Có lẽ không một người Việt Nam nào lại chưa có dịp được nghe giai điệu ngọt ngào, uyển chuyển, đầy tài hoa của nhạc sĩ xứ Nghệ Nguyễn Tài Tuệ này. Lấy hang Pác Bó – một di tích lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu làm điểm tựa, nhạc sĩ đã hướng triệu triệu con tim tới “núi Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây”, nơi “Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà…”.
Tha thiết biết bao khi giai điệu cất lên: “Rừng Pác Bó quê ta nhớ rừng xưa ôm bóng Người. Bước chân Người đi đất chuyển rời theo Người. Người về rừng núi, bóng Người vì sao trong sáng…”. Câu hát ấy lay động tâm hồn mỗi con người, dù ở phương trời nào – đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng – từ giờ phút ấy có vị lãnh tụ sống giữa lòng dân, dắt dẫn nhân dân từng giờ, từng phút đi theo cách mạng, làm cách mạng dưới ánh sáng của “vì sao trong sáng” đó.
Gần 60 năm qua, kể từ khi sáng tác của Nguyễn Tài Tuệ ra đời (năm 1959), đã góp một nhạc phẩm tiêu biểu vào nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, đặc biệt là về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khi mới ra đời, nó được Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương cất lên với giọng hát ngọt ngào, giàu sức lôi cuốn, và tiếp theo sau, có bao ca sĩ nữa cất lên, trong trẻo, thiết tha, làm cho công chúng thêm kính yêu vị lãnh tụ, thêm ơn nghĩa đối với hang Pác Bó huyền thoại.
Quá khứ và hiện tại, lịch sử và thời đại quyện hòa nhau – qua câu hát: “Bóng đa Tân Trào đọng lời thiết tha. Nắng in Ba Đình còn nghẹn lòng ta, suối reo dưới chân Người qua…”. Và đẹp biết bao: “Đất rung tiếng ca nở hoa tháng Tám”, “Khuổi Nậm còn reo nhịp theo mong nhớ Người”.
Lắng nghe và đồng cảm với nhạc sĩ tài năng, độc giả hoàn toàn nhất trí với ý kiến của một nhà báo từng trực tiếp trò chuyện với Nguyễn Tài Tuệ: “Tuyến điệu được tuôn chảy một cách tự nhiên với những quãng thật hợp lý tạo nên một màu sắc vừa tinh giản lại vừa phong phú”. Đúng là “Ca khúc có bố cục rất chặt chẽ với kết cấu cân đối, vuông vức, mạch âm nhạc được phát triển rất lô gíc vừa ổn thỏa về phương diện kỹ thuật sáng tạo, vừa phù hợp với cảm xúc tự nhiên của người hát nên không khó hiểu khi nó được công chúng tiếp nhận rất nhanh chóng và lâu bền”.
Cũng vì lẽ đó, bài hát đã trở thành một hiện tượng xã hội, được công chúng ngợi ca, phổ biến rộng rãi, ông vẫn không thôi khắc khoải về từng con chữ, từng nốt nhạc của bài hát. Với “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, ông đã làm việc 6 năm ròng rã, cũng như với “Xa khơi” mất 7, 8 năm và “Mơ quê” mất 12 năm.
Dựa trên nền điệu hát Then của người Tày, bài hát đã gửi gắm tâm hồn của các dân tộc ít người đến vị lãnh tụ vĩ đại, làm phong phú thêm bản hợp xướng của gần 100 triệu trái tim mãi mãi nhớ ơn Người.