Tiền “không cánh mà bay” vì bầu cua
Sau một tuần dài theo dõi cậu con trai đang học lớp 5, chị Nga (ở TP.Thanh Hóa) mới biết con trai ăn trộm tiền, rồi chị âm thầm theo con đến tận trường và thấy con mình lôi bàn bầu cua ra đánh cùng các bạn.
Chị Nga cho biết, chị thường để 10 tờ 50.000 đồng trong ví, vào buổi tối chị kiểm xem hôm nay mua những gì và tiêu mất bao nhiêu tiền. Ngày đầu tiên mất tiền chị đã ngờ ngợ, rồi đến ngày thứ hai, thứ ba và sang ngày thứ tư liên tiếp chị phát hiện thấy những hành động lén lút của con trai và quyết định “thả mồi”.
Sau hôm theo dõi, chị Nga vẫn bình thản rồi sáng hôm sau đến lớp lặng lẽ theo dõi con học. Tuy nhiên, trong suốt quá trình học không thấy con có động tĩnh gì. Đến khi ra chơi, chị thấy lũ nhỏ trong lớp lôi một tấm bàn chơi bầu cua ra để ở góc lớp rồi lũ nhỏ chen vào đặt cược thì chị mới tá hỏa nhận ra con mình lấy trộm tiền chơi bầu cua với các bạn.
Biết đang trong giờ học nên chị cố lấy lại bình tĩnh, lặng lẽ đợi tan học rồi đón con về nhà để nói chuyện nhẹ nhàng như hai người bạn.
Chị cho biết: “Sau một hồi nói chuyện, tôi để con tự nguyện thú nhận tất cả trước khi tôi phải tự mình nói ra”. Bằng sự khéo léo của bản thân, chị Nga đã buộc con phải nói chuyện và rồi hai mẹ con tâm sự cả tối như hai người bạn.
Sau chuyện này, chị mới biết do hai vợ chồng quá bận rộn mà dần quên đi sự hiện diện của con trong gia đình khiến cu cậu phải tìm đến các bạn và bầu cua để giải trí. Con trai chị thú nhận đã lấy một nửa số tiền lì xì để đánh bầu cua cùng các bạn trong lớp. Nhưng cậu cũng chỉ chơi bầu cua để giải tỏa tâm lý được trò chuyện cùng các bạn chứ không quá sa đà đến nỗi nghiện trò này.
Ảnh minh họa. Nguồn internnet. |
Từ bực tức đến ngăn cấm
Cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng vì con trai lớp 4 lấy toàn bộ số tiền mừng tuổi đi chơi bầu cua cùng các bạn là chị Hương – một bà mẹ ở Hải Dương. Khác với cách dạy của chị Nga, chị Hương là bà mẹ trẻ nên chưa có được cách cư xử mềm mỏng với cậu con trai tên Lâm Anh.
Chị Hương cho hay, chị phát hiện con trai lấy tiền mừng tuổi đánh bầu cua do một người bạn trong lớp gọi điện báo. Cô bé học cùng lớp ngồi gần Lâm Anh cho biết, từ ra Tết đến giờ cô bé thấy bạn liên tục có tiền đánh bầu cua với các bạn trong giờ ra chơi.
Có những hôm, cuối giờ học Lâm Anh còn nán lại dăm bảy phút để cùng bạn chơi mấy ván bầu cua. Trong giờ học Lâm Anh cũng kém tập trung hẳn.
“Nếu như trước kia bạn ấy thường xuyên xung phong lên bảng làm bài tập và được cô giáo khen thì từ đầu năm mới đến giờ, Lâm Anh gần như không tập trung nghe cô giảng bài, cô giáo gọi lên không làm được bài nên bị cô phạt đứng góc lớp” - cô bạn học cùng lớp cho biết.
Sau khi biết chuyện, chị Hương về nhà tra hỏi thì cậu con trai mới thú nhận là đã lấy tiền mừng tuổi đánh bầu cua cùng các bạn. Ban đầu Lâm Anh chỉ định chơi cho vui nhưng sau dần bị lôi cuốn vào trò chơi và thua nhiều tiền, sợ bố mẹ biết nhưng càng cố gắng gỡ thì càng thua. Sau hôm đó, chị Hương đã cấm con trai từ năm sau không được nhận tiền mừng tuổi.
Dạy cho con biết cách sử dụng đồng tiền
Dưới con mắt của các nhà tâm lý thì việc ứng xử bằng biện pháp mạnh như chị Hương khó đem lại sự vẹn toàn cho tất cả các bên. Nếu chỉ vì một sai sót nhỏ mà cấm trẻ nhỏ không được nhận tiền mừng tuổi đầu năm thì thực sự không hay.
Bởi lẽ đây là một tục lệ có từ rất lâu đời của người Việt. Bên cạnh đó, nếu khách đến nhà mừng tuổi cho trẻ con mà cha mẹ không cho con nhận thì khách sẽ nghĩ rằng chủ nhà không tôn trọng mình.
Do đó, lời khuyên từ Th.S Tâm lý Nguyễn Thị Anh Thư (Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội) cho thấy, cha mẹ vẫn có thể cho phép con cái được giữ những khoản tiền riêng nhưng cần phải dạy cho con biết sử dụng đồng tiền như thế nào cho đúng cách và tiết kiệm.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý đến cuộc sống, học tập và hoạt động vui chơi hàng ngày trên lớp của con để nắm bắt rõ và có biện pháp kịp thời, vì trẻ con rất cần có những cử chỉ chăm sóc ân cần, quan tâm chăm sóc từ phía gia đình.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu