Sau thành công của cuốn sách “Nơi đầu sóng” (tác giả Lữ Mai – Trần Thành, NXB Văn học) và Triển lãm ảnh cùng tên giới thiệu 100 hình ảnh tiêu biểu về biển đảo Tổ quốc trong dịp Quốc khánh 2/9/2019, nhóm tác giả tiếp tục xuất bản tập 2 sách “Nơi đầu sóng” với tên chính thức: “Mắt trùng khơi”.
Cuốn sách được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019) cùng với các hoạt động bổ trợ: Triển lãm ảnh, tọa đàm, giao lưu, phát động chương trình tặng sách ra biển đảo dịp Tết 2020... Đồng thời, Nhà xuất bản Văn học phối hợp nhóm tác giả giới thiệu Dự án Tủ sách Biển đảo quê hương.
“Mắt trùng khơi” là cuốn sách thể loại tản văn, ghi chép, ảnh có độ dày trên 150 trang, gồm 18 câu chuyện và bộ ảnh chọn lọc minh họa xoay quanh chủ đề những chân dung, thân phận con người gắn bó với biển đảo như: người lính hải quân, thân nhân của họ, tàu trên biển…
Trong lời mở sách, nhóm tác giả đã chia sẻ về chủ đề Mắt trùng khơi xuyên suốt tác phẩm: “Đi biển, trong ngàn vạn điều thiêng liêng và thương mến, có lẽ những ánh mắt nơi trùng khơi luôn thuộc về nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Đã có những đôi mắt rưng rưng tiễn nhau nơi cầu cảng, lặng lẽ nhìn nhau mà khoảng cách cứ xa dần khi con tàu rời bến; những ánh mắt bỡ ngỡ, ngơ ngác của những người lính mới khi còn đang ở dưới xuồng nhìn lên hòn đảo bé nhỏ mà mình sắp đặt chân lên; những ánh mắt đó lại bịn rịn, bần thần khi hoàn thành nhiệm vụ rời đảo về đất liền, xa rồi đấy mà vẫn chan chứa yêu thương; rồi những cặp mắt lại hòa trong cặp mắt khi con tàu chuẩn bị cập mạn về tới đất liền...
Bên mắt người, còn có cả những mắt biển, mắt trời bất kể ngày hay đêm đang ngời lên giữa nghìn trùng sóng gió. Đó là hải đăng, là ra-đa, là tàu trên biển đấy... Nhìn đâu cũng thấy cờ Tổ quốc, thấy mắt trùng khơi, để lại thêm vững tâm vào biển của lòng người, biển của cuộc đời mỗi con dân nước Việt”.
Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách “Mắt trùng khơi” |
Trong tập sách Nơi đầu sóng, nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái; nhà phê bình PGS .TS Văn Giá, Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, nhà thơ- nhà báo Nguyễn Quang Hưng… đã dành những chia sẻ trân trọng cho hai tác giả.
Riêng Mắt trùng khơi, phần cuối sách sẽ đăng tải trích đoạn nhật ký của những người lính biển với nhiều xúc động. Đây chính là món quà tinh thần quý giá mà những người lính dành tặng nhóm tác giả và độc giả. Phần “vĩ thanh” này có tựa đề “Tâm tình người lính” là tự sự mộc mạc, đau đáu yêu thương, trách nhiệm với gia đình, quê hương, Tổ quốc của bộ đội trên đảo, trên những chuyến tàu trực, tàu cấp hàng... vào những giờ khắc đặc biệt như: đón giao thừa trên biển, bước chân lên tàu làm nhiệm vụ, khi sóng gió bao giông...
Theo tác giả sách, đây chính là phần quan trọng làm nên giá trị của “Mắt trùng khơi” bởi đó là người thực, việc thực. Tác giả hay Nhà xuất bản không can thiệp biên tập.
Tại buổi ra mắt sách, nhà thơ – nhà báo Lữ Mai đã xúc động kể lại những khoảnh khắc khi chị ở biển đảo. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên. Chị cũng chia sẻ thêm về việc hợp tác thành công khi thực hiện đề tài này cùng Trần Thành, đặc biệt có sự giúp đỡ của thương hiệu Evashoes.
Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai |
«Ra đến biển đảo, nhìn thấy hải quân là tôi đã xúc động. Họ là những người quanh năm sống với sóng gió, nhất là những khi bão về. Ánh mắt các anh chứa nhiều cảm xúc, những hình ảnh đồng ruộng, quê hương ẩn chứa trong đó. Có ánh mắt chồng nhìn vợ, vợ nhìn chồng lúc chia xa, rồi cứ xa dần... Đó là những ấn tượng không bao giờ quên. Trần Thành mong muốn thông qua tác phẩm của mình, chúng ta hiểu và thông cảm hơn với những người lính biển đảo », nhà văn Trần Thành tâm sự.
Dưới góc nhìn của một nhà thơ, ông Hữu Việt cho rằng, viết về Trường Sa khó viết, vì đã có nhiều người và nhiều tác phẩm viết về đề tài này. Trần Thành và Lữ Mai đã tạo ra sự kết hơp giữa văn học và nhiếp ảnh, đó là cách làm mới được về đề tài Trường Sa. Hữu Việt mong cuốn sách được lan toả đến với nhiều người.
Bà Cao Thị Thanh Nga – Chủ tịch Hội đồng quản trị VIT Group – Nhà sáng lập nhãn hàng Evashoes, cảm thấy xúc động và mong tác phẩm về biển đảo sẽ đến được tay nhiều người đọc. Nhà thơ Đoàn Văn Mật (chồng nhà thơ – nhà báo Lữ Mai) cảm thấy khâm phục sức viết của hai tác giả. Hai tác giả không có cảm xúc mãnh liệt thì rất khó viết được như vậy.
Thượng tá Vũ Duy Khánh – Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 – V4HQ - đại diện binh đoàn Trường Sa, nói lời cảm ơn các nhà văn, nhà báo trong thời gian qua đã có những sẻ chia với lính biển đảo, anh cũng cảm ơn các đơn vị khác đã luôn hỗ trợ, đồng hành. Anh xin hứa, lính biển đảo sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được giao.
Giới thiệu sơ lược về nhà văn Lữ Mai - Trần Thành
Nhà thơ - Nhà báo Lữ Mai:
Sinh năm 1988
Tốt nghiệp Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
(Tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du)
Hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân Dân
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Tính đến nay, chị đã xuất bản khoảng 10 đầu sách đa dạng về đề tài, thể loại như: Thơ, truyện ngắn, tản văn.
Kỹ sư – nhiếp ảnh gia Trần Thành:
Sinh năm 1973
Anh đã 8 lần đến với Trường Sa; là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… và nhiều công trình đang ấp ủ.
Các công trình khoa học công nghệ ứng dụng vào cuộc sống của anh đã giành nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng sáng tạo Khoa học – Công nghệ Việt Nam Vifotec 2017, Bằng lao động sáng tạo năm 2018, cùng nhiều bằng khen của Bộ Tư lệnh Hải quân, Trung ương Đoàn, Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam, Tổ chức tình nguyện Liên hiệp quốc…
Ngoài ra, Trần Thành còn là nhiếp ảnh gia có tác phẩm liên tục được triển lãm trong nước và quốc tế. Anh hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, Chủ tịch Câu lạc bộ Trí thức trẻ Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các hội KH-KT Hà Nội.