Bị ngược đãi ở đất khách quê người
Tháng 10/2014, bà Nguyệt ký hợp đồng lao động với Công ty cổ phần đầu tư Vĩnh Cát (Cty Vĩnh Cát, trụ sở tại 48 TT11B Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út. Khoảng đầu tháng 4/2015, bà Nguyệt điện thoại về nhà nói rằng liên tục bị chủ nhà đánh đập, ngược đãi, không cho nằm trên giường, không có quạt, ngày chỉ được ăn 1 bát cơm, bữa tối chỉ được ăn thức ăn thừa của chủ nhà.
Thậm chí, tháng 6 vừa rồi, chủ sử dụng lao động không trả tiền lương cho bà, không cho tiền nạp thẻ điện thoại, thu giữ điện thoại của bà Nguyệt khiến bà không thể liên lạc về nhà và công ty cung cấp lao động. “Điều khiến mẹ tôi hoang mang, lo sợ là khi bà chủ đi công tác, ông chủ còn nhiều lần có hành vi động chạm tới thân thể mẹ tôi” – chị Hương cho biết.
Vì bị áp lực về tinh thần nên bà Nguyệt có yêu cầu được Công ty Vĩnh Cát cho về nước. Tuy nhiên, theo chị Hương thì: “Đại diện phía Công ty có đề xuất với mẹ tôi giả vờ bị bệnh tật, ốm đau thì chủ nhà sẽ cho về sớm. Trong khi đó, tại Điều 5 Hợp đồng lao động có quy định nếu giả vờ bị bệnh thì sẽ bị phạt 2.000 USD. Hiện nay, tôi không thể nào liên lạc được với mẹ. Gia đình tôi đã nộp đơn kêu cứu lên Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cùng một số cơ quan chức năng liên quan nhưng chưa thấy giải quyết cho mẹ tôi về nước”.
Lao động sẽ sớm về nước?
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Cát cho biết: Việc chủ nhà không cung cấp giường ngủ, quạt cho bà Nguyệt là do họ phật ý, trách mắng vì có lần bà chế biến món ăn bị mặn nên chủ nhà trách mắng và do bà Nguyệt tỏ thái độ không tốt. Bà Nguyệt đã có ý kiến với công ty. Sau khi đại điện công ty can thiệp, chủ nhà đã cấp lại giường, quạt cho bà Nguyệt.
“Ngày 4/9/2015, khi nhận được thông tin ngược đãi lao động, chúng tôi đã lập tức liên lạc với chủ nhà để
tìm rõ nguyên nhân. Chủ nhà nói là do bà Nguyệt không hiểu tiếng bản địa nên khi chủ nhà yêu cầu lấy đồ dùng thì bà không hiểu và cũng không nói lại với chủ nhà khiến chủ nhà chờ quá lâu. Họ nổi nóng lấy gối bông đánh vào mặt, thu giữ điện thoại của và Nguyệt. Chúng tôi đã khuyên bảo lao động cần có thái độ tốt hơn và đề nghị chủ nhà không tái diễn tình trạng cư xử không tốt. Chủ nhà cũng phàn nàn về thái độ của lao động. Còn phản ánh về việc lao động bị “sàm sỡ” là sai thực tế. Trước khi đưa lao động sang làm việc, công ty đã lường trước nhiều tình huống và hướng dẫn cho lao động các biện pháp bảo vệ bản thân” – ông Sơn nói.
Về thông tin của gia đình rằng đại diện công ty “xui” lao động giả bệnh, ông Sơn cho rằng đây là do ngôn ngữ truyền tải của nhân viên tư vấn chưa chính xác dẫn đến lao động hiểu nhầm. Công ty đã nhắc nhở nhân viên này. Cuối tháng 9/2015, bà Nguyệt điện thoại cho công ty yêu cầu đổi chủ. Khoảng 2 tuần sau đó, lao động yêu cầu xin về nước vì chủ nhà có hành vi ngược đãi. Đại diện của công ty tại Ả-rập Xê-út đã nỗ lực kết nối với chủ sử dụng để đàm phán và thuyết phục. Chủ sử dụng có hứa hẹn sẽ làm thủ tục cho bà Nguyệt về nước nhưng sau đó lại thu giữ điện thoại của lao động và cũng cắt liên lạc với phía công ty. Ngày 3/11/2015, lao động liên lạc về gia đình qua số điện thoại của chủ mới và thông tin rằng chủ cũ không muốn làm thủ tục cho lao động về nước mà tìm cách nhượng lại cho chủ sử dụng mới. “Đây là hành vi không phù hợp và là cách chủ sử dụng chối bỏ trách nhiệm đối với lao động” – ông Sơn nhận định.
Được biết, hiện Công ty Vĩnh Cát đang đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út can thiệp, hỗ trợ để đưa lao động về nước theo nguyện vọng. Dự kiến tuần tới lãnh đạo công ty sẽ sang Ả-rập Xê-út để giải quyết dứt điểm sự việc này.