Câu hỏi về nguồn gốc và vô số điều bí ẩn xuất hiện xung quanh bãi đá cổ này cho đến nay vẫn chưa thể giải thích được.
Đường đến thung lũng
Cách TP.Hồ Chí Minh hơn 100 km về hướng Đông Bắc, vượt qua những nông trường cao su bạt ngàn, chúng tôi tìm đến xã Lộc An, một trong những xã biên giới giáp với Vương quốc Campuchia của huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước).
Đường vào xã khá lầy lội khiến việc di chuyển đến khu vực bãi đá cổ hết sức khó khăn. Phải mất hơn 1 giờ đi xe máy vượt qua nhiều km đường rừng, cuối cùng chúng tôi mới tới được Sóc Bù Gio Tó - nơi cộng đồng đồng bào người S’Tiêng cư trú và sinh sống lâu đời tại đây. Họ chính là những cư dân bản địa, chủ nhân của vùng đất này.
Đường dẫn tới Sóc Bù Gio Tó đã khó đi, nhưng chưa là gì so với con đường đá sỏi lổm ngổm pha lẫn đất đỏ chạy xuyên dọc suốt cả ấp. Sau cơn mưa lớn chiều hôm trước, con đường đá vốn đã nhấp nhô, nay lại trơn trượt càng khiến việc di chuyển khó khăn hơn.
Đang loay hay không biết đi hướng nào để tới khu đá cổ kỳ bí của người S’Tiêng thì chúng tôi tình cờ gặp được anh Điểu Thoại (người địa phương), tuy mới gặp lần đầu nhưng người đàn ông này tỏ ra khá thân thiện, vui vẻ chỉ dẫn đường. Chỉ tay về hướng quả đồi nằm ở phía xa, anh Điểu Thoại cho biết: “Muốn tới được khu thung lũng bãi đá cổ thì chỉ cần chạy xe theo con đường đá hiện tại, đi hết cánh đồng lúa dưới thũng lũng là tới chân ngọn đồi – thung lũng đá cổ nằm ở khu vực đó”.
Theo chỉ dẫn của anh Thoại chúng tôi tiến về phía chân ngọn đồi. Điều làm chúng tôi khá ngạc nhiên là giữa khu vực xung quanh toàn là rừng cao su bát ngàn lại xuất hiện những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay xanh mơn mởn nằm hai bên đường, cảnh tượng tưởng chỉ có thể bắt gặp ở đồng bằng.
Đúng như lời chỉ dẫn của Điểu Thoại, khi tới chân ngọn đồi chúng tôi đã tìm được thung lũng đá cổ. Bãi đá cổ nằm trên một vùng đất trống khá rộng, cao và nghiêng đều về phía cánh đồng lúa. Diện tích khoảng 3ha, toàn bãi có hàng ngàn tảng đá ong bám rêu phong nằm rải rác với nhiều kích cỡ khác nhau, nổi bật trên nền cỏ xanh.
Thoạt nhìn, khu bãi đá cổ mang đến cho người lạ cảm giác của sự ngạc nhiên và rất đỗi hoang vu vì xung quanh không có người ở. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực trung tâm của bãi đá, có một vòng đá tạo thành vòng trung tâm, những hòn đá trên được phân bố thành các hình vòng cung gần đồng tâm.
Cụm đá ong sắp thành một hình tròn với hai lớp, lớp ngoài đường kính khoảng 10m, bên trong hình tròn này là một lớp đá ong hình Kim Tự Tháp được xếp thành một hình gần vuông, với các cạnh khoảng 3m, khoảng cách giữa hai lớp đá này rộng khoảng 1m, bên trong lòng đá ong được phủ lên một lớp đất có chiều cao bằng với bề mặt đá ong…
Những phiến đá hình đầu người tại bãi tiên |
Đi tìm nguồn gốc bãi đá cổ
Ngoài khu vực vòng đá trung tâm, trải rộng ra còn hàng ngàn các tảng đá khác, nhưng chúng nằm rải rác khắp xung quanh. Theo dòng thời gian những tảng đá này được bao phủ bởi lớp rêu phong bám kíp toàn bộ mặt, nhưng khi quan sát kỹ ta có thể nhận ra chúng có hình thù rất đặc biệt. Trong đó đa phần là hình kim tự tháp và hình người. Tổng thể những tảng đã gộp chung tạo ra một cảnh tượng rất lạ, kỳ bí.
Để tìm hiểu về nguồn gốc bãi đá cũng như ý nghĩa của bãi đá cổ chúng tôi quyết định tìm gặp những cư dân địa phương để tìm hiểu về vấn đề này. Vì bãi đá nằm biệt lập xa khu dân cư nên chúng tôi phải rời bãi đá quay lại khu dân cư nơi cộng đồng người S’Tiêng sinh sống.
Theo những cư dân địa phương cho biết, tộc người S’Tiêng đến với vùng đất Sóc Bù Gio Tó này từ nhiều đời nay. Trước kia, giữa khu vực rừng núi bao la toàn cây rừng, tạo hóa lại kiến tạo ra vùng thung lũng mầu mỡ nằm giữa những quả đồi trùng trùng điệp điệp. Dưới thung thũng những mảnh đất mầu mỡ, nguồn nước tưới tiêu thuận tiện lên người S’Tiêng đã quyết định trú ngụ, sinh sống tại mảnh đất này và từ đó cái tên Sóc Bù Gio Tó được hình thành.
Với những cư dân bản địa thì bãi đá này cổ hình người này đã được đồng bào dân tộc S'Tiêng biết từ trước đó rất lâu. Từ khi những người già nhất của tộc người S’Tiêng ở Sóc Bù Gio Tó có mặt thì đã thấy sự hiện hữu của bãi đá cổ này. Các cư dân nơi đây gọi đó là "Bãi Tiên", hay "ngôi mộ cổ của già làng Rlem", ông tổ nghề rèn của người S'Tiêng và có một số truyền thuyết về vòng đá ong.
Theo đó, khu đá trung tâm tại bãi đá cổ hình người chính là “ngôi mộ cổ của già làng Rlem”. Theo truyền thuyết, già làng Rlem chính là người đầu tiên đưa người S’Tiêng từ phương xa tới mảnh đất mầu mỡ này lập nghiệp. Lý giải về những tảng đá nằm rải rác xung quanh ngôi mộ cổ, cư dân tại đây cho rằng đó chính là hiện bóng của những người S’Tiêng hóa đá trong đám tang của già làng Rlem.
Vào đầu năm 2008, các cơ quan chức phát hiện khu bãi đá cổ - với một quần thể hàng ngàn tảng đá ong theo những hình thù lạ mắt được sắp đặt khá có mục đích của con người. Sau đó nhiều cuộc hội thảo, nhiều đoàn khoa học kết hợp với cán bộ thuộc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Phước xuống thực địa để khảo sát, tìm hiểu về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của bãi đá cổ hình người tại Sóc Bù Gio Tó của người S’Tiêng nơi đây.
Sau cuộc khảo sát thực địa, Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng - Phó giám đốc Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện KHXH&NV tại TP.HCM cho rằng, khu vực Bãi Tiên ở Lộc Ninh có những nét rất riêng và lạ mà hiện vẫn chưa phát hiện di tích nào trên thế giới giống với nó để so sánh. Tiến sĩ Hoàng cũng nhận định, với cấu trúc sắp xếp của các khối đá theo hình tròn và hình vuông cho thấy có sự liên hệ mật thiết đến nét văn hóa của người Việt cổ và quan niệm về tự nhiên, vũ trụ thời bấy giờ (trời tròn, đất vuông). Chính vì những nét độc đáo đó, tiến sĩ Hoàng cho rằng, địa điểm này cần sớm được công nhận và bảo vệ, qua đó giúp các nhà nghiên cứu khoa học khảo cổ có điều kiện nghiên cứu sâu hơn về di tích này, cũng như văn hóa của cộng đồng người Việt cổ bản địa.
(Còn nữa)