Cây xanh đổ gây chết người: Không ai nhận trách nhiệm, có thể kiện ra Tòa!

Mùa mưa bão, ngồi trong xe ô tô cũng chưa chắc đã an toàn. (Ảnh minh họa).
Mùa mưa bão, ngồi trong xe ô tô cũng chưa chắc đã an toàn. (Ảnh minh họa).
(PLO) - Thời gian qua không ít vụ việc đau lòng bị cây đè chết xảy ra nhưng công ty quản lý cây xanh lại “phủi” trách nhiệm vì cho rằng đó là sự kiện bất khả kháng. Trong trường hợp này, người dân có thể kiện ra Tòa được không?
Cây là vật vô tri, vô giác, bởi vậy nếu người nào không may bị cây đè chết thì gia đình nạn nhân cũng không thể ôm cây đến quan tòa để “bắt đền”. Về nguyên tắc, cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, chăm sóc cây xanh phải bồi thường thiệt hại. 
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa bão, nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn, tình trạng cây xanh gãy, đổ liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của người đi đường. 
Gần đây nhất, trong trận mưa giông ngày 10/6/2014, trên đường Trần Hưng Đạo (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), một cây phượng cổ thụ bất ngờ bật gốc và đè lên 2 người phụ nữ đi xe máy, hậu quả là một người bị gãy chân, một người bị xây xát khắp cơ thể, phải nhập viện cấp cứu. 
Trước đó, trận mưa giông tối 04/06 trên địa bàn Hà Nội đã khiến 160 cây đổ, 3 người chết, gần 10 chiếc ô tô bị hư hại. Đặc biệt, một cây xanh đổ đã đè lên chiếc taxi khiến tài xế của hãng Taxi Group tử vong tại chỗ và nữ hành khách trên xe bị thương. Tương tự sự việc trên, năm 2012 trên phố Lò Đúc (Hà Nội), một cây xanh cũng bị đổ trong lúc trời mưa, đè chết một lái xe của hãng Taxi Mai Linh...
Những sự việc trên cho thấy, bên cạnh việc chăm sóc cây xanh bảo vệ môi trường ở các đô thị lớn, chúng ta đang thiếu hẳn một cơ chế bảo vệ người dân khi tai nạn thương tâm và bất ngờ do thiên tai gây ra. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về tính mạng và tài sản của nạn nhân? 
Để có cái nhìn tổng thể và giúp bạn đọc nắm rõ hơn những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề  trên, PLVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư (LS) Lưu Hải Vũ – Giám đốc Công ty Luật TNHH Triệu Sơn (Đoàn LS TP.Hà Nội). 
Đề cập đến các quy định của pháp luật điều chỉnh vấn đề này như thế nào, LS Lưu Hải Vũ cho biết:
- Bộ luật Dân sự  (BLDS) 2005 đã có các quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể, khi một người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản… của cá nhân hoặc pháp nhân thì phải có trách nhiệm bồi thường. Có hai trường hợp là cố ý gây thiệt hại và vô ý gây thiệt hại, trong đó vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Như vậy, yếu tố lỗi là điều kiện đầu tiên phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Mục đích của chế định này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm hại và phòng ngừa, răn đe những hành vi gây thiệt hại trong trường hợp các bên không xác lập hợp đồng. Trường hợp cây xanh tại các đô thị bị gãy, đổ gây thiệt hại cho người đi đường thì căn cứ vào các quy định của pháp luật và xét yếu tố lỗi của các chủ thể trong quan hệ có thể quy kết trách nhiệm bồi thường thiệt hại và thuộc sự điều chỉnh của chế định này.
Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng rất lúng túng trong việc xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường? Theo LS, trong các trường hợp trên, ai phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại đã xảy ra?
- Trước hết, cần phải xác định chủ thể có liên quan với tư cách là bên có quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với tài sản gây hiểm họa. Theo quy định tại Điều 626 BLDS thì: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. 
Trong trường hợp có thiệt hại thực tế xảy ra và có cơ sở để xác định lỗi là do đơn vị quản lý cây xanh không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình như cắt tỉa các cành cây khô, mục có nguy cơ gãy, đổ thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại phát sinh và người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định để đảm vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. 
Tuy nhiên, khi đề cập đến trách nhiệm của mình, lãnh đạo một đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống cây xanh cho rằng họ chỉ quản lý cây xanh theo đơn đặt hàng của thành phố và thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng. LS nghĩ sao về lập luận trên? Theo LS, việc cây xanh gãy, đổ trong trường hợp này có được coi là bất khả kháng?
- Đây là một câu hỏi tương đối khó để trả lời một cách nhất quán. Về cơ bản, sự kiện bất khả kháng là một thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ những sự kiện xảy ra ngoài tầm kiểm soát và khả năng khắc phục của con người. Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên có “dấu hiệu lỗi” được quyền miễn trừ trách nhiệm dân sự (cụ thể ở đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại). Theo Điều 161 BLDS thì: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.” 
Theo quy định trên, việc kết luận như thế nào là sự kiện bất khả kháng phụ thuộc vào nhận định chủ quan của mỗi người. Trong trường hợp cụ thể này, theo tôi, việc xác định có phải trường hợp bất khả kháng hay không còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nghĩa vụ của đơn vị quản lý cây xanh là phải thường xuyên cắt tỉa, chặt hạ những phần thân cây mang tính chất rủi ro tiềm tàng. Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị quy định: “Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây”. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý cây xanh là phải thường xuyên kiểm tra, đảm bảo cây sinh trưởng bình thường và không có nguy cơ xuất hiện các rủi ro tiềm tàng. Trong trường hợp không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây đổ, gãy gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Do đó, việc công ty quản lý cây xanh biết trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt có nguy cơ xảy ra các tình huống đáng tiếc mà không tiến hành cắt tỉa, chặt hạ kịp thời dẫn đến gãy, đổ gây thiệt hại thì không thể coi là bất khả kháng.
Phải bồi thường toàn bộ và kịp thời
Vậy mức độ bồi thường trong trường hợp này xác định như thế nào, thưa LS?
- Nguyên tắc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 605 BLDS: “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Bồi thường “toàn bộ” và “kịp thời” là nguyên tắc được thể hiện đầu tiên trong các nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên tắc này đảm bảo người có hành vi gây thiệt hại phải bồi thường tương xứng với toàn bộ thiệt hại đã gây ra và bồi thường kịp thời, càng nhanh càng tốt để khắc phục hậu quả. Pháp luật khuyến khích các bên đương sự tự thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường. Tuy nhiên, sự thỏa thuận không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Trong trường hợp thiệt hại về sức khỏe và tính mạng thì phải bồi thường các chi phí liên quan đến cứu chữa, điều trị, chi phí lo mai táng, thậm chí là bồi thường để bù đắp tổn thất tinh thần khi sức khỏe, tính mạng bị xâm hại.
Trường hợp không có cơ quan, tổ chức nào nhận trách nhiệm bồi thường thì theo LS, người dân có thể khởi kiện ra Tòa được không?
- Trường hợp không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm thì người bị thiệt hại hoặc gia đình nạn nhân có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường. Việc khởi kiện được thực hiện theo quy định chung về khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu công ty quản lý cây xanh hoặc tổ chức, cá nhân liên quan được coi là có trách nhiệm trong việc để xảy ra thiệt hại phải bồi thường. Điều 607 BLDS quy định: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.”
Tuy nhiên, để khởi kiện công ty quản lý cây xanh hoặc tổ chức, cá nhân liên quan thì người bị thiệt hại phải chứng minh việc để xảy ra thiệt hại đó có lỗi của công ty quản lý cây xanh hoặc của các tổ chức, cá nhân này.
Trân trọng cảm ơn LS!

Tin cùng chuyên mục

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...