Sự phán xét ấy, thể hiện chính con người bạn, thế giới quan của bạn: bạn dịu hiền hay độc địa, hiểu biết tới đâu… đều không thể che giấu. Và mầm mống cái ác, sự nghiệt ngã, cũng bắt nguồn từ đó…
Khi “thầy bói xem voi”
Từ bé, những đứa trẻ đến trường có khiếm khuyết, chậm chạp, khác biệt với bạn bè thường bị chế giễu, coi thường, thậm chí bị đánh đập vì các bạn thấy “ngứa mắt”. Và bao giờ cũng vậy, sự khác biệt, sự kém cỏi hay hơn người luôn bị phán xét…
Đương nhiên, người ta thích phán xét để thể hiện mình hơn người, chê bai, hạ thấp người khác là niềm vui mỗi ngày đối với họ. Và những ám ảnh ấy, có thể theo đứa trẻ cô độc tới suốt cuộc đời, bởi sự khác biệt luôn chịu búa rìu dư luận. Và bởi sự độc ác, nhẫn tâm của bạn bè, đồng loại.
Và trẻ con sống trong môi trường ấy, khi người lớn luôn chê bai, bỉ bôi người khác thì mỗi đứa trẻ vô thức mang theo những thói xấu ấy vào tuổi trưởng thành. Đơn cử, khi nhìn một thiếu niên ăn mặc ngổ ngáo, mặt mày lầm lì, ấn tượng đầu tiên của mọi người có thể là: “Vừa trông đã biết là bọn hư hỏng, đú đởn ăn chơi, chẳng biết lo học hành gia đình gì cả”.
Nhưng thực tế chính chàng trai đó là đứa trẻ mồ côi, đã phải tự bươn chải kiếm tiền từ khi còn nhỏ để chi trả học phí của chính mình. Khi nhìn một người đồng tính, suy nghĩ đầu tiên có thể là: “Mấy người này hư hỏng, ẽo ợt, adua”… Nhưng thực tế, để được là chính mình, họ phải trải qua bao ký ức kinh hoàng khi phẫu thuật chuyển giới, khi đối diện với sự chối bỏ của người thân, sự kỳ thị của xã hội…
Tại sao chúng ta dễ có những suy nghĩ ban đầu như vậy? Và tại sao những ấn tượng ban đầu rất dễ trở thành định kiến sai lầm? Thực tế, khi bắt gặp những hiện tượng nằm ngoài sự hiểu biết, con người sẽ bắt đầu bản năng phòng thủ, nảy sinh tâm lý nghi ngờ. Khi hiện tượng đó bị số đông bài xích, tự nhiên nó trở thành định kiến, tạo ra những suy nghĩ và hành vi phân biệt đối xử.
Và những phân biệt đối xử không đơn giản là chuyện nhỏ. Khi bạn nghĩ sai có thể nghĩ lại, nhưng lời nói ra ngoài như bát nước đổ đi, làm sao có thể rút lại? Có rất nhiều cuộc sống đã âm thầm biến mất trên thế giới này chính vì lối suy nghĩ và cư xử đầy định kiến của cả cộng đồng.
Mỗi người trong chúng ta có cách riêng để chọn đâu là điều giá trị nhất trong cuộc đời mình. Một số người đặt trọng tâm cuộc đời họ vào tiền bạc và địa vị. Nhưng có người lại đánh giá cuộc đời qua giá trị về vẻ đẹp và sự nổi tiếng. Một số lại coi trọng giá trị gia đình và các mối quan hệ, coi trọng sự cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội…
Nếu bạn đánh giá bản thân qua giá trị gia đình, bạn sẽ đánh giá người khác với tiêu chuẩn tương đương. Bạn sẽ xem xét họ có gần gũi với gia đình họ hay không? Nếu họ không gọi điện về nhà hỏi thăm thường xuyên, bạn sẽ đánh giá họ vô ơn, vô trách nhiệm…
Còn nhớ chuyện “Thầy bói xem voi”, khi 5 ông thầy bói mù cùng đến sờ vào con voi. Mỗi ông đưa ra một nhận định. Ông sờ vào vòi thì phán tưởng con voi thế nào, hóa ra nó cũng sun sun như con đỉa thôi. Ông sờ vào ngà thì lại phán nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn. Ông sờ tai phủ nhận ngay lập tức vì nói rằng nó bè bè như cái quạt thóc.
Ông sờ chân phản ứng ngay rằng các ông kia đều sai hết, con voi nó sừng sững như cái cột đình. Đến ông cuối cùng sờ đuôi thì khẳng định chắc nịch, bốn ông chả ai nói đúng cả, tôi thấy nó tua tủa như cái chổi xể cùn”…
Thế nên, một người cứ cố chấp phán xét người khác, cố chấp bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng mình đúng thì càng ngày, người đó càng trở nên bảo thủ và tự họ làm bản thân họ và những người ở gần mệt mỏi. Họ luôn nghĩ rằng người khác sai còn mình đúng. Có lẽ vậy mà một nghiên cứu tâm lý đã đưa ra kết luận rằng: “Nếu bạn luôn thấy những người xung quanh mình có vấn đề, thì có lẽ bạn chính là có vấn đề”…
Mẹ nuôi dưỡng trái tim nhân từ cũng vì con
Liệu pháp cho sự phán xét này chính là lòng bao dung, độ lượng, là khi bạn đặt mình vào người khác trong hoàn cảnh đó. Một đứa trẻ lớn lên trong gia đình đầy lòng bao dung sẽ hiểu được rằng, vấp ngã là điều không thể tránh khỏi. Chúng sẽ học hỏi từ những sai lầm…
Thế giới của chúng ta cần nhiều hơn nữa lòng trắc ẩn, tình thương yêu và tất nhiên là cả lòng bao dung. “Trẻ em như trang giấy trắng” và công việc của người lớn chính là viết những điều tốt đẹp vào trang giấy đó...
Và hơn ai hết, mọi đứa trẻ đều lớn lên từ lòng mẹ. Một người mẹ tốt không cần phải giàu có, cũng không nhất định phải tài cao học rộng. Sự tu dưỡng của mẹ mới là sự giáo dục tốt nhất dành cho con yêu. Hơn thế nữa, mẹ tập cho mình thói quen luôn nghĩ tốt cho người khác, luôn có thể lý giải được mọi hành động vô lý bằng một trái tim từ bi.
Nhờ thế mà tấm lòng mẹ rộng mở, giúp mẹ luôn vui vẻ an hòa, dù chuyện gì có xảy ra cũng không hề nóng giận từ trong tâm. Thực chẳng dễ dàng chút nào, nhưng người mẹ hiền lương nào cũng có thể làm tất cả những gì cần thiết cho con mình…
Chuyện kể rằng em bé 4 tuổi, con trai của người mẹ đó, trong một lần leo lên ghế để với quả lê ở trên bàn đã bị ngã xuống đất và làm đổ đĩa cơm. Theo lẽ thường, các bà mẹ sẽ giận dữ và quát tháo đứa trẻ. Tuy nhiên người mẹ chỉ lẳng lặng ra đỡ con dậy và dọn sạch chỗ cơm vương vãi trên đất. Không những người mẹ không cảm thấy nóng giận mà trong lòng còn tự nhận đó là lỗi của mình vì đã không dọn bàn luôn sau khi ăn.
Điều ấy tưởng như đơn giản nhưng thật ra là kết quả tu dưỡng liên tục trong một thời gian dài của người mẹ. Một ngày sau khi sự việc xảy ra, cậu bé kia lại tiếp tục làm đổ một nửa bát canh khi đang ăn. Người mẹ đã nói ngay trong tích tắc không do dự: ”Không sao cả. Con vẫn ổn chứ”? Rồi cô ấy lấy khăn giấy dọn sạch chỗ canh đổ và chu đáo nói với con mình: “Lần sau con cần phải cẩn thận hơn”. Sự thiện lương của người mẹ đã tỏa ra thứ ánh sáng ấm áp khiến cả gia đình ở trong bầu không khí dễ chịu và yên vui.
Nhiều chuyên gia tâm lý chia sẻ: Có làm mẹ mới biết quan tâm đến người khác chính là yêu thương. Dạy con quan tâm, dạy con thấu hiểu là để con biết yêu khi trưởng thành. Mẹ cần cho con nhận ra tình thương yêu mà con được nhận từ mọi người, từ một lời khen chân thành một món ăn ngon hay một món quà nhỏ.
Để con biết yêu thương cụ thể là gì. Là cho nhau tự do, là tôn trọng sở thích cá nhân và sự khác biệt, là không bắt người khác theo ý mình. Tình thương yêu có nghĩa là làm mọi điều cho người mình yêu được vui, được hạnh phúc. Người khắt khe phán xét người khác- họ chỉ yêu chính họ thôi…
Và có một bức thư còn mãi tính thời sự, đó là thư của cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học:
“Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một người chính trực, cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ gặp một nhà lãnh đạo tận tâm.
Bài học này sẽ mất nhiều thời gian tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng mỗi một đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đô la nhặt được trên hè phố…
Xin hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kị. Xin hãy dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ đánh bại nhất.
Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách, nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng đối với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết thật đáng xấu hổ khi chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn thận trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy”…