Ngay sau khi TAND TP Hồ Chí Minh tuyên bản án buộc Công ty TNHH Grab Việt Nam phải bồi thường 4,8 tỷ cho Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), bằng hơn 10% số tiền yêu cầu, VKS TP Hồ Chí Minh đã kháng nghị bản án này và Grab cũng kháng cáo. Dư luận sôi sục, bất bình trước một bản án rất ngang trái, khi Grab phải chịu trách nhiệm cho thất bại về doanh số và lợi nhuận của Vinasun, mà nguyên nhân đến từ những lý do không thuộc về lỗi của Grab. Bản án của TAND TP Hồ Chí Minh tạo ra một tiền lệ xấu khi xét xử không phù hợp với nguyên tắc căn bản của pháp luật về bồi thường dân sự ngoài hợp đồng.
Theo kháng nghị của VKS TP Hồ Chí Minh, bản án sơ thẩm mà TAND TP Hồ Chí Minh tuyên đã đi ngược với quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, khi buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun trong khi không xác định được lỗi của Grab trong việc gây ra tình trạng doanh thu sụt giảm cũng như mối nhân quả giữa thiệt hại và lỗi. Doanh thu của Vinasun bị sụt giảm, đơn giản vì khả năng cạnh tranh kém so với Grab và Uber, loại hình dịch vụ gọi xe dựa trên nền tảng di động, hay còn gọi là taxi công nghệ.
Trong quyết định kháng nghị bổ sung của VKS cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, một lần nữa nội dung này được làm “sâu sắc hơn”.
Cụ thể, quyết định kháng nghị nêu Grab hoạt động tại Việt Nam là hợp pháp, phù hợp với Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ vận tải. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng. Đặc biệt là Quyết định số 24/QĐ-BGTVT về Kế hoạch thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24).
Về yêu cầu Grab bồi thường 41 tỷ của Vinasun, VKS cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nhận định, việc Tòa án căn cứ chứng thư giám định cho rằng Vinasun bị thiệt hại hơn 85 tỷ đồng từ 1/2016 đến hết tháng 6/2017 từ đó xác định khoản thiệt hại thực tế của Vinasun là phiến diện, không có cơ sở thực tế và pháp lý.
“Thực tế sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của Vinasun (nếu có) liên quan đến các yếu tố khách quan và chủ quan, như: năng lực quản trị doanh nghiệp, chính sách của nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện vận tải hành khách, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng. Do vậy, Vinasun yêu cầu Grab bồi thường là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật”, bản kháng nghị nêu rõ.
Điều thú vị là, trong văn bản kháng nghị đã nêu ra một nguyên nhân có tính sống còn mà bản án sơ thẩm đã “lờ tịt”. Đó là báo cáo về nguyên nhân dẫn đến doanh thu của Vinasun bị sụt giảm của Công ty TNHH Nghiên cứu và tư vấn Quốc Việt. Theo đó, việc người tiêu dùng không còn ưu tiên cho Vinasun vì “giá mắc hơn so với các dịch vụ taxi mới, dịch vụ không tốt bằng, xe cũ, có mùi hôi, app (ứng dụng) không tiện dụng”.
Như vậy, doanh thu của Vinasun sụt giảm (nếu có) là do việc người tiêu dùng không lựa chọn Vinasun mà lựa chọn Grab vì sự ưu thế của nó so với taxi truyền thống khác. Mà theo Đề án 24 thì có 9 đơn vị tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng và nhiều hãng khác cạnh tranh với Vinasun trong vận tải hành khách nên những vi phạm (hành chính) của Grab không phải là nguyên nhân thiệt hại của Vinasun.
“Sự tồn tại cuả Grab phù hợp với xu hướng phát triển của nước ta hiện nay, trong những năm tới và lâu dài. Bởi giúp người dùng tiếp cận dịch vụ hoàn toàn mới, không chỉ giá cước rẻ hơn mà chất lượng dịch vụ tốt hơn, phá thế độc quyền của taxi truyền thống. Quy luật của kinh tế thị trường, ai không thích nghi được tất yếu sẽ bị bị đào thải…. Nếu có vấn đề gì (vi phạm) thì Grab phải chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ trước cơ quan nhà nước chứ không phải với Vinasun, đồng thời Grab không có lỗi nên không thể buộc Grab bồi thường cho Vinasun”, Kháng nghị nhấn mạnh.
Từ những đánh giá này, VKS cấp cao tại TP Hồ Chí Minh khẳng định bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh không có căn cứ pháp luật, đề nghị sửa án và bác yêu cầu của Vinasun.
Quyết định kháng nghị của VKS cấp cao không chỉ lột tả những bất hợp lý trong bản án sơ thẩm mà còn nói thay điều những người yêu mến sự công bằng chưa thể lên tiếng.
Trong bài báo “Bản án tạo tiền lệ xấu với những hậu quả khó lường” mà Báo Pháp luật Việt Nam đăng ngày 31/12/2018, các luật sư được hỏi về vụ việc này cũng đã nêu rõ các căn cứ pháp lý và thực tiễn cho thấy, bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh đã ban hành một bản án đi ngược với luật lệ của nền kinh tế thị trường.
Theo Luật sư Trần Việt Hùng thì trong kinh doanh thì việc tăng, giảm doanh thu thường đến từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và buộc đối thủ cạnh tranh trực tiếp phải bồi thường cho kết quả làm ăn bết bát của mình là vấn đề khó chấp nhận được. Nếu Grab vi phạm Đề án 24 thì Nhà nước xử phạt vi phạm Grab (nếu có quy định về xử phạt) chứ doanh nghiệp khác không thể lấy đó là cơ sở hay lý do đòi bồi thường được vì bản chất, Grab không xâm phạm quyền sở hữu tài sản của đối thủ cạnh tranh. Cái mà Grab lấy đi là “thị phần” là khách hàng. Nhưng, việc khách hàng chọn Grab mà không chọn Vinasun là quyền của khách hàng. Do đó, việc buộc Grab phải bồi thường Vinasun vì lý do này là không thỏa đáng.
Ai cũng hiểu rõ quy luật cạnh tranh là người có ưu thế hơn thì thắng, kẻ yếu thế thì thua. Việc này là quy luật của kinh tế thị trường nên việc can thiệp từ Nhà nước bằng một bản án như vừa tuyên thì thật khó chấp nhận.
Luật sư Lê Văn Kiên thì khẳng định, Vinasun là doanh nghiệp taxi có thị phần lớn nhất, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xu hướng sử dụng xe công nghệ bằng dịch vụ gọi xe. Những doanh nghiệp khác, cụ thể là Mai Linh cũng không nằm ngoài việc ảnh hưởng này. Nếu bản án này có hiệu lực, ngay lập tức nó sẽ trở thành án lệ và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi (gọi là taxi truyền thống) sẽ khởi kiện Grab và việc của họ chỉ là chứng minh thiệt hại mà không cần phải nêu ra cơ sở pháp lý nữa bởi bản án vừa rồi chính là án lệ mà tòa không thể xử khác.