“Đồng phạm xã hội đen”?
Trong vụ án Trần Văn Dũng (tức Dũng Mỗ, SN 1967, ngụ quận 4, TP.HCM) và đồng bọn bị bắt vào 3/7/2002, có một người vô tội tự dưng dính án oan.
Trong vụ án Trần Văn Dũng (tức Dũng Mỗ, SN 1967, ngụ quận 4, TP.HCM) và đồng bọn bị bắt vào 3/7/2002, có một người vô tội tự dưng dính án oan.
Đó là ông Trần Văn Hạnh (SN 1942, ngụ 33/4 Tăng Bạt Hổ, quận Bình Thạnh) bị giam oan 834 ngày (từ 3/7/2002 - 15/10/2004).
Người chạy xích lô kiếm cơm qua ngày bất ngờ bị truy tố là “đồng phạm trong vụ án cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, gây rối trật tự nơi công cộng”.
Sự việc bắt đầu từ năm 1998, Dũng đứng ra lập một bãi xe xích lô và xe ôm tại khách sạn Embassy (đường Nguyễn Trung Trực, quận 1). Lúc này, ông lão chạy xích lô thấy nơi đây có nhiều du khách mới xin vào.
Cuộc đời ông Hạnh tan nát từ khi khi ông bị bắt oan |
Trong bãi xe có quy định phải nộp một khoản tiền nhỏ gọi là “quỹ tương trợ”. Cứ đạp 1 cuốc được 50 ngàn đồng thì nộp 3ngàn, 30 ngàn thì nộp 2 ngàn.
“Số tiền này được dùng để cho các anh em khó khăn vay mượn, thăm hỏi lúc ốm đau và quà Tết. Đây không phải tiền bảo kê, ai cũng nộp như thế. Và tôi là người ghi chép”, ông Hạnh trình bày.
Ông cho biết: “Tôi chỉ quản lý “quỹ tương trợ” với số tiền rất ít. Trước đây người khác quản lý nhưng họ thường xuyên làm mất tiền của anh em. Thấy tôi già, lại ghi chép rất rõ ràng, chi tiết nên Dũng mới nhờ làm giúp, không ăn lương bổng gì”.
Năm 2002, trên bãi xe xảy ra đến 5 vụ đánh nhau. Thậm chí Dũng còn cho người đánh cả công an. Công an quận 1 quyết định truy tố 6 người, trong đó có cả ông Hạnh với vai trò “đồng phạm”.
Dù cánh tài xế ra sức thuyết phục, rằng sự thật số tiền là do tự nguyện đóng góp, nhưng cơ quan tố tụng vẫn ra quyết định tạm giam ông Hạnh.
Các bị can trong vụ án bị tạm giam tới 2 năm là do hồ sơ từ VKSND quận 1 chuyển lên VKSND TP.HCM bị bác bỏ, liên tục trả về điều tra bổ sung.
Cơ quan tố tụng quận 1 buộc phải trả tự do cho ông Hạnh, không tuyên bố ông vô tội mà ra quyết định:
“Xét thấy: Hành vi cùng đồng bọn “cưỡng đoạt tài sản; gây rối trật tự nơi công cộng” của bị can Châu Văn Hạnh không cần thiết phải truy tố trách nhiệm hình sự”.
Ông Hạnh phẫn nộ: “Không cần thiết truy tố. Vậy hơn 2 năm sống trong nhà giam là sao. Tôi đã chịu biết bao nhiêu oan ức, tủi nhục khi còn ở tù. Họ kết thúc vụ án như vậy để hợp lệ, để khỏi phải bồi thường hay sao?”.
Tan nát cuộc đời
Ngày còn đạp xích lô, tuy công việc hết sức nặng nhọc, ông vẫn có cái ăn cái mặc hằng ngày cho vợ con. Ông Hạnh cứ ngỡ đời mình sẽ an nhàn cuối đời khi đứa con trai bắt đầu vào đại học. Ngày ông bị bắt, mọi thứ chấm hết, mọi mơ ước tan nát.
“Trong suốt 2 năm tôi ở tù, vợ tôi thay đổi. Không biết do cô ấy thấy tôi lao tù mà thay đổi tình cảm; hay vì không chịu được sức ép của người thân, bạn bè; vợ tôi đành trốn chạy”, ông Hạnh rưng rưng.
Bà đưa đơn ly dị khi ông còn ở trong trại giam. Rồi bà bỏ nhà, bỏ con, lên Đà Lạt sinh sống.
Anh em, bạn bè thân thiết bấy lâu, nghe loáng thoáng ông Hạnh dính vào việc “bảo kê cho vay nặng lãi” cũng sợ sệt, dần xa lánh, cự tuyệt, không giao du với ông. Ông gần như tuyệt vọng khi không ai tin ông bị oan.
“Cả đời ăn ở hiền lương, nay tan nát vì án oan. Ngoài những anh em chạy xích lô tứ tán khắp nơi thỉnh thoảng gặp lại, ai cũng bỏ rơi tôi”, ông trầm ngâm.
Hi vọng trong ông lại nhen nhóm là nhờ đứa con trai. Cha bị bắt khi đứa con trai đầu lòng vừa mới chân ướt chân ráo vào đại học. Cha đi tù, mẹ bỏ đi, anh lao vào việc tự kiếm tiền trang trải việc học.
“Nó thường thăm nuôi. Hỏi tiền ở đâu có, nó bảo đi làm thêm buổi tối. Lúc ấy tôi đã khóc, khóc vì thương con, khóc vì không lo được cho con như bao người cha khác. Vậy mà nó lại an ủi tôi. Nó không tin tôi phạm tội. Nó thường nói “con biết ba bị oan. Một ngày nào đó, ba sẽ được ra ngoài và người ta phải công nhận sai lầm””, ông Hạnh kể lại.
Quyết định đình chỉ điều tra bị can với ông Hạnh |
Ông Hạnh như được tiếp thêm sức mạnh, liên tục kêu oan. Ngày được trả tự do, ông Hạnh không thể tả được niềm vui của mình “dù người ta chỉ trả tự do cho tôi bằng một quyết định nhằm chạy tội”.
“Cuộc đời tôi, gia đình tôi ly tán cũng vì lời buộc tội ngớ ngẩn. Tôi sẽ đi kiện tiếp”, ông Hạnh nói.
Ngày Dũng và đồng bọn ra tòa, ông Hạnh cũng được mời đến dự. Ông yên tâm hơn khi trong bản cáo trạng không có một dòng, một chữ nào nhắc đến ông.
“Từ đó đến nay, đã 12 năm rồi, năm nào tôi cũng miệt mài soạn đơn gửi các cấp từ trung ương đến địa phương yêu cầu bồi thường những ngày tù oan, những thiệt hại mà cơ quan tố tụng đã gây ra cho tôi.
Nhưng suốt 12 năm qua, cơ quan cấp cao có chỉ đạo gì đi nữa thì cơ quan cấp dưới (quận 1) vẫn nhất định không chịu bồi thường, không chịu xin lỗi. Họ vin vào cái quyết định đình chỉ khởi tố. Họ cho rằng tôi có phạm tội nhưng chưa đến mức bị truy tố Hình sự và việc ở tù để điều tra là đúng luật.
Nhưng đúng ở chỗ nào, khi mà oan sai khiến tôi phải lao đao cả đời người. Ở cái tuổi 73 vẫn phải ôm đơn đi kiện, đi đòi công lý. Nay tóc tôi đã bạc trắng mà lòng người vẫn bạc với tôi đến thế hay sao”, ông lão phẫn uất./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com