Thừa Thiên Huế là địa phương có số người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc không lớn nhưng tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp sau khi hết thời hạn hợp đồng lại chiếm tỷ lệ cao so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Ở lại bất hợp pháp để “kiếm thêm”
Theo số liệu thống kê từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện toàn tỉnh có 117 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đó, xã Thủy Phù (TX Hương Thủy) là địa phương có nhiều lao động qua Hàn Quốc làm việc và ở lại bất hợp pháp. Công việc của họ chủ yếu là sơn sắt thép hoặc làm việc ở các nhà máy sản xuất, chế biến…
Ông Phan Ng. ở xã Thủy Phù cho cháu tên T. đang lao động “chui” tại Hàn Quốc cho biết: “Trước đây mỗi lần T.gọi điện về kể rằng ở bên đó mỗi tháng kiếm được từ 1000 -1.500USD. Theo hợp đồng thì T đã về nước 2 năm rồi. Nói về nguyên nhân T. vẫn ở lại bên đó mặc dù đã hết hạn hợp đồng lao động thì ông Ng. cho hay, do ở bên đó kiếm đồng tiền dễ hơn ở quê nên dù thời gian theo hợp đồng đã hết nhưng T. vẫn ở lại để kiếm tiền. Mới đây cũng nghe T. nói sang tháng 4 hoặc tháng 5 sẽ về nước vì phải sống chui lủi không dám ra đường sợ cảnh sát bắt giữ.”
Chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình của anh Đinh Tiến M. (trú tại xã Thủy Phù). Theo hợp đồng thì M. phải về nước cách đây 3 năm, nhưng đến nay anh vẫn bám trụ ở xứ sở “Kim chi”. Bà Trần Thị L. (mẹ của anh M. ) cho biết: Cách đây 8 năm, do ở quê không có công ăn việc làm nên gia đình đã vay mượn tiền cho M. đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Qua đó một thời gian, công việc ổn định, M. có gửi tiền về cho gia đình trả nợ. Giữa năm 2012, khi nghe nó gọi điện về báo tin sắp về nước nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy về.”
Còn ông Phan Th. thì chia sẻ: “Con gái tôi trước đây học Đại học Sư phạm chuyên ngành tiếng Anh, đi làm hướng dẫn viên du lịch tại TP Huế, rồi được giới thiệu qua Hàn Quốc làm ăn. Từ đó nó bỏ nghề hướng dẫn viên để sang Hàn Quốc. Cũng nhờ nó gửi tiền về mà tui xây được nhà, mua được đất ở thành phố nữa. Đến nay đã hết hạn hợp đồng nhưng nó vẫn chưa về. Có lần nó gọi về tui hỏi thì nó bảo rằng “cố gắng bám trụ kiếm thêm chút vốn nữa rồi mới về quê..”
Ông Phan Th. kể về người thân đang lao động tại Hàn Quốc |
Cam kết vận động thực hiện đúng hợp đồng
Từ ngày 1/9/2015 đến 1/12/2015, sau khi Chính phủ quyết định miễn xử phạt cho những lao động đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc tự nguyện về nước, một số lao động ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã tự nguyện về nước.
Anh Hoàng.H. (trú tại huyện Phú Vang) làm việc tại Hàn Quốc từ đầu tháng 8/2009 và đã về nước đầu tháng 12/2015 chia sẻ: “Đối với những lao động phổ thông như chúng tôi thì ở Hàn Quốc kiếm đồng tiền dễ hơn ở quê mình. Lương cơ bản ở bên đó được 1000USD/ tháng, nếu tăng ca thì được khoảng 1.700USD/tháng. Thời gian gần đây phía Hàn Quốc truy quét mạnh, thấy có nhiều người làm cùng chúng tôi bị bắt và bị phạt nên tôi lo sợ. Biết thông tin về nước vào thời điểm cuối năm được miễn xử phạt nên tôi quyết định về”.
Một lao động ở TP Huế đã trở về nước sau những năm sống chui ở Hàn Quốc chia sẻ: "Khi nghe có chính sách miễn xử phạt đối với những người ở lại bất hợp pháp, tôi lập tức đăng ký về quê. Dù ở bên đó có tiền nhưng cũng phải sống ẩn mình, không thể ra đường đi lại, tương lai không biết sẽ thế nào nên tôi xác định dù thế nào cũng phải về nước, không thể ở mãi như thế được".
Hầu hết người Việt sang Hàn Quốc lao động chân tay nên ai ở lại bất hợp pháp khi có rủi ro xảy ra không dám tới bệnh viện vì sợ bị phát hiện và bị bắt giữ. Gọi điện về cho gia đình, ai cũng nói khỏe và sống tốt vì sợ gia đình lo lắng nhưng thật ra phải sống chui lủi cũng khổ lắm.
Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù Lê Văn Anh cho biết: Khi có thông báo của tỉnh về những trường hợp đi xuất khẩu lao động xuất khẩu lao động (XKLĐ) gần đến thời hạn theo hợp đồng quy định thì phía chính quyền xã phối hợp với cán bộ thôn và các đoàn viên thanh niên đến từng gia đình để nhắc nhở, đề nghị họ báo cho con em mình đang lao động ở nước ngoài về đúng thời hạn.
Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Kiếm cho biết: Trước thực trạng lao động ở nước ngoài về nước chưa đúng thời hạn ngày càng gia tăng, Sở đã có nhiều giải pháp tích cực tới các gia đình ký cam kết vận động người thân đi XKLĐ tại Hàn Quốc phải thực hiện đúng thời gian quy định theo hợp đồng, không vi phạm luật. Đồng thời cũng phải chấp hành đúng quy định luật lao động của Hàn Quốc.