“Hạ sách” vì không thể chịu đựng thêm nữa
Theo người dân địa phương, nhà máy Chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi đi vào hoạt động từ cuối tháng 7/2017, cũng từ ngày đó họ bị “đầu độc” bởi mùi hôi thối, tiếng ồn của nhà máy.
Quá bức xúc, hàng chục người dân kéo đến cổng nhà máy túc trực cả ngày lẫn đêm ngăn cản hoạt động. Sau đó, liên ngành chức năng huyện Bình Sơn đã đến kiểm tra, yêu cầu nhà máy ngưng hoạt động, khắc phục tình trạng ô nhiễm mùi hôi.
Đến đầu tháng 9, sau khi tổ chức họp dân và hứa khắc phục tình trạng ô nhiễm, nhà máy hoạt động trở lại. Nhưng rồi tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn ngay sau đó. Đến ngày 30/9, người dân tiếp tục kéo lên yêu cầu nhà máy ngừng hoạt động vì mùi hôi tanh phát tán khủng khiếp.
Bà Lê Thị Đây (51 tuổi, ngụ thôn Trung An) nói: “Mùi hôi, tanh từ những nguyên liệu chế biến, cộng thêm tiếng ồn, khói thải khiến chúng tôi không thể chịu nổi, phải đóng cửa nhà suốt ngày hoặc chuyển đi nơi khác sống tạm. Chúng tôi đã liên tục kiến nghị nhà máy phải khắc phục nhưng họ vẫn phớt lờ. Tình trạng này kéo dài nữa thì sức khỏe của chúng tôi sẽ không biết bị ảnh hưởng nặng như thế nào. Đặc biệt là trẻ em và người già”.
Chị Bùi Thị Thu Thảo (40 tuổi, ngụ thôn Trung An) cho biết: “Mùi hôi thối thường bắt đầu từ 18h chiều đến 6h sáng hôm sau. Mùi hôi giống mùi cá ươn, cá thối bốc ra nồng nặc, rất nhức đầu, bữa cơm cũng rất khó nuốt. Người dân xung quanh nhà máy, ai cũng bức xúc về việc này nên mới đổ đất đá như vậy”.
Cách nhà máy khoảng chừng 200m, nhiều hộ kinh doanh buôn bán cũng chịu cảnh ô nhiễm. Nhiều người không dám đến các cửa hàng ăn uống ở khu vực ngã tư này vì mùi hôi. Nhiều hôm, vào ban đêm, khi người dân đang chuẩn bị đi ngủ, nhà máy lại hoạt động nhả khói ra môi trường, từng luồng khói thốc vào khiến người dân rất khó chịu.
Chị Kiều Thị Hương (43 tuổi, chủ một quán cơm) bức xúc: “Từ khi nhà máy này gây ô nhiễm, khách hàng không còn ghé quán tôi ăn cơm nữa vì không chịu nổi mùi hôi thối, việc kinh doanh vì thế đình trệ. Tối đến cũng không ngủ được vì mùi cá thối theo gió tỏa ra từng luồng nồng nặc. Mong sao nhà máy sớm có phương án xử lý triệt để để người dân chúng tôi an tâm sinh sống. Nếu không làm được thì yêu cầu nhà máy ngừng sản xuất”.
“Việc người dân phản ứng là có cơ sở”
Theo ông Đỗ Quang Trưởng - Giám đốc nhà máy Chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi, nhà máy khởi công tháng 1/2017 trên diện tích 1,5ha và hoạt động vào tháng 7/2017, công suất 90 tấn cá/ngày đêm. Đợt vận hành từ ngày 24 đến 26/7 đã gây ô nhiễm môi trường khiến người dân kéo đến cổng nhà máy phản đối. Nhà máy bị tạm ngừng hoạt động để khắc phục sự cố, lắp đặt hệ thống sục ozon, lắp đặt thêm tuyến ống 400mm để chuyển khí thải vào lò đốt đốt trước khi thải ra môi trường.
Đợt thử nghiệm lần hai từ ngày 6 đến 16/8 có phát tán mùi nên dừng để khắc phục. Tiếp đó ngày 21/8 cũng phải dừng vận hành để làm rõ nguyên nhân vì có sự phản ứng của người dân. Ngày 31/8, nhà máy cùng các cơ quan chức năng và người dân họp thống nhất nhà máy tiếp tục được chạy thử nghiệm sau khi thực hiện các cam kết.
Ông Trưởng cho biết, trong những lần người dân phản ứng thì có một người yêu cầu lãnh đạo nhà máy đền bù cho người dân 120 triệu đồng. Đến tối ngày 30/9, hàng chục người tụ tập yêu cầu nhà máy dừng hoạt động, đưa các tấm bê tông lớn chặn trước cổng không cho người, phương tiện ra vào nhà máy.
Trích xuất camera việc người dân kéo đến nhà máy phản ứng vào ngày 1/10 |
Sáng 1/10, nhân viên nhà máy chuyển các tấm bê tông đi để xe ra vào cổng thì một nhóm người đến cản lại, tiếp đó có 1 xe tải xe tải chạy đến đổ đất đá trước cổng nhà máy.
“Chúng tôi khẳng định làm đúng với đánh giá tác động môi trường. Hiện tại việc xử lý mùi trải qua 4 công đoạn. Mùi hiện tại rất nhẹ từ việc đốt cá chứ không nặng mùi như trước. Việc người một số người dân đổ đất trước cổng nhà máy, đe dọa nhân viên gây thiệt hại rất lớn cho công ty, mỗi ngày hơn 200 triệu đồng”, ông Trưởng cho biết.
Cũng theo ông Trưởng, trước tình hình trên, lãnh đạo công ty đã làm đơn gửi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết sự việc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, khi nhà máy thử nghiệm có gây ô nhiễm, người dân nhiều lần phản ứng nên tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố. Sau đó, khi nhà máy hoạt động trở lại thì sự ô nhiễm đã giảm 50 đến 60%, mùi dễ chịu hơn và là mùi đặc trưng của cá cháy.
“Việc người dân phản ứng về mùi hôi là có cơ sở, chức năng đánh giá môi trường đã có chính quyền, cơ quan chức năng phụ trách. Riêng hành động cản trở, đổ đất, tấm bê tông trước cổng nhà máy là sai. Người dân cần thông cản để nhà máy khắc phục dần dần, không nên có hành động thái quá. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn làm xấu hình ảnh địa phương đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư muốn đầu tư trên địa bàn”, ông Lập nói.
“Không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế”
Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, cho biết: “Người dân không ai rảnh đi ngăn nhà máy nếu không gây ra mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Trước đây, khi nhà máy chạy thử nghiệm gây ô nhiễm, người dân đã phản ứng buộc nhà máy phải dừng hoạt động. Sau đó huyện đã tổ chức cho đại diện nhà máy đối thoại với người dân. Tại cuộc đối thoại này, lãnh đạo nhà máy đã xin lỗi người dân và hứa khắc phục về mùi hôi, người dân đồng ý. Sau đó, nhà máy đã khắc phục đầu tư công nghệ xử lý mùi và tiếp tục chạy thử nghiệm, nhưng vẫn còn ô nhiễm nên người dân mới có hành động như vậy”.
Bà Thư cho hay, ngay trong ngày 1/10, khi người dân quanh nhà máy đổ đất trước cổng bít lối vào nhà máy, công an huyện đã xuống làm việc để ổn định tình hình. Công an cũng xác định chủ xe tải đổ đống đất đá và yêu cầu chủ xe đến khắc phục, dọn dẹp. Tuy nhiên, khi người này đến dọn, người dân đã ra ngăn cản, đe dọa nên người này không dám dọn đống đất đi.
Bà Thư cho biết thêm, ngoài việc chỉ đạo các cơ quan liên quan ổn định tình hình, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục mùi hôi, vận động người dân không có hành vi vi phạm, bà sẽ chỉ đạo UBND huyện có văn bản yêu cầu tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xuống đánh giá tác động môi trường, kiểm tra mùi hôi, ô nhiễm.
“Trên căn cứ khoa học, địa phương với tư cách quản lý nhà nước sẽ vận động người dân tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động. Trường hợp nhà máy gây ô nhiễm, chúng tôi sẽ kiến nghị tỉnh có biện pháp thích hợp với nhà máy. Riêng chuyện thông tin nhà máy phản ánh bị giang hồ đòi bảo kê, công an đã khoanh vùng và tôi chưa nghe báo cáo có hiện tượng này. Không chỉ huyện Bình Sơn mà cả tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh có chủ trương không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế”, bà Thư nói.