộ dân đang lên tiếng!