Matt Haig là một nhà báo và tiểu thuyết gia người Anh, mỗi tác phẩm của ông dù hư cấu hay phi hư cấu đều chứa đựng suy tư sâu sắc về cuộc đời, giá trị của con người tồn tại trong thế giới này. “Thư viện nửa đêm” là cuốn sách thứ bảy của ông, ra đời vào năm 2020 và ngay lập tức lọt vào danh sách The New York Times Bestseller.
Cuốn sách là câu chuyện kể về Nora Seed, một người phụ nữ có nhiều tài năng, nhưng đang chật vật ở ngưỡng tuổi 35 của cuộc đời. Cô thất nghiệp, không có gia đình, bạn bè và tình yêu. Trong Nora mỗi giây phút qua đi chỉ còn dòng chảy của sự hối tiếc về hàng loạt thất bại trong quá khứ đang nhấn chìm bản thân, cho đến khi cô quyết định tự sát.
Trong giây phút cận tử, Nora bước vào một thư viện mà ở đó, thời gian luôn dừng vào lúc 00:00. Đó là thế giới “chạng vạng”, nơi con người không sống, cũng không chết. Tại đây, Nora được quyền chọn để ở lại bất cứ cuộc đời nào mà cô có khả năng đã đạt được, như: Trở thành một người nổi tiếng, ca sĩ nhạc Rock, nhà nghiên cứu, một người vợ, một học giả,…Tất cả điều đó xảy ra nhằm giúp Nora “bám rễ” lại với sự sống.
Qua tiểu thuyết “Thư viện nửa đêm”, Matt Haig đã dùng văn chương mở ra hàng loạt các chiều kích không gian, thời gian và chiều sâu tâm lý. Ông đưa độc giả đến một thế giới kỳ ảo, để đi vào bên trong mỗi con người. Thư viện nửa đêm tựa như “ân sủng” của Chúa trời ban cho những người như Nora Seed, để được lựa chọn một cuộc đời đúng với mong ước. Nhưng, thực chất, đó là nơi mà linh hồn và bộ não của con người đã xây dựng nên từ những đối chọi mãnh liệt giữa khát vọng sống với mong ước được chết. “Vừa đã sống, lại vừa đã chết ngay trong chính suy nghĩ của mình”.
Con người, cũng như Nora Seed, đã tự đặt ra những “bức tường” giới hạn cho bản thân. Họ loại bỏ mình ra khỏi bản thể duy nhất, độc đáo, để sống phụ thuộc vào những định kiến, quy chuẩn của xã hội. Trong truyện, nhân vật Nora từ bỏ khả năng bơi lội vì sợ bị chê bờ vai thô kệch, từ bỏ đam mê với âm nhạc để trở thành một người bạn gái tốt. Thậm chí, cô bỏ mặc cả những người yêu thương mình, để tìm kiếm sự an toàn trong thế giới này.
Để rồi, khi thất bại với mưu cầu được xã hội tôn thờ, chấp nhận, con người lại chạy trốn vào một thế giới gọi là “hối tiếc”. Họ mắc kẹt giữa quá khứ không thể trở lại và khát vọng cháy bỏng đang cuồn cuộn chảy ở hiện tại. Đó là nơi họ tưởng tượng ra hàng trăm khả năng, hàng vạn biến thể sẽ tốt đẹp hơn, nếu ngày hôm đó, giây phút ấy “Tôi đã làm khác đi!”. Nhưng rốt cuộc tất cả điều đó để làm gì? Chỉ để thỏa mãn những kỳ vọng về thành công mà xã hội đã đặt ra. Hối tiếc sẽ luôn là một bài học kinh nghiệm, nhưng nếu chỉ chìm đắm trong đó thì “nó khiến ta cảm thấy héo hon, tàn lụi từng ngày và cảm thấy mình là kẻ thù tồi tệ nhất của bản thân”.
Mỗi cuốn sách “Đời tôi” tại thư viện nửa đêm mà Nora bước vào, lại là một con người mà đáng lẽ, cô đã được sống. Cuối cùng, sau khi dõi theo hành trình của Nora Seed, độc giả bỗng nhận ra, cuộc sống vốn dĩ không phải là sự chắp vá, “nhặt nhạnh” những khoảnh khắc đẹp và vứt bỏ những khó khăn, thử thách. Bất cứ ai tồn tại trên thế gian này cũng đều phải trải qua đau khổ và hạnh phúc. Nhưng chúng ta đã quên đi sự thật trần trụi đó, mà chỉ gặm nhấm nỗi đau của riêng mình, rồi tham lam nhìn ngắm cuộc sống của người khác. Để kết quả lại tự giết chết bản thân ngay trong hiện tại.
Vì vậy, quyển sách “Thư viện nửa đêm” như một thông điệp hãy cứ sống, mở lòng đón nhận con người thực tại như vốn có và trân trọng từng khoảnh khắc, giây phút. Bởi, đã có vô vàn khả năng có thể thay đổi trong quá khứ, thì cũng có vô vàn khả năng tốt đẹp ở hiện tại và xa hơn là tương lai. Nhưng con người chỉ đạt được, khi họ chấp nhận chính cái cá nhân độc đáo của mình và bắt đầu hành động. Giống như triết gia người Pháp Albert Camus đã nói: “Khi không có hy vọng, bổn phận của chúng ta là sáng tạo ra nó”.