Cuộc chiến pháp lý giữa Vinasun - Grab chưa hồi kết |
Cuộc chiến “nhận định” pháp lý
Năm 2018, có “sự kiện” pháp lý quá đặc biệt, tốn nhiều giấy mực của báo giới đó là phiên toà xét xử vụ kiện dân sự “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) với bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).
Sau hơn 1 năm Vinasun chính thức đâm đơn kiện, TAND TPHCM 5 lần hoãn phiên tòa để thu thập, bổ sung, xem xét chứng cứ làm rõ các nội dung của vụ án. Và tới ngày ngày 28/12/2018, TAND TPHCM mới tuyên án được vụ kiện này. Theo đó, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỷ đồng cho Vinasun, bác phần đòi bồi thường còn lại.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun và trong suốt quá trình xét xử, đại diện nguyên đơn giữ nguyên quan điểm yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại và hoàn toàn đồng ý kết quả giám định cũng như văn bản giải thích của Công ty cổ phần thẩm định - giám định Cửu Long (gọi tắt là Cửu Long).
Vinasun cho rằng Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, không phải doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như Đề án 24 (Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng).
Vinasun khẳng định: Sự xuất hiện của Grab với các chương trình khuyến mãi tràn lan, cuốc xe 0 đồng khiến khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab gây thiệt hại cho Vinasun nên yêu cầu Grab bồi thường hơn 41,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên theo phía Grab, ngoài lĩnh vực taxi, việc sụt giảm doanh thu của Vinasun không phải do Grab gây ra. Kết luận giám định đã không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab đối với thiệt hại của Vinasun nên yêu cầu tòa đình chỉ vụ án.
Quá trình xét xử, HĐXX nhận định việc Vinasun cho rằng theo Đề án 24 thì Grab không có chức năng kinh doanh vận tải nhưng lại thực hiện hoạt động này nên gây thiệt hại cho Vinasun. HĐXX xét thấy căn cứ các chứng cứ cũng như lời khai nhân chứng, người liên quan thì Grab giao dịch với hành khách bằng phương thức kết nối phần mềm. Hoạt động này chính là kinh doanh vận tải điện tử, chứ không đơn thuần chỉ là cung ứng phần mềm kết nối.
Ngoài ra, Grab còn có các vi phạm đã bị cơ quan chức năng xử phạt như: Vi phạm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không đăng ký, không niêm yết theo quy định khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”, khuyến mãi gửi trực tiếp vào email cá nhân, vi phạm hai hợp đồng trên một chuyến xe...
Dù Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Grab dừng dịch vụ GrabShare nhưng Grab không chấp hành... HĐXX nhận định Grab có hành vi vi phạm Đề án 24. Việc Vinasun khởi kiện cho rằng Grab kinh doanh gây thiệt hại cho Vinasun là có căn cứ...
Về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật của Grab và thiệt hại của Vinasun, đó là xe của Grab càng tăng thì xe Vinasun nằm bãi càng nhiều, giảm giá trị vốn hoá thị trường là có mối quan hệ nhân quả.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng về vấn đề giảm vốn hoá thị trường của Vinasun còn có nhiều yếu tố, không xác định cụ thể được phần nào do Grab gây ra...Từ các nhận định trên, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỉ đồng cho Vinasun, bác phần đòi bồi thường còn lại...
Trước đó, trong lần thứ 4 mở phiên tòa, ngày 23/10/2018, đại diện VKSND TPHCM cho rằng Grab lợi dụng Đề án 24 để kinh doanh vận tải taxi. Hành vi trái pháp luật của Grab là thực hiện không đúng Đề án 24, vi phạm khoản 4 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014 về “Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”; có hành vi khuyến mại trái với khoản 4 Điều 9 Nghị định 37/2006.
Từ đó Viện KSND TPHCM đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường một lần số tiền thiệt hại trên 41,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 28/12/2018 chính đại diện Viện KSND TPHCM thay đổi quan điểm khi cho rằng, Vinasun đã không đưa ra được những căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại cho mình. Vì vậy không đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc Grab phải bồi thường số tiền là 41,2 tỷ đồng.
Tư duy quản lý và cuộc sống
Bên lề phiên tòa, có chuyện “rất vui”: Sau khi HĐXX tuyên án, hàng trăm lái xe của Vinasun cầm cờ Tổ quốc, biểu ngữ và hát bài hát kỷ niệm 50 năm ngành Tòa án. Nó gợi lên điều gì đây? Chắc chắn là không ổn trong tư duy, nhận định và vận dụng luật pháp trong tố tụng, dẫu là tố tụng kinh tế hay tố tụng dân sự.
Ngoài việc tuyên Vinasun thắng cuộc, HĐXX cũng kiến nghị Bộ GTVT, các cơ quản lý hoạt động của Grab theo quy định, sửa đổi Đề án 24 (hiện còn hiệu lực pháp luật) cho hợp lý với thực tiễn. HĐXX cũng kiến nghị Bộ Tài chính quản lý giá cước, thuế của Grab theo quy định; kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét trách nhiệm của Grab trong việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, thất nghiệp cho người lao động theo quy định.
Trong thông báo phát đi, Grab cho rằng bản án sơ thẩm đã đi ngược với mục tiêu theo đuổi định hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số của Chính phủ Việt Nam. Phương thức “phản cạnh tranh” của Vinasun đã thành công trong việc cản trở đổi mới sáng tạo - đây là một bước thụt lùi nghiêm trọng.
“Bản án này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp truyền thống khác và gián tiếp khuyến khích họ tìm lối thoát dễ dàng và duy trì tình trạng trì trệ bằng cách kiện các đối thủ, thay vì cần liên tục đổi mới, ứng dụng công nghệ để duy trì ưu thế cạnh tranh.
Một vụ án với bản chất phản cạnh tranh như thế này thật sự đang tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư nước ngoài và đặt ra những điều kiện kinh doanh vô cùng thử thách đối với các công ty công nghệ cao cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
Bản án cũng có thể đưa ra tín hiệu rằng các công ty giờ đây không cần phải đổi mới, tư duy sáng tạo nữa khi không đủ khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường”, Grab nêu quan điểm.
Có nhiều “cái lý” để Grab “không hài lòng”. Ví dụ, HĐXX bỏ qua kiến nghị của đại diện của VKSND TPHCM rằng, Vinasun đã không thể chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa các thiệt hại nếu có của họ và những cáo buộc vi phạm pháp luật mà họ đưa ra với Grab.
Đại diện cơ quan công tố còn đánh giá việc Công ty Cửu Long tiếp tục vắng mặt để tham gia quá trình tranh luận là vi phạm quy định pháp luật và nhấn mạnh có nhiều sai sót rõ ràng và cơ bản trong phương pháp tiếp cận và cách tính toán thiệt hại của Cửu Long, từ đó không thể đưa đến kết luận rằng hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam là nguyên nhân duy nhất gây ra sự sụt giảm lợi nhuận của Vinasun.
Với rất nhiều nội dung không rõ ràng, nhiều sai sót và nhiều câu hỏi chưa được trả lời, người ta, nếu không nghi ngờ phiên tòa thiếu công bằng và sai trình tự tố tụng rõ ràng cũng dễ nhận ra HĐXX đã rất lúng túng. Grab cho biết họ sẽ kháng cáo với phán quyết sơ thẩm này của TAND TPHCM. Như vậy, “đại chiến” pháp lý giữa Vinasun và Grab xem ra tiếp tục “nhùng nhằng”.
Xây dựng các khuôn khổ pháp lý đối với dịch vụ xe hợp đồng điện tử là một công việc phức tạp - từ Đề án thí điểm theo Quyết định 24 cho đến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Không công bằng khi xác định bản chất doanh nghiệp trong khi khung pháp lý cho xe hợp đồng điện tử vẫn còn đang trong quá trình thảo luận, chỉnh sửa.
Nhiều người quan tâm đến vụ án “gợi mở” này hy vọng phán quyết của Tòa án không ảnh hưởng đến nỗ lực và cam kết hướng đến Cách mạng 4.0 của Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan, tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh mới như xe hợp đồng điện tử có thể phục vụ người dân một cách tốt nhất trong bối cảnh hội nhập kinh tế giai đoạn mới.
Luật sư Trần Đình Triển – Chủ nhiệm Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: “Các cơ quan nhà nước phải dự báo và đưa ra chính sách quản lý có tầm nhìn, chứ không phải chỉ “chạy theo” hoặc tạo ra rào cản xu thế”. Theo ông, mô hình ứng dụng công nghệ của Grab là xu thế, vấn đề là tư duy quản lý phải đi trước.