Quỳ Hợp (Nghệ An): Đánh cược mạng sống với cầu tre tạm

Cầu tạm - nỗi lo của học sinh những ngày mưa lũ
Cầu tạm - nỗi lo của học sinh những ngày mưa lũ
(PLO) - Chiều muộn, khi mặt trời khuất sau ngọn núi, các em học sinh vội vã trở về nhà sau những tiết học tại trường, có mặt tại cây cầu tạm bằng tre nứa được người dân làm tạm để “nối liền văn minh” tại bản Sơn Tiến và trung tâm xã Thọ Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).
Trên khuôn mặt những đứa trẻ lộ rõ sự mệt mỏi, bụng đói meo, lo lắng cố đẩy chiếc xe đạp qua cây cầu tạm để về nhà.  
Mấy đời qua cầu tạm
Em Lê Thị Hương cho biết: “Một ngày cháu đi qua cầu 4 lần để đến lớp, chiều về nhiều khi đi một mình sợ lắm. Có nhiều hôm, sáng đi qua cầu, chiều đi học về không thấy cầu nữa vì mưa lũ cuốn trôi mất, lại phải ở lại nhà bạn mai đi học, chờ làm lại cầu để về nhà…”. 
Cây cầu tạm này bắc qua khu vực sông Dinh, cầu hoàn toàn làm bằng tre, người dân tự góp tre, góp công sức để dựng cầu tạm đi qua sông suốt bao nhiêu đời nay. Mùa cạn, lòng sông nhỏ và ngắn, nước sông cạn, nhưng mùa mưa đến, con sông trở nên hung dữ vô cùng. Nước sông đã cuốn trôi không biết bao nhiêu cây cầu được người dân đẫm mồ hôi dựng lên. 
Theo quan sát, cây cầu có chiều dài gần 100m, được làm bằng tre nứa, những cây gỗ to chắc chắn được dùng để làm cọc đóng giữa lòng sông, hai bên là những cây tre dùng để chống cho cầu đỡ nghiêng và rung. Mặt cầu là những thanh tre đặt ngang, có chiều rộng chừng 1,2m. Hai bên cầu cũng không có lan can để vịn vào khi đi qua sông, vì thế trẻ con muốn qua cầu phải có người lớn đi cùng. Cầu chỉ có thể qua được một chiều, chiều ngược lại phải chờ những người trên cầu qua hết mới có thể qua… 
Bà Nguyễn Thị Tâm (trú tại xóm Sơn Tiến), 40 tuổi đời là 40 năm bà đi qua cây cầu tạm, bà cho biết: “Từ khi sinh ra đã thấy ông bà, cha mẹ mình đi qua cầu để về trung tâm rồi, mỗi mùa mưa ít nhất 3-4 cây cầu tre ni bị cuốn trôi. Hơn 40 tuổi, tui cũng không đếm được có bao nhiêu cây cầu được làm rồi lại bị trôi. Muốn đi chợ, đi họp phụ huynh, đi lên xã xin giấy tờ… đều phải qua cây cầu ni hết. Cứ mưa xong là cả xóm đều biết phải làm gì, tự động rủ nhau tập trung mang tre ra để “gia cố” cầu…”. 
Hầu hết phụ nữ đi xe qua cầu đều phải dắt bộ
 Hầu hết phụ nữ đi xe qua cầu đều phải dắt bộ 
Người dân tự làm cầu, tự kiểm tra và thay thế khi có những thanh tre mục nát hoặc gãy. Ông Cao Xuân Trọng, 57 tuổi, số tuổi của ông cũng là số năm đi qua cầu, ông bảo: “Năm ngoái bị cuốn trôi 4 cây cầu, năm ni chưa mưa nên chưa biết ra răng, có nhiều hôm sáng làm cầu, chiều mưa đến cuốn trôi mất, cả làng lại chặt tre làm lại cầu. Không tự làm thì cũng không có cách mô mà qua trung tâm, nếu đi đường vòng mất đến gần 30km đường nữa mới đến được trung tâm… Không biết dân làng khi mô có cầu mà đi, thấy nhà báo về cũng nhiều, chụp chiếu cũng nhiều mà không  nghe nói khi mô có cầu(?)”. Tâm tư của ông Trọng cũng như bao con người khác tại bản Sơn Tiến, đều mong mỏi có một cây cầu thật an toàn để đi, nhất là vào mùa mưa bão. 
Để dân chờ đến bao giờ?
Cả bản Sơn Tiến có hơn 60 hộ dân/ 250 nhân khẩu, tất cả già, trẻ, lớn, bé đều phải qua cầu tre tạm để về trung tâm. Ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp cho biết: “Đây cũng là vấn đề đau đầu của địa phương, nhiều đời nay rồi, không biết có bao nhiêu cây cầu được người dân dựng lên để qua bên trung tâm xã. Cũng không ai nhớ rõ cây cầu tre này có tự khi nào. Trên địa bàn xã có hai bản cùng chung cảnh cầu tạm là Sơn Tiến và Cốc Mẳm, tại bản Cốc Mẳm có 131 hộ dân/530 nhân khẩu cũng phải qua cầu tạm để về trung tâm”. 
Ông Trung cũng cho biết thêm, năm 2007 cầu Cốc Mẳm cũng đã có dự án đầu tư xây dựng tràn để người dân thuận tiện qua lại. Tuy nhiên năm 2009, nước lũ cuốn trôi mất, từ đó đến nay xã, huyện cũng không có kinh phí tu sửa lại. Người dân lại tự làm cầu tạm để qua sông như trước. 
“Trước mắt, cầu qua bản Sơn Tiến đã có chủ trương của Chính phủ xây dựng cầu với dự kiến kinh phí hơn 13 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn chưa có vốn để xây dựng…” - ông Trung cho biết. Vì thế, người dân đành nhắm mắt để qua cầu tạm về trung tâm và qua các xã khác. Cũng đã có nhiều người khi qua cầu gặp sự cố đã xảy ra tai nạn, may mắn là chưa có vụ tai nạn nào nghiêm trọng xảy ra. 
Còn đàn ông, người nào tay lái vững mới dám chạy qua cầu
 Còn đàn ông, người nào tay lái vững mới dám chạy qua cầu
Với đặc thù địa bàn miền núi địa hình hiểm trở, nhiều sông suối và có hiện tượng lũ ống, lũ quét nên việc đi qua cầu tạm là đang “đánh đu” với thiên nhiên khi bất ngờ lũ về. ông Phan Công Sen – Trưởng phòng Công Thương huyện Quỳ Hợp cho hay, huyện không có kinh phí xây dựng cầu nên người dân vẫn phải tiếp tục sử dụng cầu tạm để qua sông. Huyện cũng đang kêu gọi các nhà thầu có nguồn vốn hoặc kêu gọi nhà tài trợ xây dựng cầu cho địa phương. “Đến mùa mưa bão, huyện chỉ đạo xã đốc thúc kiểm tra tình trạng cầu, yêu cầu có người chốt chặn tại các điểm cầu tràn, không cho người dân qua cầu khi nước lớn. Cầu Cốc Mẳm cũng đã được phê duyệt dự án xây dựng nhưng không có vốn nên người dân đành phải sử dụng cầu tạm để qua sông…”. 
Cứ thế, hàng năm người dân lại nuôi cho bụi tre thật lớn, chọn những cây tre già nhất, chắc chắn nhất để sẵn sàng cho việc sửa cầu tạm vào mỗi mùa mưa bão hay khi cầu xuống cấp hư hỏng. Không biết người dân nơi đây còn phải chịu cảnh “đánh đu” với “tử thần” đến bao giờ? Đến khi nào các em học sinh không phải lo lắng mỗi khi mưa lũ, không phải nghỉ học khi mưa lớn…?

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.