Câu chuyện thực tế của nghề nuôi trồng thủy hải sản ở Cam Ranh không chỉ có nước mắt và nụ cười mà còn thấm đẫm mồ hôi, công sức bao ngày thấp thỏm “trông trời, trông đất, trông mây...”.
Đánh cược với số phận
Hiện nay, TP.Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa có khoảng 680 hecta diện tích nuôi trồng thủy hải sản. Các giống thủy hải sản được nuôi trồng có giá trị xuất khẩu cao như tôm thẻ chân trắng, cá mú, ốc hương và tu hài. Nhiều hộ gia đình sở hữu hàng chục đìa nuôi trồng thủy hải sản.
Chỉ riêng năm 2014, diện tích nuôi trồng thủy hải sản của TP.Cam Ranh đã tăng vọt thêm 120 hecta, quy mô nuôi được mở rộng, người dân tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm và chọn giống kỹ càng trước khi nuôi. Chính điều này cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, thậm chí làm giàu trên chính đìa tôm, đìa cá của mình, trở thành những hộ kinh doanh, nuôi trồng thủy hải sản giỏi.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Hồng Anh (trú tại xã Cam Thịnh Đông, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) khi anh chuẩn bị thu hoạch cá mú trân châu (một trong những giống cá mú được nuôi trồng nhiều nhất tại Cam Thịnh Đông-PV). Anh cho biết: “Cách đây vài ngày, tôi đã xuất đìa được hơn 10 tấn cá mú, bán với giá 280.000 đồng/kg. Mấy bữa nay đứng giá ở mức 240.000 đồng/kg nên tôi tiếp tục nuôi và chờ giá lên sẽ bán tiếp. Ước tính sản lượng của 4 đìa cá còn lại rơi vào khoảng gần 20 tấn nữa”.
Được biết, anh Hồng Anh đang nuôi trồng cả 3 loại hải sản gồm cá mú, tôm thẻ chân trắng và ốc hương. Diện tích toàn bộ các đìa mà anh đang sử dụng và nuôi trồng lên đến vài chục hecta, tức gần 40 đìa. Anh chia sẻ thêm: “Cá mú thì chủ yếu phục vụ thị trường nội địa gồm hai thành phố lớn là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội với số lượng lớn. Còn ốc hương, ngoài cung ứng cho thị trường trong nước, ốc được xuất khẩu sang Đài Loan và Trung Quốc. Hiện nay giá khoảng 210.000 đồng/kg. Với sản lượng khoảng trên chục tấn mà tôi đang có tại các đìa nuôi trồng, chỉ cần đứng ở mức giá này là có thể an tâm có lãi”.
Dẫn chúng tôi đi thăm các khu vực nuôi trồng thủy hải sản của mình, anh Hồng Anh nói: “Nghề nuôi trồng thủy hải sản ở đây không khác gì thả tiền xuống biển khi đầu tư. Chỉ cần thời tiết thuận lợi là những người nuôi trồng như chúng tôi có thể tính toán đến việc có lãi khi xuất đìa nuôi hải sản bởi nếu thời tiết thay đổi, cá hay ốc chết hàng loạt là trắng tay”.
Có trong tay khoảng gần 40 đìa nuôi trồng thủy hải sản, anh Hồng Anh cho biết, riêng chi phí cho thức ăn nuôi hải sản một tháng có thể lên tới hơn 500 triệu. Tiền thuê nhân công, tiền điện lên tới hàng trăm triệu nữa, ước tính toàn bộ số tiền đầu tư cho việc chăn nuôi thủy hải sản của anh Hồng Anh một tháng rơi vào khoảng gần 1 tỷ đồng, một số tiền rất lớn đối với một hộ dân nuôi trồng thủy hải sản tại TP.Cam Ranh.
Có mặt tại đìa nuôi cá mú, anh Hồng Anh nói: “Hiện nay cá mú đã có thể cho thu hoạch, rơi vào khoảng 1,2-1,8kg/con. Trọng lượng cá như vậy rất thu hút các thương lái, họ sẽ vào tận đìa thu mua rồi đưa ra thị trường luôn. Ngoài việc bao thầu đánh bắt, chất lượng và sản lượng cá đảm bảo thì lần sau, họ cứ tiếp tục thu mua theo giá thị trường. Có thời điểm, giá cá mú rơi vào khoảng 340.000 đồng/kg mà không có cá để xuất cho các thương lái”.
Theo chia sẻ của anh Hồng Anh, cá mú có nhiều loại, cá mú chân trâu, cá mú cọp... nhưng dễ nuôi hơn cả là cá mú trân châu. Thời gian cho thu hoạch rơi vào khoảng 11 tháng, cá có thể nặng đến 3kg/con nhưng nếu thời tiết không thuận lợi, chỉ cần lơ là việc trông nom, cá có thể chết hàng loạt và trắng tay ngay.
“Năm 2006, tôi có một đìa cá mú khoảng gần 3.600 con được khoảng 1kg/con nhưng vì không chú ý, thời tiết thay đổi, cá kéo theo đàn bỏ ăn nên chết hàng loạt. Do không phát hiện kịp thời, nhân công tưởng cá đói nên tiếp tục cho ăn mà không biết cá đã bị bệnh, toàn bộ sản lượng 3,6 tấn cá không thu hoạch được con nào. Đó là thất bại lớn nhất trong quá trình nuôi trồng thủy hải sản của tôi. Thời điểm đó, giá cá mú đang được thu mua cao, mất 3,6 tấn cá tương đương lỗ đến 1,5 tỷ đồng”.
Về nguồn giống, anh Hồng Anh cho biết có thể mua từ công ty trong nước tại TP.Phan Rang-Tháp Chàm hoặc các công ty liên kết với nước ngoài từ Indonesia, Đài Loan với giá dao động khoảng 20.000 đến 25.000 đồng/con có chiều dài từ 6-7cm.
Cứ hai ngày lại cho cá ăn một lần vào buổi sáng hoặc chiều, thường xuyên thay nước. Buổi sáng nước thủy triều lên thì thay nước trong đìa, buổi chiều nước thủy triều xuống thì cho nước ra, việc làm này vừa đảm bảo vệ sinh đìa nuôi, đồng thời tăng cường nguồn lợi vi sinh vật cho cá để phát triển.
“Thả khoảng 13.000 con cá mú nhỏ, đến thời điểm thu hoạch chỉ cần còn một nửa là đã có lãi hoặc chí ít hòa vốn. Trong quá trình nuôi, cá có thể bị chết hoặc cá lớn ăn cá nhỏ nhưng phải thường xuyên theo dõi, khi cá đến trọng lượng nhất định, có thể tách đìa, thả cá sang đìa mới để đảm bảo cá phát triển thêm hoặc thả lứa mới. Thông thường, cá mú trân châu rất ham ăn nhưng nếu không đảm bảo các điều kiện cần thiết về môi trường, kỹ thuật chăn nuôi, chưa chắc người nuôi trồng như chúng tôi đã có thể thu lại được vốn đầu tư”, anh Hồng Anh cho biết.
Anh Hồng Anh chia sẻ với phóng viên |
Chia sẻ điều này, người đàn ông nổi tiếng TP.Cam Ranh này cười: “Khi đến với nghề nuôi trồng thủy hải sản năm 2005, nhiều anh em bạn bè đều bảo tôi phải suy nghĩ kỹ vì thành công có thể lớn nhưng rủi ro thì cũng cao không kém. Nhưng khi chấp nhận rồi thì cứ thế làm thôi. Hồi đó, người nuôi trồng thủy hải sản tại TP.Cam Ranh cũng rất nhiều, không ít người cũng thành công và làm giàu. Tôi mua hai đìa để nuôi cá với diện tích khoảng hơn 2000 m2. Từ nạo vét đến đưa nước, dẫn điện vào đìa rất vất vả. Rồi đi học hỏi kinh nghiệm từ những người đã làm, đã thành công. Vậy mà năm đầu tiên tôi vẫn thất bại”.
Dừng lại một lát, anh nói tiếp: “Nhưng nếu thất bại mà không làm lại hoặc không nhiệt huyết để tiếp tục thì ngay từ đầu tôi đã không đặt tay làm. Tôi quyết định làm lại. Học hỏi kỹ những điều cần thiết, thậm chí cắp sách hỏi thêm những kỹ sư nông nghiệp để họ chỉ dẫn cho các biện pháp kỹ thuật, tìm con giống tốt, tận dụng diện tích của mình để vừa thả cá, vừa thả ốc. Chỉ năm sau là tôi bắt đầu có lãi”.
Có nhiệt huyết mới thành công
Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, anh Hồng Anh cho biết, mình cũng không có bí quyết gì phải giấu giếm. Thành công của anh hôm nay và diện tích nuôi trồng thủy hải sản ngày càng được mở rộng, lãi nhiều nhờ vào “nhiệt huyết” và “thi gan” với thất bại của chính mình. Anh cho rằng, nếu chỉ nuôi một loại thủy hải sản trên diện tích rộng, các yếu tố thời tiết, môi trường thuận lợi có thể thu lãi rất cao nhưng nếu đầu tư như vậy, khi rủi ro, người nuôi trồng hoàn toàn tay trắng, nợ nần chồng chất.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại của bản thân và nhiều mô hình nuôi trồng khác, anh đầu tư vào cả 3 loại hải sản đang có thế mạnh lớn tại TP.Cam Ranh gồm ốc hương, cá mú và tôm thẻ chân trắng. Với mỗi loại hải sản đều phải có kỹ thuật chăn nuôi riêng, biện pháp kỹ thuật riêng nhưng nếu trường hợp tôm thẻ chân trắng không được giá, cá mú và ốc hương sẽ bù lại phần lỗ chi phí, khi đó người nuôi không bị thua lỗ thêm. Ngoài ra, anh Hồng Anh còn tạo động lực cho những người làm công bằng cách sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận từ đìa cá, tôm hay ốc hương.
Anh nói: “Hiện giờ tôi có khoảng 20 nhân công, ngoài lương cơ bản mỗi người khoàng 4-5 triệu đồng, nếu nhân công làm tốt cho mình thì tất cả sẽ được chia lợi 10% từ toàn bộ tiền lãi khi xuất hải sản. Lãi được 1 tỷ đồng, họ sẽ được 100 triệu. Cách làm nay tuy không mới nhưng tạo được động lực cho người làm công, họ sẽ bỏ công sức để chăm bón cho hải sản cho đến ngày được thu hoạch, bởi họ làm như vậy cũng là làm giàu cho chính họ chứ không riêng gì chủ đìa”.
Thông thường, cá mú sau 11 tháng, ốc hương sau 8 tháng và tôm từ 3 đến 4 tháng là có thể thu hoạch. Anh Hồng Anh nói: “Đầu tư nuồi trồng thủy hải sản tốn rất nhiều công sức chăm lo, từ thức ăn, nguồn nước đến việc ngăn ngừa dịch bệnh cho hải sản nuôi. Chỉ cần lơ là không để ý, kiểm tra thường xuyên, tôm hay ốc sẽ bị chết hàng loạt. Thậm chí chết rất nhanh do tốc độ lây lan của dịch bệnh. Cả một đìa ốc hương mà chết chỉ vài ngày không sao cứu kịp, tôm nếu chết thì chỉ có cách bán tháo chứ ốc chết hàng loạt là thua ngay”.
Mặc dù không chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng thời tiết trong khoảng vài năm trở lại đây thay đổi nên người nuôi trồng thủy hải sản tại Cam Ranh không khỏi lo lắng mỗi khi thả giống. Câu “trông trời, trông đất, trông mây” chính là thể hiện những lo lắng đó của họ. Bởi chỉ cần thời tiết thay đổi sẽ ảnh hưởng nhất định đến toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy hải sản. Sự thay đổi đột ngột từ những yếu tố môi trường sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới sự phát triển của các loại thủy hải sản đang được nuôi thả trong các đìa của người dân tại TP.Cam Ranh.
“Nghề nuôi hải sản cũng cực lắm! Càng đến gần thời điểm thu hoạch càng phải mất nhiều công sức chăm lo. Trắng đêm kiểm tra nguồn điện để đảm bảo việc ôxy cho tôm, thức ăn cho cá hay ốc là chuyện mà ai cũng phải trải qua. Mỗi lần đầu tư thả con giống, nếu trời thương cho “trúng” thì được nhờ, còn lỡ “trật” thì người nuôi sẽ chẳng còn lại gì cả. Có thể chỉ sau một đêm đến sáng hôm sau nhìn đìa chỉ muốn khóc”, anh Hồng Anh nói.
Qua lời kể của người đàn ông này, chúng tôi nhận thấy ở trong anh là cả một tấm lòng gửi gắm vào những mảnh đất nơi đây. Bề ngoài sôi nổi, hào hứng là vậy nhưng trong anh luôn là những trăn trở, từ chuyện cơn mưa, cái nắng mỗi ngày sao cho “tôm cá đầy ghe”; đến chuyện lo cái ăn cái mặc cho những người lao động mà anh coi như những người anh em ruột thịt của mình, bởi họ cũng đổ biết bao mồ hôi, công sức xuống những đìa tôm cá cùng anh bất kể tháng ngày. Chẳng cần nói nhiều về nỗi vất vả, tâm tư của anh đổ xuống mảnh đất này, chỉ cần nghe chuyện vợ con anh than vãn có những năm mùa vụ san sát, tính ra số ngày anh ăn cơm cùng vợ con không quá... 10 đầu ngón tay.
Thấp thỏm chờ tin vui
Tiếp tục tìm hiểu về nghề nuôi hải sản tại đây, chúng tôi được biết gia đình ông Trần Thanh Phong (xã Cam Thịnh Đông, TP.Cam Ranh gắn bó với nghề nuôi trồng hải sản hàng chục năm nay. Trước đây gia đình ông đã từng nuôi các loài hải sản như tôm sú, tôm thẻ, cá chẽm...
Sau một thời gian, ông nhận thấy hiệu quả của các đối tượng nuôi này mặc dù cao nhưng độ rủi ro cũng cao không kém. Quyết định thay đổi cách làm cũ, ông Phong đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đìa của gia đình sang nuôi ốc hương thương phẩm. Hiện tại gia đình ông nuôi hơn 4 sào ốc hương, chia làm 2 ao. Bình quân mỗi năm nuôi 2 vụ, mỗi vụ 6 tháng. Với sản lượng trên 20 tấn ốc hương thương phẩm, giá bán “ổn định” khoảng 190 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 2 tỷ đồng.
Theo ông Phong: ốc hương là loài hải sản dễ nuôi nhưng yêu cầu kỹ thuật khá cao. Hàng ngày phải thay nước trong đìa nuôi và vệ sinh thường xuyên vì nguồn nước ô nhiễm sẽ gây ra dịch cho ốc. Thức ăn của ốc hương là các loài cá, cá con nhỏ nhưng phải tươi. Nuôi ốc hương đầu tư khá cao, mỗi sào khoảng 500 đến 700 triệu đồng tiền giống, công và thức ăn... Chi phí đầu tư cao, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn, độ mặn trong đìa giảm xuống, ốc sẽ chết sạch, người nuôi trắng tay.
Anh Lê Thanh Hải, làm công cho gia đình ông Phong cho biết: “Ngoài nước “bạc” (tỷ lệ nước ngọt trong ao nuôi cao) dẫn đến ốc chết hàng loạt thì bệnh sưng vòi trên ốc hương cũng gây thiệt hại lớn, nếu phát hiện sớm thì có thể cứu được, chứ để đến khi lây lan, bệnh sẽ phát triển rất nhanh, người nuôi mất trắng”. Đã không ít lần những người nuôi ốc tại xã Cam Thịnh Đông phải mất ăn mất ngủ vì ốc.
Anh Hải kể: “Mới năm ngoái thôi, khi chuẩn bị thu hoạch thì gặp mưa lớn, ốc chết, cả đìa mất trắng mấy trăm triệu đồng. Hay như trời chỉ cần mưa liên tục một tuần, ốc mới thả nuôi, sức đề kháng còn yếu, chúng tôi chỉ còn biết cầu trời cho mưa ít để ốc khỏi chết”.
Xã Cam Thịnh Đông là xã có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Trong khoảng 3 năm nay, diện tích nuôi ốc hương của địa phương không ngừng tăng, từ 6 hecta ban đầu đến nay toàn xã đã nhân rộng lên gần 70 hecta. Riêng trong năm 2015, diện tích đã tăng vọt lên 120 hecta. Ông Lê Hữu Ngạn (Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông, TP.Cam Ranh) cho biết, hướng của chính quyền địa phương là vận động bà con mở rộng thêm diện tích nuôi ốc hương vì thu nhập rất cao. Việc nuôi ốc hương ổn định hơn các loài nuôi khác như cá mũ, cá chẽm, tôm thẻ, tôm sú vì dịch bệnh ít xảy ra.
Theo bà Nguyễn Thị Hương (cán bộ thuộc Trung tâm Khuyến nông-khuyến lâm-khuyến ngư, TP.Cam Ranh) cho biết, ốc hương có giá trị kinh tế cao, sống chủ yếu ở môi trường có nền đáy là cát. Thức ăn ưa thích của chúng là động vật thân mềm, nhuyễn thể, cá tạp...
Ốc hương ưa những vùng nước có độ mặn cao, nhiệt độ thích hợp từ 26-280C, độ pH từ 6-9, môi trường nước nuôi ốc phải luôn sạch. Tuy nhiên, loài hải sản này sống bằng thức ăn tươi nên khả năng gây ô nhiễm nước rất lớn. Khi nước ô nhiễm, ốc sẽ bỏ ăn, mắc bệnh và chết. Bên cạnh đó, ốc hương là loài nhạy cảm với môi trường nên phải thả nuôi với mật độ vừa phải, ốc lớn hơn phải san thưa. Việc thay nước thường xuyên sẽ giúp ốc hương phát triển nhanh hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hồng Anh cho biết: “Trên thị trường, ốc hương thương phẩm hiện có giá 210.000 đồng/kg là giá thu mua cao nhất. Theo tính toán, nếu thuận lợi thì với 1,2 triệu con giống thả nuôi, tỷ lệ hao hụt khoảng 15-20%, dự kiến vụ này tôi có thể thu được hơn chục tấn ốc, đảm bảo có lãi”.
Tuy nhiên, nhiều người nuôi ốc hương tại xã Cam Thịnh Đông nhận định, từ năm 2010 trở về trước, không ít ngư dân đã làm giàu từ nuôi ốc hương nhưng đến thời điểm này, việc nuôi ốc hương không còn dễ dàng. Nguyên nhân chính được người nuôi đưa ra chủ yếu do thời tiết thay đổi thất thường, đầu ra không ổn định, phong trào nuôi ốc phát triển một cách tự phát, thiếu quy hoạch vùng nuôi hợp lý nên một khi dịch bệnh xảy ra sẽ thiệt hại nặng.
Do vậy, nhiều ngư dân chia sẻ, kết thúc vụ nuôi này họ sẽ phải tính toán lại hiệu quả của con ốc so với tôm thẻ chân trắng và cá mú để phát triển các đối tượng nuôi phù hợp và tránh thiệt hại nặng. Mô hình nuôi thả cùng lúc nhiều loại hải sản trên cùng diện tích đìa hoặc nhiều đìa khác nhau của anh Hồng Anh chính vì thế đã được nhiều người học hỏi.
Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng, nếu không được thời tiết ủng hộ hay nói cách khác là mưa gió thất thường, người nuôi trồng hải sản chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, lao đao hoặc thua lỗ nặng. Câu chuyện “thả tiền xuống biển, rủi may nhờ trời” thường xuyên được nhắc đến dù trong thâm tâm những người nuôi hải sản, họ lúc nào cũng thấp thỏm lo lắng vì nhiều lý do cho đến tận ngày được thu hoạch mới có thể biết mình có được đền đáp hay không sau bao ngày mồ hôi nước mắt trông ngóng.