Điều 9, Hiến pháp Rwanda năm 2003 ghi rõ: “'Nhà nước Rwanda cam kết rằng phụ nữ được trao ít nhất 30% vị trí trong các cơ quan ra quyết định”. Điều này đã được thực hiện vô cùng nghiêm túc trong 17 năm qua tại Rwanda và sự thật còn vượt ngoài sức mong đợi của phụ nữ nơi đây.
Nữ giới áp đảo trong cơ quan lập pháp
Ngày nay, nữ giới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên chính trường. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đội ngũ đứng đầu chính phủ đều có sự xuất hiện và tham gia của nữ giới. Tuy nhiên, thực tế nam giới vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo trong phần lớn các quốc hội và chính phủ trên thế giới. Sự áp đảo của nữ giới trong cơ quan lập pháp chỉ xảy ra duy nhất ở đất nước Rwanda. Một quốc gia châu Phi từng có nhiều quy định, hủ tục bất công đối với phụ nữ.
Lời kêu gọi bình đẳng không được dẫn dắt bởi hàng nghìn phụ nữ mà bởi một người đàn ông - Tổng thống Paul Kagame, người hiện tại đang lãnh đạo đất nước Rwanda. Tổng thống Paul Kagame nhận chức từ năm 2000. Ba năm sau khi Paul Kagame lên nắm quyền, hiến pháp mới của đất nước Rwanda được thông qua vào năm 2003 đã quy định rằng 30% ghế trong quốc hội được dành cho phụ nữ.
Chính phủ cũng cam kết rằng giáo dục của trẻ em gái sẽ được khuyến khích. Những phụ nữ đó sẽ được bổ nhiệm vào các vai trò lãnh đạo, như bộ trưởng chính phủ và cảnh sát trưởng. Kagame thề sẽ không chỉ đơn thuần chơi trò đuổi kịp phương Tây mà đi trước nó.
Tổng thống Rwandan Paul Kagame (giữa) cùng các nữ đại biểu quốc hội. |
Trong cuộc bầu cử năm 2003, 48% số ghế trong quốc hội Rwanda thuộc về phụ nữ. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008, phụ nữ đã chiếm 20 trong số 53 ghế được bầu trực tiếp và giành được 24 ghế khác trong cuộc bầu cử gián tiếp vào Quốc hội Rwanda. Với 44 ghế, nữ giới sẽ chiếm 55% trong quốc hội Rwanda. Phụ nữ cũng nắm một phần ba số chức vụ trong chính phủ, ghế chánh án Tòa án tối cao và chủ tịch quốc hội.
Tính tới tháng 11/2011 thì tỷ lệ nữ trong quốc hội Rwanda là 56,3%. Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) gọi quốc hội Rwanda là cơ quan lập pháp thân thiện với nữ giới nhất. Sau cuộc bầu cử năm 2018, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội của Rwanda đã lên tăng lên 61%.
Rubagumya, một nữ nghị sĩ trong chính phủ Rwanda cho biết: “Khi còn là một cô gái trẻ, là một người tị nạn, bất cứ nơi nào bạn đến, họ nhìn bạn như một người không thuộc về nơi đó,” cô nói. Gia đình cô quay trở lại Rwanda vào năm 1997. Cầm tấm bằng đại học trên tay cùng quyết tâm thay đổi nhận định của xã hội về vai trò của phụ nữ, cô đã đạt được một số những thành công nhất định.
Đầu tiên, với tư cách là một nhà quản lý làm việc về bình đẳng giới trong Bộ Giáo dục và quyền tiếp cận của trẻ em gái. Sau đó, Rubagumya chuyển qua làm việc về giáo dục và bây giờ là một nghị sĩ. Cô tự hào về việc Rwanda và những người phụ nữ của họ đã tiến xa trên con đường bình đẳng giới: “Chúng tôi có khuôn khổ, chúng tôi có chính sách, chúng tôi có luật, chúng tôi có cơ chế thực thi… Chúng tôi đã có được những thành công ban đầu trên con đường tìm kiếm sự bình đẳng giới cho phụ nữ”.
“Phượng Hoàng hồi sinh từ đống tro tàn”
Nạn diệt chủng Rwanda, còn được biết dưới tên gọi Diệt chủng người Tutsi, là vụ giết người hàng loạt do chính quyền Rwanda do đa số người Hutu lãnh đạo nhắm tới sắc tộc Tutsi ở nước này. Ước chừng 500.000 tới 1 triệu người Rwanda, tức 70% dân số người Tutsi, bị sát hại trong 100 ngày diễn ra nạn diệt chủng, từ 7/4 đến giữa tháng 7/1994. Bên cạnh đó, 30% người Pygmy bị giết.
Nỗi kinh hoàng bùng phát sau khi những kẻ cực đoan Hutu đổ lỗi cho phiến quân Tutsi về vụ bắn rơi máy bay chở Tổng thống Rwanda, Juvenal Habyarimana và Tổng thống Burundi Cyprien Ntaryamira. Tổng thống Habyarimana là người Hutu, sắc tộc chiếm khoảng 85% dân số Rwanda. Căng thẳng về vụ tai nạn chết người bùng nổ thành một cơn thịnh nộ giết người, ghi dấu ấn vào một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.
Những nữ nghị sĩ đầy quyền lực tại Rwanda. |
Ít nhất một phần tư triệu phụ nữ được báo cáo đã bị hãm hiếp, và hơn 95.000 trẻ em mồ côi. Khi xung đột kết thúc, dân số còn sống sót của Rwanda khoảng sáu triệu người chủ yếu là phụ nữ. Theo số liệu công bố của Liên Hợp Quốc, chỉ còn khoảng 300.000 đến 400.000 người Tutsi sống sót sau thảm họa diệt chủng nhờ chạy trốn sang các nước láng giềng Burundi, Tanzania và Uganda. Trung bình mỗi ngày có sáu người bị sát hại. Trong số hơn 800.000 nạn nhân có 300.000 trẻ em. Trong vòng 100 ngày của cuộc tàn sát đã có hơn 250.000 phụ nữ và trẻ em gái bị hãm hiếp.
Kể từ khi nạn diệt chủng chấm dứt năm 1994, có khoảng 95.000 trẻ em bị mồ côi cha mẹ và khoảng 2.000 phụ nữ bị nhiễm HIV do bị hãm hiếp. Hệ thống toà án thất bại trong việc đưa ra những phán quyết thuyết phục. Những kẻ cầm đầu không ngừng sát hại những người chúng cho rằng có thể đứng ra làm chứng chống lại chúng. Hậu quả của nạn diệt chủng vẫn còn đeo đuổi những người phụ nữ Rwanda với cái chết chậm chạp, đau đớn từ căn bệnh AIDS.
Thảm sát chỉ chấm dứt vào tháng 7/1994, Mặt trận Yêu nước Rwanda do Tổng thống Paul Kagame thành lập, khi đó đang là một tình báo quân đội đã kiểm soát được toàn lãnh thổ Rwanda sau khi đánh bại đội quân Hutu. Sau đó, tổ chức này đã thiết lập chính phủ lâm thời thống nhất. Ngày 19/7/1994, một chính phủ đa sắc tộc được thành lập và cam kết những người tị nạn có thể trở về nước.
Sau khi cuộc tàn sát kết thúc, phu nữ Rwanda chiếm tới 80% dân số khi những người đàn ông đã bị giết hại. Lúc này, để khôi phục và phát triển đất nước, những người phụ nữ Rwanda đã bước vào con đường chính trị và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của nam giới trước đó.
Năm 1999, phụ nữ chính thức được phép thừa kế tài sản mà không cần di chúc, những cô con gái nông thôn có quyền sở hữu đất từ cha mẹ giống như anh em trai của họ. Các cải cách khác giúp phụ nữ sử dụng đất đai của họ làm tài sản thế chấp để vay vốn.
Phụ nữ được trao quyền mở tài khoản ngân hàng mà không cần chồng cho phép, càng khuyến khích sự độc lập về tài chính. Giáo dục của trẻ em gái được ưu tiên thông qua những nỗ lực cho phép nhiều em học đại học hơn, và khuyến khích các em gái học các môn học truyền thống do nam giới thống trị.
Rwanda đã chuyển từ một quốc gia coi phụ nữ như tài sản, có chức năng chính là sinh con, sang một quốc gia quy định theo hiến pháp rằng ít nhất 30% các vị trí chính phủ do phụ nữ đảm nhiệm. Kể từ năm 2003, Rwanda liên tục có tỷ lệ nữ đại biểu cao nhất trong số các quốc gia trên thế giới. Bốn trong số bảy thẩm phán tòa án tối cao của quốc gia là phụ nữ, bao gồm cả phó chánh án.
Khi phụ nữ được gia nhập cơ quan lập pháp hàng loạt chính sách đảm bảo bình đẳng giới đã được thực hiện tại Rwanda như bãi bỏ các luật cấm phân biệt giới tính, trẻ em gái có quyền được đi học, bày tỏ quan điểm của bản thân, được đối xử bình đẳn như nam giới ở mọi chính sách phúc lợi…