Cuộc sống ở nơi không giấy tờ tùy thân

Nhiều đứa trẻ sinh ra không có giấy tờ tùy thân
Nhiều đứa trẻ sinh ra không có giấy tờ tùy thân
(PLO) - Dẫu đã được thành lập gần chục năm nay nhưng cả thôn Bình Lợi (xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) với hơn 300 hộ dân, gần 1.000 nhân khẩu lại không một ai có các loại giấy tờ tùy thân như giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… khiến cho vùng đất không điện – đường – trường – trạm này vốn đã khốn khổ lại thêm khó khăn đủ bề. Vì sao có nghịch lý này?
Vỡ núi lập làng từ hoang sơ
Con đường độc đạo dài gần 30km nối từ thị trấn Ea Súp và thôn Bình Lợi phải đi mất gần 2 tiếng đồng hồ trong cảnh bụi bay mù mịt. Trưởng thôn Bình Lợi, bà Bàn Thị Kỳ vừa dẫn đường vừa tâm sự: “Chúng tôi vào đây gần 20 năm rồi, từ khi rừng núi còn hoang vu lắm. Đây có lẽ là con đường khốn khổ nhất ở xứ này, ngày nắng dẫu bụi bám cho vàng mặt, mờ mắt nhưng còn đi được, ngày mưa chỉ có nước cuốc bộ. Nhiều lần có người trong thôn bị bệnh, gọi xe cấp cứu nhưng đường khó đi, chẳng có ai chịu vào cả, có người chết oan”. 
Đi được một quãng dài, xe bà Kỳ bỗng nhiên ngã nhào vì vấp hố voi, bà bảo ở đây cảnh tượng này chẳng hiếm. Sau khi băng lại vết thương, tôi và bà Kỳ lại tiếp tục đi, trời chiều xế bóng, thôn Bình Lợi dần hiện ra với những ngôi nhà tranh lụp xụp, nhỏ nhoi như những dấu chấm lặng buồn giữa đại ngàn hoang vu. 
Lâu lắm mới thấy khách lạ, ông Sùng Nam thổ lộ ngay: “Thôn được chính quyền oang oang đọc quyết định thành lập đấy, lâu rồi, nhưng cuộc sống ở đây chẳng khác thời hoang sơ là mấy. Ngày chúng tôi vào đây, cọp còn nhiều lắm, suốt ngày cứ ra dọa người nên dân làng phải thay nhau thức trắng để canh, không thì nó nuốt chửng người như chơi. Có lần chúng tôi còn dựng hàng trăm hình nộn giả quanh các đống lửa giữa làng, chúng tưởng người thật nên lầm lũi bỏ đi đấy”.
Trong ký ức những người dân, sau mấy chục năm đổ sức lao động trên những quả đồi hoang để vỡ vạc, hàng ngàn người dân di cư từ miền núi phía Bắc vào được chính quyền huyện Ea Súp cho phép thành lập thôn Bình Lợi. Tên thôn do chính những người “chân lội nương, tay cuốc rẫy” đề xuất. “Bình” - nghĩa là cuộc sống thanh bình, êm ả; “Lợi”- nghĩa là lợi lộc sẽ đơm hoa kết trái trên những ruộng rẫy gập ghềnh, cằn khô. 
Họ ước, rồi từ đây cuộc sống của mình sẽ hòa nhập với sự văn minh phố phường. Thế nhưng, giấc mơ này đến giờ vẫn là thứ quá xa xỉ khi những người dân nơi đây mỗi lần ra phố, tâm trí lại phồng căng sự hoang mang với câu hỏi mình có phải là người hợp pháp?
Cuộc sống nghèo khổ nơi đất khó
Cuộc sống nghèo khổ nơi đất khó 
Nỗi lo người hoang
Do chẳng có một loại giấy tờ tùy thân nào nên những người dân thôn Bình Lợi suốt ngày chỉ biết ru rú trong làng. Mỗi lần ra phố thị hay đi xa với họ là một nỗi lo lắng, bồn chồn. Nhớ lại lần lang thang khắp Buôn Ma Thuột rồi ngủ vạ vật qua đêm dưới gốc cây trong công viên, Vừ Đức Tính lắc đầu ngao ngán: “Có mỗi thằng bạn thân nhất, làm tài xế xe bus ở Buôn Ma Thuột cưới vợ nên tôi đi. Đường xa quá, phải ở lại qua đêm. Phòng trọ của vợ chồng bạn chật hẹp, đêm động phòng, ở chung thì không được mà đi tìm khách sạn nào họ cũng đòi chứng minh thư hoặc giấy phép lái xe. 
Tôi trình bày, họ chẳng tin. 23 giờ khuya, tìm đến khách sạn thứ 6 họ còn cho bảo vệ lùa đuổi và chửi: “Chỉ có đám gian manh, vớ vẩn mới không có thứ giấy tờ gì, còn bày đặt bịa ra chuyện cả thôn không có giấy tờ nữa à”. Đêm đó, nằm dưới gốc cây, sương lạnh thấu da, chỉ mong trời nhanh sáng để bắt xe bus về nhà. Từ đó trở đi, tôi chẳng dám đi đâu ra khỏi cái làng heo hút này cả”. 
Không riêng gì Tính mà nhiều người khác ở Bình Lợi cũng gặp cảnh khốn khổ như vậy. Ngay cả Trưởng thôn Kỳ cũng phải thốt lên rằng: “Nhiều khi mình bị xúc phạm ghê gớm vì những thứ không đâu nhưng cũng phải cắn răng chịu vì có giải thích cũng chẳng ai tin. Có lần tôi đi xin tiền hỗ trợ dầu thắp sáng cho thôn, phải ở lại, năn nỉ mãi khách sạn cho ở thì giữa đêm lại có công an đến kiểm tra. Họ cứ nhìn tôi và bảo chỉ có người lậu mới không có giấy tờ. Câu nói này cứ ám ảnh tôi mãi. Từ đó, đi đâu tối khuya hay muộn đến mấy mà không có người thân cũng phải tìm cách bò về nhà bằng được, có lần trời mưa lầy lội phải đi bộ xuyên đêm từ thị trấn về nhà. Cực khổ đến thế là cùng”. 
Bị lỡ đợt tuyển dụng lao động đi làm công trình xây dựng ở Khánh Hòa, đến giờ, Sùng A Túc vẫn còn tiếc thẫn thờ. Túc kể: “Bữa đó ở khách sạn, ông chủ khách sạn bảo nếu có công an đến kiểm tra đột xuất, phải tự chịu trách nhiệm về khoản không giấy tờ. Thế là đêm đó, cứ nơm nớp lo, không tài nào chợp mắt được. Sáng mai, mệt lả, ngủ gục nên không đến để phỏng vấn kịp, họ không tuyển mình nữa. Đau quá”. 
Không có giấy tờ tùy thân còn khiến người dân rơi vào biết bao cảnh huống dở khóc dở cười khác, như chuyện đăng ký kết hôn. Ở thôn Bình Lợi, đây là ước mơ đeo đẳng mấy chục năm nay. Có người đã có 4 đứa con vẫn mong mỏi một ngày được treo tờ đăng ký kết hôn ngay giữa nhà mình. Do không có cơ sở pháp luật nào công nhận họ là vợ chồng nên người phụ nữ thường bị thiệt thòi nhất. 
A Rúa, một cô gái tâm sự: “Nhiều cặp đã bỏ nhau rồi, chẳng ai ngăn được. Cái thời cổ kim thích thì cưới nhau là chuyện thường, giờ thế kỷ XXI rồi mà muốn cưới nhau chỉ được cam kết bằng miệng”. Hỏi chuyện, Rúa mới tâm sự rằng: “Khổ lắm anh. Ở cái xứ này con gái nhiều khi bẽ bàng lắm. Mấy năm trước em yêu và lấy một người ở phố vào đây làm ăn. Họ cũng ngọt ngào và hứa hẹn sẽ lấy em và yêu em mãi, giống như trai làng ấy. Cưới xong một thời gian, anh ấy về Buôn Ma Thuột mất. Em lên đó tìm thì anh ấy xem như người dưng và bảo nếu vợ chồng thì sao không có đăng ký kết hôn? Em đành ngậm ngùi đi về”.
Mỗi câu chuyện ở Bình Lợi đều như một cuốn phim buồn khiến người chứng kiến phải buốt nhói. Nhiều người dân đều có chung một tâm sự rằng: Mấy chục năm nay rồi cứ sống trong tăm tối và lẻ loi giữa đại ngàn. Đường bụi, gồ ghề nên người lớn không dám ra ngoài đã đành, tụi trẻ con có chuyện ra ngoài cũng bị người ta gọi là “người rừng”. Mới năm ngoài, nóng quá có đứa lên cơn co giật, đường lầy lội, lại không có điện thoại gọi xe cấp cứu nên chỉ biết cầu trời cho đỡ bệnh để… tìm cách!?”. 
Qua câu chuyện của Trưởng thôn Bàn Thị Kỳ, người dân ở đây quanh năm làm chỉ đủ ăn. Không có điện, người dân phải dùng đèn dầu thắp sáng, họ gần như bị cô lập và mù tịt thông tin bên ngoài. Mù chữ, người dân vô tư đẻ cho “hết chắc, hết lép”. Nhiều phụ nữ ở thôn chưa thấy cái ti vi bao giờ, họ thường lấy chồng từ năm 16, 17 tuổi và chỉ biết mỗi việc lên rẫy và đẻ. 
Chiều muộn buông xuống cũng là lúc thôn Bình Lợi chìm trong sự hoang vu, tĩnh mịch. Lách qua mấy mô đất lởm chởm, tôi bước tiếp vào một số căn nhà lụp xụp, nhà nào cũng chẳng có gì đáng giá ngoài những dụng cụ sinh hoạt thô sơ. 
Một trong những người vào Bình Lợi đầu tiên, cụ Sùng Tiến giãi bày: “Nhiều lúc cũng muốn chết quách đi cho xong nhưng cứ muốn một ngày được nhìn thấy bóng điện, được xem cái ti vi nó hát nên phải cố sống. Sống gần hết đời tôi mới thấu hiểu ra rằng, không có điện, con người ta trở nên mông muội và thiệt thòi rất nhiều thứ…”. 
Ngước nhìn ra phía đoạn đường bê tông hiếm hoi do dân tự dổ, đập vào mắt chúng tôi là từng tốp trẻ vị thành niên đang còng lưng thồ những can nước sạch đi xa hàng chục  cây số mới nặng nhọc mang về được. Cuộc sống trì nặng trôi qua, không biết bao giờ thì kết thúc và tìm ra lối thoát.
Được biết, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã có kế hoạch đưa người dân Bình Lợi đến nơi ở mới, nhưng người dân không chịu di dời vì còn nhiều vấn đề vướng mắc. Ông Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND xã Cư M’Lan đã đề xuất tái định cư tại chỗ để bảo đảm đời sống người dân và được người dân đồng tình. Ngày 18/5/2014, ông Thước đã phác thảo kế hoạch này trình lên UBND huyện Ea Súp để xem xét. 
Về phía UBND huyện Ea Súp thì cho rằng, mọi vấn đề quy hoạch và bố trí dân cư cần có ý kiến chỉ đạo thông suốt từ trên tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng cho rằng, nhiều dự án phát triển nông nghiệp sẽ được tiến hành hỗ trợ nếu người dân di cư đến nơi ở mới. 
Về cơ bản thì hầu hết đất bà con thôn Bình Lợi sử dụng có nguồn gốc từ khai phá rừng cách đây mấy chục năm. Tuy nhiên, hầu hết bà con nông dân ở Bình Lợi đều hoan nghênh ý tưởng mới của ông Thước là được an cư tại chỗ. Chẳng biết mơ ước của những người dân Bình Lợi có sớm trở thành hiện thực?

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.