Qua thực tiễn thi hành, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, BLDS không nên tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác với tư cách là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự mà thay vào đó cần điều chỉnh bằng chế định khác trong BLDS cho phù hợp với bản chất pháp lý của chúng, như: điều chỉnh hộ gia đình bằng chế định sở hữu chung, đại diện và các chế định khác có liên quan; điều chỉnh tổ hợp tác bằng chế định hợp đồng hợp tác.
Đánh đồng tài sản của các thành viên là tài sản hộ gia đình
Theo quy định tại Điều 106 BLDS hiện hành: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, quy định như vậy phù hợp khi đặt hộ gia đình trong trạng thái “tĩnh”.
Tuy nhiên trên thực tế, cuộc sống gia đình và các quan hệ trong gia đình luôn ở trạng thái động, luôn có sự thay đổi, biến động về chủ thể (chịu tác động bởi các sự kiện sinh, tử, tách, nhập…), dẫn tới nhiều quy định về hộ gia đình, đặc biệt về chủ thể là không rõ ràng, tính khả thi còn thấp. Chẳng hạn, tiêu chí, căn cứ xác định thành viên của hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự chưa được quy định cụ thể (dựa trên hộ khẩu; quan hệ hôn nhân, huyết thống hay dựa trên các căn cứ khác).
Bất cập này dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, ngay cả các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong lĩnh vực thi hành pháp luật (thẩm phán, luật sư, công chứng viên…) khi xác định thành viên hộ gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, đa số người dân, chính quyền địa phương lại xác định thành viên hộ gia đình theo tiêu chí hộ khẩu trong quản lý hành chính.
Để giải quyết vướng mắc này, các cơ quan giải quyết các quan hệ liên quan đến hộ gia đình thường phụ thuộc vào việc xác nhận của UBND cấp xã, cơ quan công an, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất… và việc xác nhận này thường không thống nhất.
Về tài sản của hộ gia đình, BLDS chưa có quy định cụ thể về phân tách giữa tài sản của các thành viên hộ gia đình (tài sản cá nhân của một thành viên, tài sản chung của vợ chồng, tài sản chung của cha mẹ và con…) với tài sản chung của hộ gia đình. Do đó, trong thực tiễn, khi xác lập, thực hiện các giao dịch thường bị đánh đồng tài sản của các thành viên hộ gia đình là tài sản hộ gia đình và ngược lại. Bất cập này đã có tác động không nhỏ đến việc thực hiện các quyền sở hữu của hộ gia đình và thành viên hộ gia đình.
Tổ hợp tác không thể vay vốn vì không có tư cách pháp nhân
Cùng với hộ gia đình, BLDS quy định tổ hợp tác là chủ thể hạn chế trong quan hệ dân sự, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành còn có nhiều bất cập về chủ thể này. Về bản chất pháp lý, tổ hợp tác là sự kết hợp của các cá nhân thông qua hợp đồng hợp tác sản xuất, kinh doanh. Sự hình thành, hoạt động hay chấm dứt tổ hợp tác về cơ bản dựa trên hợp đồng.
Do không có tư cách pháp nhân nên các tổ hợp tác không thể vay vốn (đặc biệt là từ các tổ chức tín dụng), không được tham gia đấu thầu, đăng ký kinh doanh, mua sắm tài sản chung với tư cách là tổ hợp tác mà chỉ có thể tiến hành các hoạt động này với tư cách từng thành viên… Chính điều này đã làm giảm nghiêm trọng hiệu quả hợp tác của tổ hợp tác.
Về điều kiện thành lập tổ hợp tác, theo quy định tại Điều 111, tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của UBND cấp xã của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự.
Tuy nhiên trong thực tiễn, đa số tổ hợp tác được thành lập và hoạt động không theo quy định của BLDS về việc lập hợp đồng hợp tác của các tổ viên hoặc có hợp đồng nhưng không được UBND cấp xã chứng thực. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại quy định việc bầu, thay đổi tổ trưởng phải thông báo với UBND cấp xã nơi chứng thực hợp đồng hợp tác.
Đối với việc kết nạp mới, thay đổi, chấm dứt tổ viên thì vấn đề thông báo không đặt ra. Việc không công khai tư cách thành viên đã gây khó khăn trong việc xác định một cá nhân có phải là tổ viên của tổ hợp tác hay không.
Pháp luật cũng chưa quy định cụ thể tổ viên tổ hợp tác có thể là thành viên của nhiều chủ thể khác nhau hay không, ví dụ vừa là thành viên tổ hợp tác, vừa là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc là thành viên của tổ chức khác, trong khi pháp luật lại quy định tổ viên chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn đối với các nghĩa vụ của tổ hợp tác.
Điều này gây ra khó khăn, rủi ro khi xác lập giao dịch đối với bên thứ ba, đặc biệt khi cơ chế công khai tư cách tổ viên chưa được thực hiện… Hơn nữa, do tổ hợp tác không có tài sản, nếu có thì tài sản là tài sản của cá nhân tổ trưởng nên thực tế tổ hợp tác không xác lập giao dịch dân sự (mua bán, vay vốn...) nhân danh tư cách tổ hợp tác mà nhân danh tư cách của cá nhân (tổ trưởng) và tổ trưởng tự chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân.
Tiếp tục nghiên cứu một cách thận trọng
Bộ Tư pháp cho biết, thực tế này đặt ra vấn đề cần hoàn thiện hơn nữa địa vị pháp lý của các chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, nhất là đối với hộ gia đình và tổ hợp tác. Nhiều ý kiến cho rằng, BLDS không nên tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác với tư cách là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự mà thay vào đó cần điều chỉnh bằng chế định khác trong BLDS cho phù hợp với bản chất pháp lý của chúng, như: điều chỉnh hộ gia đình bằng chế định sở hữu chung, đại diện và các chế định khác có liên quan; điều chỉnh tổ hợp tác bằng chế định hợp đồng hợp tác (dự kiến được bổ sung trong phần Nghĩa vụ và hợp đồng – trái quyền).
Tuy nhiên, việc BLDS tiếp tục quy định hay không quy định 2 loại chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự nêu trên có tác động to lớn, không chỉ thuần túy về mặt học thuật mà còn trên cả phương diện chính trị, xã hội. Vì vậy, vấn đề này đang tiếp tục được nghiên cứu một cách cẩn trọng.
Chủ hộ của hộ gia đình khác chủ hộ trong Sổ hộ khẩu
Theo quy định tại Điều 107 BLDS hiện hành, chủ hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự có thể là một trong các thành viên của hộ gia đình (cha, mẹ hoặc người đã thành niên) và có quyền đại diện cho hộ trong giao dịch dân sự. Như vậy, chủ hộ của hộ gia đình trong BLDS khác với chủ hộ trong Sổ hộ khẩu được quy định tại Luật Cư trú năm 2006 (chủ hộ trong Sổ hộ khẩu không thể đương nhiên dùng tư cách chủ hộ để thực hiện các giao dịch dân sự cho cả hộ, trừ trường hợp được cả hộ ủy quyền).