Nhận diện nguy cơ để “chuyển mình” mạnh mẽ
Từ lâu, Quảng Ninh đã được biết đến là nơi hình thành ngành Công nghiệp sớm nhất cả nước. Với nguồn tài nguyên về khoáng sản phong phú, nhất là than đá, đã tạo cho tỉnh một nền tảng tương đối vững chắc trong phát triển các ngành Công nghiệp.
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 240 mỏ và điểm quặng đã và đang được khai thác; trong đó, sản lượng khai thác nguyên khai một năm các loại khoáng sản như than đạt trên 40 triệu tấn, vật liệu xây dựng trên 1,4 triệu m3, đá vôi xi măng trên 6,5 triệu tấn, sét xi măng trên 1,3 triệu tấn... Giai đoạn năm 2011 trở về trước, so với các ngành kinh tế khác, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh chiếm tới 59% cơ cấu nền kinh tế; cơ cấu thu nội địa dựa vào than và đất chiếm tới 77% số thu ngân sách nội địa. Trong đó, chỉ riêng số thu ngân sách từ ngành Than đã chiếm 67% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm.
Phải thừa nhận rằng, những đóng góp của ngành Công nghiệp đã đưa Quảng Ninh trong nhiều năm nằm trong tốp những tỉnh miền núi phía Bắc có tốc độ phát triển vào loại tốt. Trong đó, khai thác than, khoáng sản đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, đây lại là ngành có tài nguyên hữu hạn; đi cùng với những mặt tích cực, theo thời gian, những tác động xấu từ mô hình tăng trưởng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thiên nhiên, môi trường sống của nhân dân trên địa bàn.
Nhiều năm về trước, để đến với Quảng Ninh, du khách thường mất khoảng 3 đến 4 giờ đi từ Hà Nội qua Quốc lộ 18 xuyên suốt từ đầu đến cuối tỉnh dài chừng 300km được ví von là "con đường đau khổ". Ấn tượng không mấy hầu hết du khách về Quảng Ninh – nơi chứa đựng kỳ quan thiên nhiên thế giới lại là những con đường ngập bụi khi nắng, hóa bùn nhão khi mưa. Nhiều khu vực ở Mạo Khê - Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả, ngay cả vùng ven của TP Hạ Long cũng không thoát khỏi cảnh nhà cửa, phố xá phủ kín một lớp màu đen đúa, nhếch nhác từ bùi than.
Những con đường tại Quảng Ninh trước kia nhếch nhác từ bụi than... |
Dù là tỉnh có những lợi thế nổi trội để phát triển du lịch, đặc biệt là có Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, cùng nhiều thắng cảnh đẹp, tuy nhiên, việc phát triển đan xen giữa công nghiệp, du lịch, dịch vụ thiếu tính quy hoạch đã khiến các ngành kinh tế khác ngoài công nghiệp tăng trưởng chậm, số thu ngân sách nội địa từ ngành Du lịch Quảng Ninh lại chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu ngân sách hàng năm.
Có thể nhận diện những yếu tố cản trở sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh từ những năm trước là: Nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào công nghiệp khai khoáng, du lịch chưa phát triển xứng tầm với lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới, sạch, thân thiện mới trường chưa được đầu tư đúng mức.
Bên cạnh những bất cập do mô hình tăng trưởng không bền vững, quá phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, thì một yếu tố bất lợi khác đó là hạ tầng giao thông của Quảng Ninh không mấy thuận lợi; việc phát triển các ngành, lĩnh vực chưa được quan tâm đầu tư về khoa học công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới, sạch, thân thiện với môi trường… Đó là những yếu tố kìm hãm sự phát triển bền vững của tỉnh trong những năm vừa qua.
“Xanh hóa” nền kinh tế, quyết tâm mục tiêu phát triển bền vững
Nhận diện được những bất cập trong quá trình phát triển, từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2010-2015, Quảng Ninh xác định, phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Tỉnh xác định tăng trưởng xanh sẽ được thực hiện dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng.
Qua đó, để dần giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên hữu hạn và tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hoá, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người... để phát triển, trên cơ sở định vị được tiềm năng, thế mạnh, sự phát triển của địa phương đặt trong bối cảnh khu vực, quốc gia, quốc tế.
Những quyết sách đúng đắn đã làm thay đổi căn bản diện mạo tỉnh Quảng Ninh. |
Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV tiếp tục đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của miền Bắc. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững là một trong những trọng tâm cần hướng tới trong chiến lược phát triển toàn diện của tỉnh.
Trở lại Quảng Ninh trong vài năm gần đây, sự đổi thay của Vùng mỏ đã khiến du khách ngỡ ngàng và quên mất hình ảnh bụi bặm ngày nào khi được đi trên cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thẳng tắp nối liền với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tháo "nút thắt" hạ tầng giao thông liên vùng, Quảng Ninh mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng cao tốc Hạ Long - Hải Phòng bằng cách chủ động huy động các nguồn vốn, hợp pháp, một việc làm chưa từng có tiền lệ. "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", "1 đồng vốn ngân sách thu hút 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách". Có thể khẳng định, những quyết sách đúng đắn và quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong những năm vừa qua đã tạo ra những đột phá làm thay đổi một cách nhanh chóng diện mạo tỉnh Quảng Ninh trong mắt bạn bè, du khách trong nước cũng như quốc tế.
Một trong những dấu ấn làm thay đổi căn bản diện mạo tỉnh Quảng Ninh theo hướng phát triển bền vững trong những năm qua đó là sự thành công của chuỗi dự án hợp tác công - tư (PPP), khi tỉnh lần lượt khánh thành 3 dự án hơn 20.000 tỷ đồng: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt đầu tiên trong cả nước.
Quảng Ninh hướng tới xây dựng thương hiệu đẳng cấp quốc tế. |
Ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh trong một lần chia sẻ với báo chí cho biết: Một trong những điểm nhấn nhiệm kỳ qua là thực hiện hiệu quả định hướng phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên (vừa thành lập) là những mũi đột phá năng động, hình thành đô thị xanh, hiện đại, thông minh trong tương lai.
Bên cạnh đó, một tín hiệu vui nữa của Quảng Ninh trên chặng đường phát triển kinh tế theo hướng bền vững là sự xuất hiện ngày càng nhiều những dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch, xây dựng hạ tầng dịch vụ, cảng biển, logistics... từ các nhà đầu tư lớn.
Có thể nói, với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ về kiên trì mục tiêu tăng trưởng xanh, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tầm nhìn đến 2050, Quảng Ninh đã được Trung ương đánh gia là địa phương đã sớm định hình và thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “Nâu” sang “Xanh”. Từ cách làm bài bản, đúng hướng đó cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động cả người dân, doanh nghiệp cùng tham gia, chỉ trong thời gian ngắn tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đột phá làm thay đổi căn bản diện mạo tỉnh Quảng Ninh trong mắt bạn bè khu vực và quốc tế. Điều đó là minh chứng hùng hồn cho quyết tâm của Quảng Ninh trên chặng đường xây dựng một tỉnh phát triển năng động và toàn diện xứng tầm khu vực và quốc tế.
(Bài 2: Tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu về cải cách hành chính)